top of page

4 bước đơn giản để mẹ dễ dàng cai tivi cho bé khi ăn

Cứ thấy mâm cơm là con bạn đòi mở tivi, sẵn sàng lăn ra khóc lóc nếu không được đáp ứng. Bạn biết không nên để con vừa ăn vừa xem tivi, nhưng lại sốt ruột vì con không chịu ăn. Vì muốn tránh màn ăn vạ trong bữa cơm, bạn lại tặc lưỡi nhượng bộ. Bạn ngồi bên cạnh bón cho con, liên tục giục con nhai nhanh lên. Còn con thì dán mắt lên màn hình, ngậm miếng cơm đến chảy nước! Không giữ nổi kiên nhẫn, bạn tắt phụt tivi và quát ầm lên. Con vừa bất ngờ vừa tức giận vì mẹ tắt khi đang xem dở đoạn hay, vừa ấm ức vì bị mẹ mắng, khóc òa lên không chịu ăn nữa. Bữa cơm nào cũng diễn ra trong căng thẳng và nước mắt!


Nếu bạn rơi vào trường hợp này và muốn "cai" tivi cho bé khi ăn, thì đây đúng là bài viết bạn cần. Dưới đây là phương pháp 4 bước đã giúp tôi dễ dàng loại bỏ thói quen xấu này của con. Bạn đã nghe nhiều lời khuyên và thử nhiều cách nhưng vẫn không ổn? Thất bại có lẽ nằm ở chính tâm lý và cách tiếp cận của bố mẹ, và tin tốt là phương pháp được đề cập trong bài viết này sẽ giải quyết điều đó. Khi ta đã nắm được bản chất của vấn đề thì mọi việc tự nhiên trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta hãy cùng bắt đầu với bước đầu tiên nhé!


Bước 1: Tự xác định tư tưởng của bản thân: quyết tâm cai tivi cho con

Những lời khuyên nhan nhản trên mạng về việc cai tivi cho bé trong khi ăn thường không hề nhắc đến bước này. Nhiều bố mẹ không nhận ra rằng họ cần phải xác định tư tưởng của mình trước khi có thể áp dụng những phương pháp này kia để giúp con loại bỏ thói quen xem TV khi ăn. Và đó là lý do tại sao họ cố gắng chấm dứt tình trạng vừa ăn vừa xem với quyết tâm cao độ nhưng lại thoái chí ngay khi con phản kháng. Tệ hơn, có những người thậm chí đã thành công bước đầu rồi nhưng sau đó lại để con tái diễn. Đơn giản là vì họ đã bỏ qua bước này.


Việc đầu tiên mà bạn cần làm là xác định tư tưởng với chính mình.

Thực sự thì tại sao bạn muốn loại bỏ thói quen xem tivi của con? Việc xác định rõ ràng lý do sẽ giúp bạn kiên định hơn với quyết định của mình, nhất là khi đối mặt với những phản ứng kháng cự của con như khóc, rên rỉ, giận dỗi, từ chối ăn.

Để thực hiện hiệu quả bước này, bạn hãy áp dụng những mẹo sau:


  • Chọn thời điểm yên tĩnh và chỉ có một mình để tập trung suy nghĩ

  • Lấy giấy bút để viết ra những lý do

  • Viết ra cảm nhận của bạn, những trải nghiệm tiêu cực của cả gia đình khi con vừa ăn vừa xem tivi để giúp bạn dễ tìm lý do hơn và nâng cao quyết tâm hơn.


Bạn có thể tham khảo những lý do sau:

  • Hình thành thói quen ăn uống không tốt: Khi ăn, con nên tập trung vào việc khám phá món ăn về màu sắc, mùi vị, kết cấu để học cách trân trọng, tận hưởng thức ăn. Ăn trong khi nhìn chằm chằm vào TV sẽ khiến con mất tập trung, không ý thức được mình đang ăn gì.


  • Không tốt cho tiêu hóa: Khi ăn, não bộ cần nhận được tín hiệu từ các giác quan để sản sinh ra những enzym thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Mất tập trung khi ăn sẽ ảnh hưởng đến quá trình này, làm thức ăn không được tiêu hóa hiệu quả.


  • Hạn chế kết nối trong gia đình: giờ ăn lẽ ra là khoảng thời gian quý giá để cả nhà cùng quây quần trò chuyện và tận hưởng món ăn. Khi con xem tivi, nghiễm nhiên con đánh mất cơ hội được chia sẻ trải nghiệm tuyệt vời này cùng các thành viên khác.


Sau khi đã biết chắc chắc rằng mình muốn giúp con cai tivi trong bữa ăn, thì bạn mới sẵn sàng để chuyển sang bước thứ hai…


Bước 2: Thỏa thuận trước với những người lớn khác trong gia đình và thông báo trước với con về việc cai tivi

Nhà nào có ông bà chắc hẳn sẽ rất dễ xảy ra tình trạng này: bạn quyết định không cho con mở TV trong bữa cơm và ông bà hay vợ/chồng xen ngang: “Cho nó xem để ăn cho nhanh”, “Xem một tí để ăn bữa cơm cho yên, khóc lóc sốt cả ruột”. Và thế là mọi nỗ lực của bạn đều tiêu tan.


Để tránh tình trạng này, bạn hãy thẳng thắn trao đổi với ông bà và vợ/chồng mình. Hãy đưa ra những lý do bạn đã xác định ở bước 1 để thuyết phục họ. Cần phải có sự đồng lòng của mọi người thì mới giữ được tính nhất quán trước mặt con và cai tivi cho bé thành công được.


Bạn cũng nên thông báo trước với con về ý định cai tivi, nhất là khi con đã có thói quen này từ lâu. Việc này không thể đảm bảo con sẽ chấp nhận bữa cơm không có màn hình ngay. Nhưng ít ra khi tới thời điểm tới, con cũng phần nào biết việc gì sẽ xảy ra và phản ứng đỡ gay gắt hơn.


Nếu có thể, bạn hãy tạo không khí vui vẻ khi thông báo “tin dữ”. Lần đó, tôi đã chọn thời điểm đón con ở trường, khi con đang chơi xích đu.


Mẹ: “Hôm nay ở lớp con ăn món gì? Có tự xúc hết suất không?”


Con: "Con xúc hết veo luôn đấy mẹ ạ. Cô Linh khen con ăn tài."


Mẹ: “Thế lúc ăn cơm, cô giáo có mở tivi không?”


Con thật thà trả lời rằng không.


Mẹ: “Tối nay ở nhà, con thử xúc ăn giống như ở lớp, không cần xem tivi nhé? Nếu con làm được, ăn xong mẹ sẽ cho con xem thật nhiều công chúa.”


Bạn nhỏ vui vẻ đồng ý, nhưng tất nhiên, mọi việc không dễ dàng đến thế...


Bước 3: “Vào trận” với 3 vũ khí: bình tĩnh, đồng cảm nhưng kiên quyết khi cai tivi cho bé

Các bước chuẩn bị đã xong, đây là lúc bạn thực sự bước vào “thử thách”. Giờ cơm đến và theo thói quen, con sẽ đòi mở tivi. Bạn hãy thật bình tĩnh và nhẹ nhàng nói với con: “Hôm nay con sẽ ngồi tự xúc ăn mà không xem tivi nhé. Khi nào ăn xong bố/mẹ sẽ cho xem.”


Bạn cần hết sức bình tĩnh đón nhận bất cứ phản ứng nào của con. Dù con khóc lóc hay không chịu ăn, bạn vẫn kiên quyết giữ lập trường. Lúc này cả nhà sẽ bắt đầu bữa ăn với thái độ bình thường, không ép con ngồi vào mâm nhưng vẫn theo dõi hành vi của con.


Đây chính là thời điểm quyết định. Những lần đầu tiên, tôi đã mắc phải nhiều sai lầm tại bước này và kết quả là con tiếp tục giữ thói quen xấu. Sau này, khi nói chuyện với những người mẹ khác, tôi mới nhận ra rằng hầu hết đều mắc phải sai lầm tương tự.


Dưới đây là những lỗi thường gặp trong bước 3 và cách phòng tránh:


  • Không để con đủ đói. Nếu con có thói quen xem tivi khi ăn thì khả năng cao là không có thói quen ăn uống tự giác. Nếu chưa đói, quãng thời gian phản kháng của con sẽ dài hơn vì con chưa có nhu cầu ăn. Bạn nên giãn cách đủ thời gian giữa các bữa, không cho con ăn vặt, khuyến khích vận động để tăng cảm giác đói.


  • Không giữ được bình tĩnh, nổi giận khi con kháng cự. Khi đối diện với bất cứ một sự thay đổi nào thì phản ứng đầu tiên của trẻ sẽ là phản kháng. Khi cai tivi, con sẽ khóc lóc, không chịu ăn và làm những hành động khác để thể hiện sự bất bình. Bạn hãy hiểu và chấp nhận phản ứng tự nhiên này. Dù con có hành vi tệ đến đâu, hãy dặn lòng phải thật bình tĩnh. Nếu bạn nổi nóng, quát mắng con thì có thể dẫn đến hai kết quả. Một là con càng phản kháng dữ dội hơn. Hai là con có quy phục vì sợ hãi. Cả hai kết quả này đều không phải điều chúng ta mong muốn.


  • Thiếu đồng cảm. Nói cả nhà nên tiếp tục bữa ăn như bình thường không có nghĩa là hoàn toàn phớt lờ hay cố tình tỏ ra lạnh lùng, không quan tâm. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt. Trước tiên, hãy hiểu cho cảm giác của con khi bỗng nhiên bị bắt từ bỏ một thói quen yêu thích. Bạn có thể giải thích ngắn gọn cho con (với thái độ bình tĩnh) rằng: “Bố/mẹ biết rằng con thích vừa ăn vừa xem tivi. Nhưng như vậy sẽ dễ bị đau bụng, không tốt cho con. Con ăn xong thì sẽ được xem.” Hãy ở trên cương vị một người bạn, cho con biết rằng bạn biết việc cai tivi là một sự thay đổi khó khăn như thế nào. Như vậy, con sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi, và sẽ dễ dàng thích ứng với thay đổi hơn.


  • Không kiên quyết. Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác sốt ruột của bạn khi thấy con nhất định không chịu ăn hay khóc lóc khổ sở vì không được xem tivi. Nhưng hãy tự nhắc mình rằng con nhịn một bữa cũng không sao, con khóc cũng là bình thường. Để quyết tâm, hãy nhớ lại những lý do bạn đã xác định trong bước 1. Bạn có thể cho con ăn nhẹ sau đó, nhưng tuyệt đối phải kiên quyết với nguyên tắc “không tivi”. Mỗi lần bạn nhượng bộ là một lần con bớt tôn trọng lời nói của bố mẹ. Hãy để con hiểu rằng lời nói của bạn là vàng. Hãy là tấm gương tốt cho con về sự kiên định.


Bước 4: Khích lệ khi con vào bữa và duy trì thói quen lâu dài khi đã cai tivi

Nếu bạn đã làm tốt bước 3 nhờ kết hợp đủ 3 yếu tố: bình tĩnh, đồng cảm và kiên quyết, thì rồi cũng sẽ đến lúc con chuyển sang trạng thái chấp nhận cai tivi (vì hiểu giới hạn bố mẹ đưa ra và vì…đói rồi). Lúc này, hãy khuyến khích con vào bữa cùng cả nhà, và khi con bắt đầu ăn một cách tự giác, hãy dành cho con những lời khen. Đó sẽ là động lực để con hướng sang thói quen ăn uống tốt và duy trì trong những bữa sau.


Tôi còn nhớ khi tôi quyết tâm cai tivi cho con đầu, sau một hồi khóc lóc, con tôi bắt đầu nín và tò mò quan sát mọi người ăn cơm. Sau cùng con mon men lại gần và nói: “Con muốn ăn trứng xào”. Đó là món yêu thích của con, và bụng thì đã đói lắm sau một hồi khóc lóc. Cả nhà vui vẻ mời con ăn cùng. “Trứng có ngon không con? Con muốn ăn cả cơm nữa à? Được luôn!” Thế là con vui vẻ xúc ăn và không nhớ gì về “sự mất mát” vừa trải qua nữa.


Lưu ý rằng thành công trong buổi đầu tiên không có nghĩa là con sẽ không phản kháng trong những bữa sau đó. Thói quen phải được hình thành qua một thời gian nhất định. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần để tiếp tục đối diện với phản ứng kháng cự của con, tuy phản ứng này sẽ có xu hướng giảm dần. Vì không biết điều này nên đến ngày thứ hai, tôi đã ngạc nhiên khi con tiếp tục đòi xem tivi trong bữa ăn. Đến ngày thứ ba, thứ tư thì chỉ là một câu hỏi bâng quơ: “Con vừa ăn vừa xem tivi được không mẹ?” và tất nhiên, con đón nhận câu trả lời là “không” một cách nhẹ nhàng hơn.


Bạn hãy giữ sự nhất quán trong tất cả các bữa ăn từ đó về sau cũng như làm gương cho con bằng cách “quán triệt” chính sách không tivi, không điện thoại trước và trong giờ cơm với cả nhà. Trẻ học từ người lớn. Chính bạn phải hoàn toàn tập trung vào việc thưởng thức các món ăn, coi đây là một trải nghiệm thiêng liêng, ấm áp, một cơ hội để cả nhà gắn kết. Một cách tự nhiên, con sẽ học theo bố mẹ và biết trân trọng bữa cơm gia đình hơn. Một mẹo nhỏ nữa là hãy cho con tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa cơm: con giúp mẹ chọn rau củ, xách giúp mẹ đồ từ xe vào nhà, nhặt rau, rửa hoa quả, đảo thức ăn, sắp mâm. Tùy độ tuổi của con mà bạn chọn công việc phù hợp. Con sẽ hứng thú hơn khi được ăn chính những món mình góp công chuẩn bị.


Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết về phương pháp 4 bước đơn giản để giúp con cai tivi khi ăn. Giờ bạn đã biết cách để bữa cơm gia đình không còn là những trải nghiệm căng thẳng, cũng như giúp con có thói quen ăn uống tự giác và tích cực. Chỉ còn một việc duy nhất mà bạn phải làm, đó là hành động.


Hãy bắt đầu ngay hôm nay, và gia đình bạn sẽ sớm có những bữa cơm vui vẻ.


Thu Thủy,

8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page