top of page

Để con được “nhát”!


Con mình trong mắt nhiều người là một đứa trẻ nhút nhát.


Không muốn xuống hồ bơi => nhát

Không xông xáo nói chuyện, giao lưu với người khác => nhát

Không thích chỗ đông đúc, ồn ào => nhát

Không dám “chiến đấu”, để bạn giật đồ chơi/chiếm chỗ chơi => nhát


Vân vân và mây mây…


Kèm theo lời nhận xét về con nhút nhát, mình còn được nghe một loạt hệ quả mà một đứa trẻ không bạo dạn sẽ phải đối mặt. Quả là một tương lai không lấy làm xán lạn gì cho cam.


Nhưng mình không làm gì để con hết “nhát” cả.


Nó không muốn xuống hồ bơi vì nó cảm thấy một cái bể nước ngập đầu như vậy rất thiếu an toàn và nó không sẵn sàng thả mình vào đó. Bạn hãy thử cúi xuống ngang tầm mắt của con và nhìn xem, trước mặt bạn là một mặt nước mênh mông dập dềnh, chỉ cần rơi xuống là thân thể nhỏ bé của bạn sẽ bị nuốt trọn. Con chưa được dạy cách để sinh tồn trong nước nên con cảm thấy sợ hãi là chuyện bình thường thôi mà.

Tương tự, nó cũng từ chối những trò leo trèo, vận động mạnh khi còn quá bé, tay chưa đủ sức để bám víu hoặc chân chưa đủ mạnh để nhún, đẩy. Sự cẩn thận của nó khiến mình khá yên tâm, rằng con sẽ không đặt bản thân vào tình huống mà chính nó thấy nguy hiểm. Vậy nên mình kệ cho nó “nhát”.


Con mình ở nhà thì nói năng hoạt bát, hoạt ngôn, nhưng ra ngoài khá dè dặt, không dễ mở lời. Khi thực sự quen thân, nó mới vô tư cười nói. Chẳng có gì bất thường khi ai đó không muốn giao tiếp với những người họ chưa cảm thấy thoải mái cả. Thế là mình cũng kệ cho nó được “nhát”. Ép buộc một người hướng nội phải tỏ ra quảng giao thật không khác gì ép chó mèo phải ăn thóc. Nó khiến người ta cảm thấy hỗn loạn, ức chế và khiên cưỡng. Tâm lý bị đè nén như vậy chỉ mang lại nhiều ác cảm dành cho đám đông hơn mà thôi. Rồi người đó sẽ càng thêm rụt rè, thu mình lại đằng sau cánh cửa tâm hồn đóng chặt.


Từ bé con đã không thích chỗ ồn ào, đông đúc. Nó chỉ thích nơi yên tĩnh, chơi đùa, thủ thỉ với một vài người bạn. Khoản này thì nó chính xác là bản sao của mình. Mình thường đùa rằng mình mắc bệnh “sợ người, sợ đông, sợ ồn”. Nếu phải chữa nhát thì chắc là mình cần chữa bản thân trước. Khi được ở trong không gian yên tĩnh hoặc ở một mình, thực sự mình cảm thấy rất nhẹ nhõm. Cho dù lúc đó đang có áp lực từ công việc, mình cũng vẫn giữ được bình tĩnh, an nhiên. Ngược lại, bước chân vào không gian nhiều âm thanh, mình sẽ có cảm giác như đang mặc một bồ đồ bó sát thân và càng lúc nó càng thít chặt hơn vậy. Do đó, mình không bao giờ ép con phải tham gia vào những sự kiện đông đúc, trừ khi tự con muốn.


Khi đối mặt với nguy cơ tranh giành hay xô xát, con mình thường chọn cách nhường lại món đồ cho bạn hoặc bỏ chạy. Nó có thể trạng bé hơn bạn bè đồng lứa, có khi còn bé hơn cả bạn kém tuổi, cố tranh giành thì chắc chắn chỉ có “xẹp lép như con tép” dưới tay bạn mà thôi. Tốt nhất là cứ ca bài: “nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, mình xin lỗi, mình xin lỗi được chưa; gió mãi mơn man trên đoá môi hồng, mình xin thua, mình xin thua bạn thắng…” vậy.


Mình hiểu rằng dù cố gắng che chở hay bảo vệ con như thế nào thì cũng phải có lúc con cần tự lập. Một đứa trẻ biết kiểm soát tình hình, biết tự lượng sức để bảo vệ bản thân là điều cần thiết khi bước ra thế giới quá đỗi bao la kia. Trong mắt mọi người thì con “nhát” là nhược điểm, nhưng với mình lại là sự an tâm, bởi mình hiểu căn nguyên của từng vấn đề, mình cũng hiểu con nữa. Mình vẫn dạy con cách tự vệ nhưng mình không hề khuyến khích nó phải chiến đấu. Nếu con cảm thấy dùng lời lẽ ôn hoà không mang lại hiệu quả, con có thể bỏ chạy. Giữ cho bản thân được an toàn là quyền lợi đúng đắn của mọi con người.


Mặt khác, mình tin rằng một trong những yếu tố giúp con xây dựng sự tự tin từ bên trong là đứa trẻ phải được sống đúng bản chất của mình. Làm sao có thể tự tin nếu phải cố cư xử khác với con người thật, đúng không nào? Bắt một đứa trẻ phải gồng lên thể hiện sự mạnh mẽ trong khi nó đang ngập tràn lo lắng và bất an là hành động giống như xây một ngôi nhà mà không có móng. Ngôi nhà dù có bề ngoài bóng bẩy đến đâu cũng khó trụ vững với thời gian, phong ba cuộc đời. Em bé phải được sống thật với bản ngã mà tự nhiên trao cho nó, cảm thấy mình được chấp nhận, được yêu thương vô điều kiện thì mới có được sự tự tin. Sự tự tin là bước đệm cho những bước chân mạnh mẽ của tương lai.


Ngày hôm nay có thể bạn đang rất hoang mang vì đứa con 20 tháng tuổi quá nhút nhát. Bạn lo sợ con sẽ khó khăn trong việc hoà nhập, và thấy thất vọng vì hoạt động vui chơi chỗ công cộng của gia đình cũng bị hạn chế. Mình cũng như rất nhiều người mẹ khác xin được đồng cảm và chia sẻ với bạn. Bạn thấy đấy, ngoài kia có không ít em bé giống như con bạn. Điều đó chứng tỏ “nhút nhát” là một đặc trưng tính cách bình thường ở con người phải không? Tin tốt là mọi thứ đều có thể được cải thiện, nhưng con cần thời gian. Hãy thấu hiểu con, trấn an con, tin tưởng và trao cho con sự kiên nhẫn bên cạnh tình yêu vô điều kiện. Mọi thứ sẽ ổn cả thôi!




34 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page