Gửi những người mẹ 3 năm 2 đứa
Cả tối hôm đó, tôi ngồi nhìn xoáy vào vạch màu hồng thứ hai hiện trên que thử, cố gắng để hiểu điều gì đã xảy ra. Vậy là nằm ngoài kế hoạch của tôi, em bé thứ hai đã đến khi con gái đầu mới chưa đầy hai tuổi! Tôi sẽ phải làm gì đây? Lạc của tôi, con gái bé bỏng của tôi vẫn còn bé tí ti mà đã phải san sẻ mẹ với một em bé khác?
Nước mắt tôi lăn dài đầy bối rối. Tôi thích có con, nhưng chưa sẵn sàng để có thêm một em bé nữa…
—
Đã tròn 4 năm sau cái ngày đầy nước mắt ấy. Tôi không biết mình đã ngụp lặn ra sao trong suốt quãng thời gian kể từ khi Bia được sinh ra. Tôi đã làm thế nào để vừa chăm sóc cho một em bé sơ sinh, vừa ở bên một em bé giữa khủng hoảng tuổi lên ba. Tôi không biết mình đã thay bao nhiêu cái tã, thức bao nhiêu đêm, khóc bao nhiêu nước mắt vì mệt mỏi, vì thương con.
Nhưng bạn biết không, điều quan trọng là bây giờ tôi đã ở đây, ngồi viết những dòng này khi hai em bé tự chơi với nhau ở phòng bên cạnh. Tôi của bây giờ rất ổn.
4 năm nhìn lại, nếu như có thể quay ngược thời gian, có vài điều tôi muốn nhắn nhủ tới chính mình vào cái ngày biết đến sự có mặt của Bia.
Điều thứ nhất: Khi bạn sinh thêm con, tình yêu không chia ra mà chỉ nhân lên gấp bội
Ngay từ ngày đầu tiên, mặc định trong đầu tôi là sự xuất hiện của Bia sẽ lấy bớt đi tình yêu thương dành cho Lạc. Với kiểu suy nghĩ như vậy, tôi luôn nhìn Lạc như một nạn nhân, lúc nào cũng thấy con tội nghiệp. Ngay cả khi con đang chơi với bố rất vui, tôi vẫn thấy con đáng thương vì không được ở bên mẹ. Ngay cả khi con được bà đưa đi học, tôi vẫn cảm thấy con như đang bị bỏ rơi. Nhìn ánh mắt con sáng lên vì biết sẽ được mẹ đưa đi chơi thì tôi vẫn thấy thương sao mà thương quá.
Đôi khi, nó làm tôi trầm trọng hóa vấn đề và không lúc nào yên lòng được. Chính điều đó lại ảnh hưởng đến tâm lý của tôi khi làm mẹ, càng làm cho tôi cảm thấy rối bời hơn khi hai con cần tôi bình tâm nhất.
Lẽ ra từ đầu, tôi không cần cảm thấy tội nghiệp cho con như vậy. Trái tim rộng lớn lắm, tình yêu thương của tôi dành cho Lạc và Bia chỉ ngày một nhiều hơn. Chỉ có thời gian bên mẹ của mỗi đứa đôi khi bị gián đoạn bởi đứa kia. Nhưng cũng vì vậy mà tôi chú tâm hơn, kết nối sâu hơn với con mỗi lần có thể dành thời gian riêng cho từng đứa. Thêm một cái ôm, một cái thơm và thêm một câu nói “mẹ yêu con” hơn so với bình thường, tôi vẫn tìm được cách lấp đầy “chiếc xô yêu thương” của hai em bé.
Điều thứ hai: Đừng làm mẹ trong sợ hãi
Những ngày tháng đầu đời của Bia cũng là những ngày tôi ngập chìm trong cảm giác bứt rứt như người có lỗi. Khi đang ru Bia ngủ, tôi cảm thấy có lỗi vì không ở bên cạnh đọc sách cho Lạc như trước đây. Có lần Lạc bị ốm chỉ đòi mẹ, suốt đêm tôi ở bên chườm mát, cho uống thuốc rồi vỗ về trong khi Bia ngủ với bà. Ngay trong lúc bản thân mệt lả đi vì thiếu ngủ, tôi vẫn cảm thấy có lỗi vì đêm đó không thể ở bên Bia. Lúc nào, tôi cũng cảm thấy mình có lỗi, mình làm chưa đủ, mình không dành được điều tốt nhất cho các con.
Giờ đây nhìn lại, tôi nhận ra sâu bên trong mình khi ấy là một nỗi sợ to đùng: sợ mình không đủ tốt - sợ mình không phải là một người mẹ tốt. Ước gì khi đó tôi có thể nhận ra điều đó để cởi bỏ cho mình nỗi sợ vô căn cứ này. Tôi đã cố gắng biết bao nhiêu, dũng cảm biết bao nhiêu, chăm chỉ biết bao nhiêu! Vậy mà tôi vẫn luôn cho rằng như vậy là chưa đủ. Chính điều đó làm cho hành trình làm mẹ “ba năm hai đứa” của tôi trở nên vất vả, không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần.
Nếu bạn thấy mình đâu đó trong câu chuyện này, xin hãy nhớ rằng bạn đang làm rất tốt. Các con bạn, gia đình của bạn - mọi người đều thật may mắn vì có một người phụ nữ như bạn ở bên. Khi tin vào giá trị của bản thân, bạn tự nhiên sẽ cảm thấy thảnh thơi hơn, tĩnh tâm hơn và mọi thứ cũng không khó khăn đến thế.
Điều thứ ba: Chăm sóc cho mình trước đã!
Một ngày của người mẹ “hai năm đôi” diễn ra như thế nào, nếu kể ra hết các đầu việc chắc sẽ hụt cả hơi. Dù mẹ chồng giúp đỡ rất nhiều, tôi vẫn có cảm giác mình luôn quay cuồng trong công việc. Có những ngày mệt tới nỗi, 8 giờ tối cho Bia đi ngủ, lẽ ra sau đó trở dậy cho Lạc ngủ và dọn dẹp nốt thì tôi ngủ lịm luôn đi. Phải cho đến khi Lạc tự đến rúc vào bên mẹ, mới biết mình đã ngủ quên tự lúc nào.
Trong những mớ hỗn độn quay cuồng của cháo sữa, mũi dãi, đồ chơi và những cơn khủng hoảng tuổi lên ba ấy, tôi thường xuyên quên đi mất một người: là chính tôi. Cứ như thể sức khỏe của tôi không quan trọng đến thế, như thể những gì tôi ăn hay uống chẳng thành vấn đề. Đã quá lâu tôi không nghe một bản nhạc hay xem một bộ phim. Những giờ phút quý giá còn thức và rảnh, tôi dành cả để kết nối với từng em bé. Cho đến một lần, tôi lăn quay ra ốm. Giống như một guồng quay đều đặn đột nhiên dừng lại, tôi nằm đó bất lực, nhìn mọi người đôn đáo lo cho hai em bé thay mình. À, thì ra mọi chuyện cũng không tệ đến thế nếu tôi nằm xuống năm phút, chỉ năm phút thôi cũng được. À, thì ra cơ thể tôi cũng có lúc phải lên tiếng, vì tôi đã quên chăm sóc cho mình quá lâu.
Những ngày ốm nằm một chỗ, tôi cũng nhận ra rằng sức khỏe của mình thật là quan trọng. Nếu không khỏe mạnh, làm sao tôi có thể tiếp tục chăm sóc các con? Tôi học cách chậm lại một chút và chấp nhận một vài thứ không được hoàn thành trọn vẹn mỗi ngày. Có hôm nền nhà chưa kịp lau, có hôm chậu quần áo chưa kịp giặt. Và chúng tôi vẫn vượt qua những ngày như thế mà không hề gì, còn tôi mỗi ngày có thêm năm mười phút, đôi khi chỉ để ngồi xuống lặng im.
Điều thứ tư: Mọi chuyện sẽ tốt dần lên, nhanh hơn bạn tưởng!
Thật đấy. Khi nào cảm thấy khó khăn quá, tôi vẫn hay nhớ về câu nói “This too shall pass” (mọi chuyện rồi sẽ qua). Rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy mình thảnh thơi hơn nhiều khi hai con có thể tự chơi với nhau. Giống như tôi vẫn hay đùa, món đồ chơi tuyệt vời nhất mà tôi đã tặng cho Lạc chính là Bia và ngược lại.
Vì sát tuổi nhau nên các con không chênh lệch quá nhiều về phát triển nhận thức và chơi với nhau được rất lâu. Nhiều khi, Bia nghe lời và tin tưởng chị hơn cả bố mẹ. Dù có những lúc cãi nhau, thậm chí “động thủ” với nhau, thì chúng vẫn luôn là người đầu tiên đứng ra bảo vệ nhau khi một trong hai bị ai đó trêu chọc. Đã có những lần Lạc chảy nước mắt khi nhìn thấy Bia khóc vì bị đau. Và cũng có những lần Bia ngây ngô chống lại bố vì tưởng bố đang trêu chị. Những khoảnh khắc ngọt ngào ấy khiến tôi thấy những vất vả mình đã trải qua là hoàn toàn xứng đáng.
Lời kết
Bạn biết không, có những em bé đến ngoài kế hoạch của chúng ta nhưng có vẻ hoàn toàn nằm trong kế hoạch của…Vũ trụ! :) Nếu con đã đến có nghĩa là con cần phải đến, để dạy cho ta những bài học cuộc đời. Nếu đã là như vậy, thì thay vì bi quan, sợ hãi và đóng vai nạn nhân, chi bằng ta hãy tìm cho mình một tâm thế luôn rộng mở. Mở lòng ra đón nhận những vất vả và cả những niềm vui ngọt lịm, để mạnh mẽ hơn, gai góc hơn và thấu hiểu bản thân mình.
Thu Thủy,