top of page

6 điều ai làm mẹ lần đầu cũng phải nhớ

Bài do Thu Thủy chuyển ngữ từ bài viết của tác giả Lian Dolan.

Dưới đây là 6 điều bạn phải nhớ để vững bước trong một năm đầu làm mẹ:


1. Đừng lo lắng về đống bừa bộn trong nhà


Lời khuyên đầu tiên là hãy thoải mái đi. Làm sao bạn có thể thoải mái cho được khi con không chịu bắt ti mẹ, một đống bát bẩn cần rửa, và bạn thì không mặc vừa chiếc quần cũ nữa rồi? Chúng tôi rất hiểu (thật lòng rất hiểu), nhưng điều quan trọng là bạn phải tin tưởng vào bản năng làm mẹ, đừng nghĩ tới đống bát chưa rửa và nhớ là một ngày nào đó, bạn sẽ mặc lại những chiếc quần không phải là quần chun. Lần đầu làm mẹ, mọi tình huống hằng ngày có thể khiến chúng ta hoảng hốt: vết hăm đỏ không rõ lý do, tranh cãi về việc cho con ngủ chung hay riêng, so sánh con bạn với những đứa trẻ khác khi chúng biết ăn thô hay biết nói sớm hơn.


Bản thân tôi cũng từng phát hoảng khi nhận ra con trai 6 tháng tuổi của mình là đứa trẻ duy nhất trong nhóm cùng chơi mà không có “crib gym” - một thiết bị phức tạp được thiết kế để giúp em bé rèn luyện sức khỏe và vận động. Thật đáng sợ! Con trai tôi sẽ bị thụt lại đằng sau nếu tôi không mua một món đồ mà chúng tôi không có khả năng chi trả. Giờ đây nhìn lại, tôi thấy thật buồn cười khi con mình lớn lên chơi đến 2 môn thể thao chuyên nghiệp ở trường và có sức mạnh thân trên tốt hơn mức trung bình.


2. Đừng trở thành một bà mẹ siêu nhân


Nếu ai đó muốn giúp bạn trông con trong 1 giờ đồng hồ, nấu một bữa ăn hay thay bỉm, hãy để họ làm. Người duy nhất mà bạn cần quan tâm là em bé của mình - bạn không cần phải thể hiện này nọ trước mặt mẹ chồng hay bà hàng xóm trong cửa hàng tạp hóa. Dana đến từ Dallas là một bà mẹ có hai con và một công việc toàn thời gian. Cô luôn cố gắng nhồi nhét công việc nhà vào cuối tuần để bù lại những ngày đi làm trong tuần. “Đến tối Chủ nhật là tôi mệt muốn ngất đi được” - cô nói. “Tôi ước gì mình đã đi gửi con vài tiếng vào buổi chiều Chủ nhật để cho phép mình nghỉ ngơi hay làm việc gì đó cho bản thân, như là gặp bạn ăn trưa, đi mua đồ hay đơn giản là ngủ một giấc”. Chỉ những giờ nghỉ ngơi rất ngắn thôi, như là ngồi đọc tạp chí trong khi làm móng ở tiệm cũng là một điểm sáng bạn cần. Chris, một người mẹ hai con thường xuyên mệt mỏi nói rằng bạn phải nghỉ ngơi “để rồi tiếp tục làm đi làm lại những việc cần làm”


3. Em bé không cần nhiều thứ thế đâu


Làm ơn hãy gạch bỏ chiếc xe đẩy đắt tiền khỏi danh sách những thứ cần mua trả góp, vì sự thật là em bé không cần gì nhiều lắm trong năm đầu tiên. Kristine, một người mẹ và cũng là một doanh nhân thành đạt, gần đây có nhắc nhở tôi rằng: trẻ sơ sinh cần được yêu thương ôm ấp, cần được ăn no, ngủ đủ, thay tã thường xuyên và thăm khám bác sĩ nhi định kỳ”. Ngoài ra, những thiết bị hiện đại và quần áo đắt tiền không hẳn là sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của con bạn. Điều thực sự quan trọng là sự tương tác và quan tâm từ cha mẹ. Như mẹ tôi từng nói, “hãy để dành tiền mua quần áo cho mình thay vì mua quần áo cho con!”


4. Nhớ rằng một ngày nào đó, bạn sẽ lại yêu chồng mình như trước


Thật đấy, rồi bạn sẽ lại yêu chồng như cũ, nhưng có lẽ không phải là trong một năm đầu tiên. Giây phút mà em bé từ viện về cũng chính là lúc mối quan hệ của hai vợ chồng hoàn toàn thay đổi: trách nhiệm, nhu cầu về thể chất và tinh thần, mức độ chịu đựng của bạn với những lần chồng đi chơi ở bên ngoài cả ngày, và cả chuyện chăn gối nữa. Hai người sẽ dần làm quen thôi, nhưng chắc chắn mọi việc sẽ trở nên tồi tệ rồi mới dần khá lên được. Sau 10 tiếng đồng hồ ở nhà một mình với em bé sơ sinh, điều duy nhất bạn muốn làm là trao con cho chồng để nghỉ ngơi. Những những tình huống như cho con bú có thể khiến cho hai người không chia đều công việc được. Bạn có thể sẽ cảm thấy như bố em bé lúc nào cũng được thoải mái, phải làm ít việc hơn bạn, ít chuyện phải lo lắng hơn bạn. Cuộc đời của anh ấy có vẻ vẫn rất bình thường: được đi ăn trưa bên ngoài, được nói chuyện với…người lớn, nhưng đừng quên rằng các ông bố thường phải lo lắng những vấn đề khác cho gia đình như là chuyện kinh tế. Bạn muốn chồng hiểu được những khó khăn của bạn, nhưng anh ấy cũng cần bạn hiểu cho những khó khăn riêng. Đó là khi giữa hai người bắt đầu nảy sinh giận dỗi, khó chịu, đặc biệt là nếu bạn ở nhà nội trợ và chăm con toàn thời gian. Một bà mẹ tên là Barbara ở Idaho có chia sẻ: “Dù chồng bạn có giúp vợ đến đâu, dù hai người có kết hợp ăn ý thế nào, bạn vẫn sẽ giận chồng chỉ vì anh được đi làm hằng ngày. Và cảm xúc đó là bình thường.” Hầu hết các bà mẹ đều đồng ý rằng khi con tròn một tuổi, mọi việc gần như sẽ trở về bình thường (kể cả ham muốn trong chuyện chăn gối).


5. Ra khỏi nhà


Em bé của bạn có cần giao tiếp xã hội khi mới 8 tuần tuổi? Có lẽ là không. Nhưng bạn thì cần đấy. Bạn sẽ muốn ở nhà cho yên thân - ra ngoài sẽ phải lỉnh kỉnh nhiều thứ bất tiện - nhưng đừng ở nhà! Lần đầu làm mẹ, bạn sẽ cảm thấy rất cô đơn. Việc kết nối với những người mẹ cùng hoàn cảnh sẽ thay đổi thái độ của bạn. [...]


6. Trân quý những lần-đầu-tiên trước khi bạn quên mất điều gì đã diễn ra


Giờ đây có lẽ thật khó để tin rằng bạn sẽ quên mất lần đầu con biết cười, tiếng con ê a trong cũi - nhưng rồi bạn sẽ quên thật đấy! Hãy ghi lại những kỷ niệm đầu tiên và lưu lại cả những bức ảnh, nhưng không nhất thiết phải làm thành một album quá trang nghiêm. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra 5 phút để ghi lại những từ đầu tiên con nói, con gọi tên chú chó là gì, vẻ mặt của con thế nào khi lần đầu chơi cầu trượt. Hãy ghi lại những cảm xúc của chính bạn nữa. Khi em bé lớn lên thành một cô nàng hay anh chàng tuổi teen hay cau có, bạn sẽ trân trọng khi nhìn lại quãng thời gian thơ bé của con, khi mọi việc vẫn còn đơn giản. Và cũng đừng quên giữ những tấm ảnh của chính bạn trong cuốn sổ kỷ niệm nhé.


Thu Thủy,


8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page