top of page

Bạn tôi có một đứa con "hư".

Tôi có một cô bạn với một đứa con “hư".

Cậu bé thường xuyên phản ứng gay gắt nếu trong nhà có điều gì đó không đúng ý cậu. Mỗi khi ra ngoài, tình trạng còn khủng khiếp hơn. Cậu bé thường xuyên bỏ chạy khỏi tầm mắt của bố mẹ mà không ai có thể thuyết phục được cậu rằng điều đó rất nguy hiểm. Một lần, trong chuyến đi du lịch ngắn ngày, cậu bé đã gào khóc trên suốt chuyến bay, kiểu gào khóc mà tôi tin rằng nếu ai đó ác ý quay video rồi post lên mạng, sẽ có hàng ngàn người vào ném đá gia đình họ vì “không biết dạy con".


Lúc đó, cậu bé đã 4 tuổi rồi. Tôi đã đọc đâu đó rất nhiều bình luận ác ý về trẻ con trên 3 tuổi mà không thể giữ yên lặng trên máy bay. Thật may là chuyến bay chúng tôi đã đi, không có ai ác tới mức đó.



Một lần khác, ở bãi đậu xe của siêu thị, trong lúc mẹ cậu đang loay hoay tay xách nách mang thì cậu bỏ chạy mất, loáng cái đã không thấy đâu. Buổi chiều hôm đó đã thành một cơn ác mộng, thật may là cuối cùng cậu bé cũng về nhà an toàn. Tôi không dám nghĩ nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bạn tôi sẽ phải sống tiếp phần đời còn lại như thế nào.


Cô ấy thật sự đã rất cố gắng, cố gắng hơn tất cả những người mẹ tôi quen trong cái vòng tròn quan hệ hạn hẹp của mình.


Con cô ấy được chẩn đoán là trẻ tự kỷ, các giác quan của cậu bé nhạy cảm hơn người bình thường và cậu không thể chịu đựng được nếu có điều gì đó không đúng trình tự. Việc thay đổi nhỏ về trình tự cuộc sống khiến người tự kỷ cảm thấy không được an toàn, do não họ được lập trình khác với chúng ta. Những âm thanh trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể dễ dàng khiến cậu bé muốn nổ tung. Những không gian ồn ào, nhiều người qua lại, nhiều âm thanh hỗn độn trộn lẫn luôn là điều quá sức chịu đựng với người tự kỷ.


Tôi hình dung trong chuyến bay đó, cậu đã cảm thấy thực sự hoảng loạn bởi tiếng động cơ máy bay và một không gian chật hẹp cậu chưa thấy qua lần nào. Liệu nó có an toàn không? Tại sao tiếng ù ù này to và không dừng lại? Tại sao tất cả mọi người nhìn và xúm vào tôi?


Với chúng ta, tiếng động cơ máy bay là có thể chịu đựng được. Nhưng với người tự kỷ, điều đó giống như bạn chui vào trong một cái chuông đồng thật lớn, bên ngoài liên tục có người đánh thật mạnh vào chuông. Cảm giác đó không khác gì tra tấn và nó kéo dài suốt thời gian máy bay đang bay.

Tôi biết rằng phải nghe tiếng trẻ con khóc là điều rất khó chịu, nhưng tin tôi đi, đứa trẻ đó còn đang khó chịu hơn chúng ta nhiều lắm.


Tôi cũng biết rằng phải chịu đựng “con của người khác" trong khi bạn đã bỏ tiền ra mua dịch vụ, khiến bạn cảm thấy thật bất công. Chúng ta đã phải chịu đựng điều đó cả chuyến bay. Thật may là khi máy bay hạ cánh và bước ra ngoài cánh cửa kia, điều khó chịu này của tôi và bạn sẽ chấm dứt. Còn bố mẹ của đứa trẻ “phiền phức" đó thì không có may mắn như vậy. Họ phải đối mặt với điều này gần như mỗi ngày, mỗi giờ, đến hết cuộc đời họ. Nghĩ đến đây, tôi thật sự cảm thấy người đang phải chịu sự bất công của số phận là họ, không phải tôi. Tôi vẫn còn may mắn lắm.



Có rất nhiều ý kiến cho rằng con cái đã như vậy thì ở nhà đi, đừng ra đường làm phiền người khác. Tôi thì cho rằng xã hội này không của riêng ai, tất cả mọi người đều có quyền được sống và tận hưởng nó. Người tự kỷ, người khuyết tật hay trẻ em đều là con người và họ có đầy đủ quyền con người như bất kỳ ai khác. Một xã hội bình đẳng không phải là nơi chỉ tạo ra sự thuận tiện cho số đông, những ai kém may mắn hơn thì bị đào thải. Một xã hội bình đẳng và có tình người là xã hội mà ở đó, ai cũng được hỗ trợ những điều họ cần để sống cuộc sống bình đẳng và tự chủ.



Hãy hình dung xã hội giống như một trung tâm thương mại. Bạn hãy để ý xem, trung tâm thương mại nào càng cao cấp thì các khu công trình phụ càng đầy đủ. Ví dụ như có nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật, có khu thay tã và hâm nóng đồ ăn dặm cho trẻ em, có các buồng vệ sinh đặc biệt rộng hơn để phục vụ những người mang theo xe đẩy, khu rửa tay có các bồn thấp cho trẻ em. Không phải họ thừa tiền đâu, đó là họ tinh tế, mà sự tinh tế thực chất chính là đến từ sự tử tế. Chỉ người tử tế mới nhìn thấy khó khăn của những người không giống họ, từ đó tạo ra sự thuận tiện không chỉ cho riêng mình.



Mỗi khi đi cafe gặp trẻ con nghịch phá quá sức chịu đựng, tôi chỉ lặng lẽ đổi quán. Tôi chấp nhận xã hội là như vậy, trẻ con là như vậy, tôi chỉ có thể giáo dục tốt đứa con của mình chứ không thể dạy ai đó về con của họ. Bước ra khỏi quán, mọi sự khó chịu cũng bỏ lại rồi, xem như hôm nay đen thôi. Ai lại đi ăn thua với mấy đứa trẻ hay vì tiếc mấy chục ngàn cốc cafe mà ôm cái bực dọc suốt một buổi chiều.


Sẽ rất dễ dàng để nhìn mọi việc với hai màu đen - trắng, tập chấp nhận cả các khoảng xám ở giữa mới khó.

Alicia Vu (Quỳnh)

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page