8 điều giúp cha mẹ giao tiếp ôn hòa với những em bé hiếu chiến
“Con gái tôi la hét và trở nên hiếu chiến khi tôi cố gắng gặng hỏi con đang có vấn đề gì. Điều đó khiến tôi mất bình tĩnh và đã quát con bé khiến nó bật khóc nức nở. Cuối cùng, sau một lúc lâu, con mới thốt ra rằng mình thực sự không muốn đến trường học, con sợ nơi đó… Tôi đã không thể nhận ra nỗi sợ của con vào mỗi sáng đến trường. Tôi không hiểu tại sao con bé không nói với mình sớm hơn…”
Khi gặp khó khăn hay cảm thấy khó chịu, trẻ thường bùng nổ cảm xúc với những người mà chúng cảm thấy an toàn và tin cậy. Đó chính là chúng ta - những bậc phụ huynh thân yêu của trẻ. Và đôi khi điều chúng ta làm với trẻ lại là nổi giận, khiển trách, yêu cầu trẻ cư xử phải phép thậm chí đuổi trẻ ra một nơi khác để chúng tự bình tĩnh lại.
Khi một đứa trẻ cư xử thô lỗ và trở nên hiếu chiến hơn, chúng không cố ý gây khó khăn cho cha mẹ. Mà thực sự chúng đang cố gắng gửi tới cha mẹ một tín hiệu cầu cứu. Không phải đứa trẻ nào cũng có thể bày tỏ chính xác cảm xúc của mình, đến cả người lớn cũng có lúc không thể hiểu được cảm xúc của bản thân. Điều quan trọng là dù người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng cần được giải tỏa những cảm xúc tiêu cực ra khỏi bản thân bằng những cách tích cực.
Nếu chúng ta phản ứng lại với con bằng cách la hét, đe dọa hay để mặc con ở một mình để tự bình tĩnh lại thì chúng ta đã tự mình đóng lại cánh cửa mà con đang cố gắng mở ra để kết nối với chúng ta. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang để mặc con tự mình đấu tranh trong những lúc khốn khó nhất.
Dĩ nhiên là trẻ không mở một cánh cửa thật sự và thỏ thẻ nói rằng “bố mẹ vào cùng con nhé”. Những đứa trẻ lúc đó giống như đang rải một bãi mìn đầy chông gai để thách thức cha mẹ tiến gần đến mình. Nên lúc ấy, rất cần đến sự kiên nhẫn của cha mẹ. Chỉ có kiên nhẫn, bình tĩnh và thấu cảm mới là chìa khóa để giúp chúng ta tiến gần đến với con, cùng con vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Bởi chúng giúp con xóa bỏ dần những cơn giận dữ trong lòng mình và điều hòa cảm xúc tốt hơn. Chúng cũng là sợi dây gắn kết sâu sắc thêm mối quan hệ và sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái. Như một tấm gương, bạn sẽ giúp con học được cách tự giải quyết vấn đề của mình bằng sự bình tĩnh và kiên nhẫn ấy. Điều này sẽ giúp giảm bớt tần suất và cường độ những cơn căng thẳng của con trong tương lai.
Và dưới đây là những cách giúp bạn vượt qua bãi mìn chông gai để kết nối với con cũng như ngăn chặn cơn hiếu chiến trở nên leo thang đỉnh điểm.
1. Bình tĩnh trước khi nói ra bất kỳ điều gì với con.
Nhắc nhở bản thân rằng con đang gửi cho bạn một tín hiệu cầu cứu. Đương nhiên, bạn sẽ cảm thấy bị kích động khi con liên tục thô lỗ với bạn. Nhưng nếu bạn có thể hít thở sâu và giữ bình tĩnh trước tình huống đó, bạn đang hình thành một kỹ năng quan trọng cho con: Tự điều chỉnh cảm xúc. Trẻ học được nhiều hơn từ những điều chúng ta làm so với những gì chúng ta nói. Nếu thái độ mà bạn thể hiện là sự tôn trọng, đó cũng sẽ trở thành thái độ của con bạn đối với cuộc đời chúng.
2. Đặt ra giới hạn của bạn - một cách tôn trọng và nhẹ nhàng.
Thay vì khiển trách, hãy chỉ ra một cách đơn giản rằng lời nói của con đang làm tổn thương bạn, thừa nhận rằng con đang phải khó chịu và dịu dàng bày tỏ mong muốn được nghe con nói về điều đó: "Ồ, con yêu, chúng ta không nói với nhau theo cách đó trong nhà mình mà. Mẹ biết là con phải rất khó chịu mới sử dụng giọng điệu như vậy với mẹ. Chuyện gì đang xảy ra với con thế?”
3. Hãy chuẩn bị cho việc con phản ứng thô lỗ với lời mời gọi của bạn
Phản ứng của con đối với lời mời trò chuyện tử tế của bạn có thể sẽ khiến bạn bực bội. Bạn sẽ được nghe tất cả những lý do khiến cuộc sống của con thật tồi tệ, không công bằng, không thể chịu đựng được - và thậm chí có thể đó là lỗi của bạn!
Bây giờ là lúc để sử dụng câu thần chú nuôi dạy con cái được tôn vinh theo thời gian: Đừng coi đó là thứ dành cho bạn! Tất cả chúng ta đều nói những điều thiếu suy nghĩ khi chúng ta tức giận. Tin tốt là, con đang cho bạn thấy tất cả những gì khó chịu thay vì giữ nó trong lòng, nói về anh trai mình hoặc đánh ai đó. Điều con cần nhất lúc này là bạn hiểu được con đang khó chịu như thế nào.
4. Đồng cảm
Con đang hét vào mặt bạn và bạn phải thông cảm cho điều đó? Nhưng đó là điều giúp con cảm thấy an toàn khi cảm nhận những cảm xúc đó, là thứ chữa lành chúng. "Ồ, con yêu ... Không có gì ngạc nhiên khi con đang tức giận ... Mẹ hiểu rồi ...". Lưu ý rằng điều đó không củng cố thêm cho cơn giận của con, mà bạn đang kết nối với nguyên nhân của cơn giận đó, chính là nỗi buồn sâu thẳm trong lòng con. Sự tức giận của con chỉ là một biện pháp phòng thủ mà chúng tạo ra để đối phó với nỗi buồn kia chứ không phải đối phó với bạn.
Hãy kiềm chế lại ý muốn được thốt ra rằng con hãy bỏ cảm xúc đó ra khỏi đầu đi. Hãy hiểu cho con rằng chúng đang phải chịu đựng rất nhiều điều bất ổn. Và có thể nguyên nhân thật sự là một điều gì đó vô cùng to lớn đối với con, thậm chí con cũng không biết nó thực sự là gì. Sự thấu hiểu và đồng cảm của bạn sẽ khiến con cảm thấy đủ an toàn để cảm nhận những cảm xúc rối ren trong lòng mình. Đó cùng là sức mạnh giúp con vượt qua chúng hay bình tĩnh chờ chúng đi qua.
5. Nếu con phản ứng lại sự đồng cảm của bạn bằng việc kích động hơn, hãy ngừng lại
Thông thường, khi những đứa trẻ đang buồn thực sự cảm thấy được thấu hiểu, chúng sẽ bắt đầu khóc. Nhưng đôi khi những cảm giác đó khiến chúng không thể chịu đựng được và bắt đầu tấn công người đồng cảm bằng lời nói. Trong trường hợp đó, bạn chỉ cần ngừng nói và cảm nhận những khó chịu con đang phải trải qua. Sự đồng cảm sẽ thể hiện trên khuôn mặt của bạn. Cố gắng hít thở sâu. Bạn không cần phải nói bất cứ điều gì để truyền đạt sự đồng cảm của mình với con.
6. Nhận trách nhiệm bằng cách thừa nhận cho những nguyên nhân mà bạn góp phần gây ra sự khó chịu
“Ôi, đúng là con sẽ thấy rất khó chịu, con yêu. Vì mẹ đã hoàn toàn quên rằng mình đã nói với nhau sẽ đọc 5 cuốn sách trong tối nay. Mà thời gian lại trôi qua mất rồi. Mẹ rất xin lỗi con. Chúng ta có thể làm gì để khắc phục điều này không con?”
Hãy thẳng thắn thừa nhận phần trách nhiệm của mình đã gây ra cảm xúc khó chịu cho con và gợi ý con đưa ra phương án giải quyết.
7. Lắng nghe nhiều hơn, để con có thể tự mình nghĩ ra giải pháp.
Kiềm chế sự thôi thúc nói ra cách giải quyết cho con, trừ khi bạn thấy thực sự cần thiết phải tạo ra nó vì chúng ngoài tầm với của con.
Thay vì đưa cho con cách giải quyết, hãy lắng nghe và đặt câu hỏi.
Khi con bắt đầu điều hòa được nhịp thở, đó là khi con bắt đầu bình tĩnh lại. Đây cũng là lúc con có thể nghĩ ra một số giải pháp cho vấn đề của mình. Đó có thể là những giải pháp rất tuyệt vời như: “Con có thể đi bộ cùng bố tới trường vào ngày mai được không?”
Hoặc những ý tưởng không quá xuất sắc như: “Con không muốn phải đi học, con chỉ muốn ở nhà thôi.”
Với những ý tưởng đó, bạn có thể phản hồi rằng: “Uhm… vậy điều gì có thể xảy ra sau đó?”
Con có thể nhận ra rằng ý tưởng của mình không quá tuyệt vời và tự chuyển hướng. Hoặc bạn có thể phải đặt ra một giới hạn: "Mẹ hiểu là con không muốn đi học, mọi thứ ở trường có vẻ rất tệ với con? Mình thử suy nghĩ thêm xem có cách nào để khắc phục điều đó được không?"
Bạn có thể đưa ra ý kiến với đề xuất của con, nhưng hãy kiểm soát sự lo lắng của bản thân để không làm con trở nên hấp tấp. Quá trình giải quyết vấn đề này là cách con xây dựng sự tự tin và năng lực giải quyết vấn đề của bản thân.
8. Điều cuối cùng, hãy giúp con suy ngẫm về những gì đã xảy ra.
Điều này phát triển trí thông minh cảm xúc, bằng cách thiết lập các liên kết thần kinh trong não bộ sẽ cho phép con quản lý cảm xúc của mình tốt hơn. Hãy nhớ tránh xa sự xấu hổ và đổ lỗi, nếu không con sẽ không bao giờ muốn nói chuyện với bạn. Trẻ cũng không học được từ các bài rao giảng liên miên và đầy ắp tiêu cực từ cha mẹ.
Và nhất định đừng làm cho cảm xúc tổn thương của bạn trở thành vấn đề của con - điều đó đang mang đến cho con quá nhiều quyền lực. Mục tiêu của bạn không phải là để con quan tâm đến cảm xúc của bạn - đó là công việc của bạn. Mục tiêu của bạn là giúp con thấy được lý do vì sao cha mẹ lại ở đây, để con có thể học cách vượt qua xung đột với người khác một cách ôn hòa. Bạn làm điều đó bằng cách giúp con tự suy ngẫm về cách mà tất cả mọi việc trong cơn bùng nổ cảm xúc đã diễn ra.
Vì vậy, hãy sử dụng lòng trắc ẩn và khiếu hài hước của bạn để đưa ra một mở đầu cho cuộc trò chuyện nhẹ nhàng: "Dạo này, mẹ đang rất cố gắng để giữ bình tĩnh… Nhưng thật chẳng dễ dàng tí nào để giữ được sự bình tĩnh khi con cư xử với mẹ như lúc nãy. Lúc đầu mẹ đã cảm thấy tổn thương bởi giọng điệu và những gì con nói. Sau đó mẹ nhận ra là con đang rất khó chịu bởi chuyện đi học nên con mới nói to và giận dỗi mẹ như vậy. Nên mẹ rất vui vì con đã nói cho mẹ hiểu lý do con khó chịu như thế…”
Chú ý rằng bạn không la mắng hoặc yêu cầu một lời xin lỗi từ con. Điều đó chỉ khiến con tạo ra bức tường phòng thủ ngăn cách giữa bạn và con mà thôi. Thay vào đó, nếu bạn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và giúp con khám phá bản thân, con sẽ có cơ hội trao quyền để xem mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Và bạn có thể ngạc nhiên khi thấy con đưa ra một lời xin lỗi chân thành, một lời cảm ơn hoặc một câu "Con yêu mẹ!"
Nếu con không làm thế thì sao? Điều đó có thể có nghĩa là con vẫn còn buồn, hoặc nó có thể có nghĩa là con có một số kỹ ức không tốt được lưu giữ từ quá khứ, chúng vẫn đang khiến con muốn đẩy bạn ra xa. Bạn có thể nhắc con rằng bạn luôn ở bên để lắng nghe khi con cảm thấy buồn. Con không bao giờ cần phải hét lên để nêu rõ quan điểm của mình. Hỏi con xem bạn có thể làm gì để có thể giúp con được nhiều hơn trong lần tiếp theo khi con khó chịu. Bạn có thể làm gì khác hơn để giúp con không? Nếu bạn chân thành khi hỏi điều này và thực sự lắng nghe câu trả lời, bạn có thể ngạc nhiên vì những gì bạn nhận được từ con.
Tại thời điểm đó, con và bạn sẽ cảm thấy rất gần gũi. Bạn có thể hỏi con xem có điều gì con có thể làm khác khi bày tỏ nỗi buồn của mình, để con không làm tổn thương cảm xúc của người khác. Nhưng một lần nữa, đừng thuyết giảng hoặc gây ra cảm giác tiêu cực. Chỉ đơn giản lắng nghe và tiếp nhận. Dù con nói gì cũng được - con chắc chắn sẽ suy nghĩ về điều này, bởi vì bạn đã chống lại được việc đặt con vào thế phòng thủ. Và bạn cũng đã cho con cảm thấy được tình cảm rộng lớn của bạn. Cuối cùng, ôm con và thay đổi chủ đề sang điều gì đó khiến cả hai cùng cười, để xua tan mọi căng thẳng kéo dài.
Dĩ nhiên, việc này tốn công sức hơn rất nhiều so với cách tống con vào phòng và để con tự suy nghĩ về cảm xúc hay việc làm của mình. Nhưng khi chúng ta lặp lại quá trình này trong suốt thời thơ ấu của trẻ, chúng sẽ học được trí thông minh cảm xúc, sự đồng cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề. Chúng ta cũng đang làm sâu sắc và gắn kết hơn mỗi quan hệ giữa con cái và chính mình.
Theo thời gian, con sẽ nhận ra rằng cha mẹ không cần phải la hét để được lắng nghe hay đáp ứng nhu cầu của mình. Và chính con cũng chẳng cần phải làm điều đó để được thấu hiểu và lắng nghe.