10 thói quen giúp bạn cải thiện mối quan hệ với con
(Bài do Thu Thủy chuyển ngữ từ bản gốc tiếng Anh trên trang ahaparenting.)
"Tôi không thể tin rằng mọi việc với con gái mình lại thay đổi nhiều đến vậy, kể từ khi tôi bắt đầu tập trung vào sự kết nối” - Zoe
Ai trong chúng ta cũng thèm có những khoảnh khắc gần gũi với con khiến trái tim tan chảy. Cha mẹ cũng cần sự kết nối không kém gì những đứa trẻ, bởi đó là những giây phút mọi sự hi sinh khi làm cha mẹ đều trở nên xứng đáng.
Sự kết nối đó cũng là lý do duy nhất sẽ khiến trẻ tự nguyện tuân theo những quy tắc mà cha mẹ đặt ra. Những đứa trẻ cảm thấy được kết nối sâu sắc với cha mẹ sẽ MUỐN hợp tác nếu có thể. Chúng sẽ vẫn hành động như trẻ con, nghĩa là đôi khi cảm xúc của trẻ sẽ choán cả phần vỏ não trước trán vẫn còn đang phát triển. Nhưng khi con tin rằng cha mẹ thấu hiểu mình, ủng hộ mình, con sẽ muốn được làm theo những chỉ dẫn của cha mẹ khi có thể.
Các nhà nghiên cứu nhắc nhở chúng ta rằng: để bất kỳ mối quan hệ nào được duy trì một cách lành mạnh, cần có 5 tình huống tương tác tích cực để bù lại một tương tác tiêu cực. Và vì chúng ta dành quá nhiều thời gian để hướng dẫn con - thực ra là chỉnh sửa, nhắc nhở, mắng mỏ, chỉ trích, trách móc hay hò hét - nên chúng ta cần dành một lượng thời gian nhiều gấp 5 lần để xây dựng kết nối tích cực với con.
Nhưng cha mẹ thì cũng chỉ là con người thôi. Sẽ có những ngày chúng ta cố gắng đến mấy cũng chỉ còn sức để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất của con. Có những ngày mà cho con ăn, tắm rửa, nói năng nhẹ nhàng với con, và cho con đi ngủ đúng giờ đã là cả một nỗ lực đáng nể rồi.
Vậy là, việc làm cha mẹ vốn đã nhiều vất vả - mà chúng ta lại chỉ thường làm vào thời gian nghỉ, sau khi xa con cả ngày - thì cách duy nhất để duy trì kết nối với con là tạo ra những thói quen kết nối hằng ngày. Dưới đây là 10 thói quen sẽ không cho bạn thêm thời gian nhưng cho bạn thêm sự kết nối. Đơn giản, nhưng hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên, những thói quen này sẽ chữa lành tình trạng mất kết nối trong cuộc sống hằng ngày. Bạn sẽ thấy rằng việc thực hiện những thói quen này sẽ thay đổi mọi thứ.
1. Đặt mục tiêu 12 cái ôm (hoặc giao tiếp thể chất) mỗi ngày.
Nhà trị liệu gia đình Virginia Satir từng nói: “Để tồn tại, chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày. Để duy trì, chúng ta cần 8 cái ôm mỗi ngày. Để lớn lên, chúng ta cần 12 cái ôm mỗi ngày.”
Việc đầu tiên vào buổi sáng và việc cuối cùng vào buổi tối mà bạn cần làm là ôm ấp con vài phút. Hãy ôm khi tạm biệt, khi về nhà gặp nhau và trong những khoảng thời gian ở giữa. Xoa đầu, vỗ lưng, xoa vai con. Nhìn vào mắt con và mỉm cười, vì đó cũng là cách để kết nối. Khi con đã lớn và từ chối những cái ôm của bạn vì xấu hổ, hãy nhớ rằng với tuổi này bạn sẽ phải từ tốn hơn khi kết nối với con. Đưa cho con một cốc nước mát, nói chuyện với con và xoa chân cho con. Nghe con kể về những gì diễn ra trong ngày hôm đó.
2. Chơi.
Những tiếng cười và trò chơi sẽ giúp bạn kết nối với con bằng cách kích thích sản sinh endorphin và oxytocin ở cả hai người. Hãy biến những tiếng cười thành thói quen hằng ngày, vì nó cho bạn và con cơ hội xóa bỏ mọi lo lắng muộn phiền thường đẩy chúng ta ra xa nhau, và dễ khiến con xử sự không đúng mực. Những trò chơi cũng khiến trẻ muốn hợp tác hơn. Giờ hãy xem cách nào hiệu quả hơn nhé:
“Ra ăn bữa sáng ngay!”
hay là
“Tinh Tinh Nhỏ ơi, đến giờ ăn sáng rồi - Nhìn này, trong bát cháo yến mạch của con có những con bọ và quả chuối đấy.”
3. Tắt các thiết bị điện tử khi tương tác với con.
Thật đấy. Suốt quãng đời còn lại, con sẽ nhớ rằng con đủ quan trọng đối với cha mẹ mình tới mức họ tắt điện thoại đi để lắng nghe con. Ngay cả việc tắt nhạc trong ô tô cũng là một cách hiệu quả để bắt đầu kết nối với con, vì khi lái xe là lúc chúng ta không thể nhìn thẳng vào mắt con, và điều đó có thể giảm áp lực cho con, giúp hai bên mở lòng và chia sẻ.
4. Kết nối trước những giai đoạn chuyển đổi
Trẻ thường không dễ gì đối mặt với sự thay đổi. Chúng cần cha mẹ hỗ trợ để cùng điều chỉnh trong những lúc chưa sẵn sàng từ bỏ một việc đang làm để chuyển sang một việc mà bố mẹ muốn con làm. Hãy nhìn thẳng vào mắt con, gọi tên con, kết nối với con rồi chọc cho con cười - đó chính là bạn đang xây dựng một cầu nối giúp con tự điều chỉnh để vượt qua những thay đổi.
5. Dành thời gian tương tác 1:1.
Hãy cố gắng sắp xếp 15 phút mỗi ngày để tương tác với từng trẻ. Trong khoảng thời gian đó, hãy làm những việc con muốn làm, sau đó đến những việc bạn muốn làm và cứ luân phiên như vậy. Vào những ngày cả hai cùng làm việc con thích, hãy dành cho con thật nhiều yêu thương và làm theo những gì con hướng dẫn. Vào những ngày cả hai cùng làm việc bạn thích, cố gắng đừng lên lịch trình cứng nhắc. Thay vào đó, hãy thử bất kỳ hoạt động thể chất hoặc trò chơi nào khiến con cười.
6. Đón nhận mọi cảm xúc.
Không dễ dàng gì cho chúng ta mỗi khi con có những cảm xúc rất mạnh. Nhưng con cần được thể hiện những cảm xúc đó ra ngoài, nếu không thì những cảm xúc đó sẽ thúc đẩy hành vi xấu. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để giúp con chữa lành những nỗi buồn, từ đó khiến cả hai xích lại gần nhau hơn. Vậy nên, hãy lấy hết can đảm để dành lòng trắc ẩn cho con, đừng để cơn giận của con làm bạn nổi xung lên, đón nhận những giọt nước mắt và nỗi sợ ẩn sau những cơn giận đó. Hãy nhớ rằng khi con khóc trước mặt bạn nghĩa là con đủ tin tưởng bạn, và hãy luôn hít thở để giữ bình tĩnh. Hãy ghi nhận tất cả những cảm giác đó và thể hiện rằng bạn hiểu cảm xúc của con. Điều đó tạo ra một không gian an toàn để con vượt qua cảm xúc của mình và quay lại kết nối với bạn. Sau đó, con sẽ cảm thấy thư thái hơn, chịu hợp tác hơn và gần gũi với bạn hơn. Đúng vậy, thường thì trẻ sẽ bắt đầu bằng một cơn giận, vậy nên nếu muốn con thể hiện những cảm xúc yếu đuối khác của mình, bạn cần giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi đối diện với cơn giận của con trước đã. Việc này thực sự rất, rất khó. Một trong những khó khăn lớn nhất của việc làm cha mẹ chính là điều chỉnh cảm xúc của chính mình khi đối diện với cơn giận của con. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta ngừng cố gắng.
7. Lắng nghe và đồng cảm.
Kết nối luôn bắt đầu từ việc lắng nghe. Hãy đảm bảo rằng bạn không xen vào khi con nói, trừ khi là để nói những câu như:
“Thế à!... Mẹ hiểu rồi… Thật á?... Con cảm thấy thế nào?... Còn gì nữa không con?...”
Thói quen nhìn nhận sự việc theo góc độ của con sẽ giúp bạn đối xử với con một cách tôn trọng và tìm ra những giải pháp có lợi cho cả đôi bên. Nó giúp bạn hiểu lý do đằng sau những hành vi mà thông thường sẽ khiến bạn nổi điên lên. Nó cũng giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của bản thân để không nhìn con như một kẻ thù khi sắp “nổi đóa”.
8. Chậm lại và tận hưởng từng khoảnh khắc.
Thay vì dồn con theo lịch trình để bạn có thể dành vài phút cho con trước khi đi ngủ, hãy tận dụng mọi tình huống tương tác trong suốt cả ngày như một cơ hội để kết nối. Hãy chậm lại khi ở bên con. Hãy cho con ngửi quả dâu tây trước khi xay sinh tố. Khi giúp con rửa tay, bạn hãy đưa tay mình vào cạnh tay con dưới vòi nước chảy để cảm nhận dòng nước. Hít hà mái tóc con. Lắng nghe tiếng con cười. Nhìn vào mắt con và để cho hai trái tim kết nối với nhau đầy yêu thương. Hãy kết nối với con trong chính phút giây hiện tại - mà thực ra, chỉ khi sống trong hiện tại thì bạn mới thực sự kết nối với con (Nhiều cha mẹ sẽ thấy rằng đây cũng là cách để “chịu đựng” khi phải chơi đi chơi lại một trò chơi mà con thích.)
9. Ôm ấp và tâm sự trước khi đi ngủ
Cho con đi ngủ sớm hơn một chút để có thời gian ôm ấp nhau trong bóng tối. Đây sẽ là thời điểm con cảm thấy an toàn và được yêu thương để thổ lộ những muộn phiền, như là chuyện gì đã xảy ra ở trường, chuyện bạn mắng con sáng nay, hay là con đang lo lắng cho buổi dã ngoại ngày mai. Bạn có phải giải quyết vấn đề của con ngay lúc đó không? Không, chỉ cần lắng nghe. Ghi nhận cảm xúc của con. Hãy trấn an con rằng bạn hiểu lo lắng của con và sẽ cùng con giải quyết vào ngày mai. Bạn cũng đừng quên tiếp tục nói về vấn đề đó vào ngày hôm sau. Cứ thế, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy rằng mối quan hệ giữa bạn và con ngày càng thân thiết hơn. Và đừng từ bỏ thói quen này khi con đã lớn. Trẻ tuổi teen cũng thường mở lòng tâm sự vào lúc đêm muộn.
10. Hãy chú tâm
Hầu hết chúng ta đều sống kiểu nửa tỉnh nửa mê. Nhưng con thì chỉ có khoảng 900 tuần tuổi thơ bên bạn. Chẳng mấy chốc con sẽ rời xa gia đình và có cuộc sống riêng.
Hãy thử thực hiện điều này: Khi tương tác với con, hãy thực sự chú tâm 100%. Hãy hiện diện ngay lúc này, ở đây và đặt mọi việc khác sang một bên. Bạn sẽ không thể thực hiện việc này mọi lúc, nhưng nếu tạo được thói quen vài lần mỗi ngày, bạn sẽ nhận thấy mình càng ngày càng chú tâm nhiều hơn.
Và nhờ thế, bạn sẽ có ngày càng nhiều khoảnh khắc yêu thương bên con mà chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến trái tim tan chảy!
Thu Thủy,