top of page

BAO DUNG HAY TRẢ ĐŨA?

Bài đăng của thành viên HoangMy Truong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Khi mình đọc đến mục “Cách giáo dục trả đũa và lầm tưởng về sự công bằng" trong cuốn sách Nuôi dạy con có chính kiến của Alicia Vu, mình như được giải đáp về sự hoài nghi “có gì đó sai sai" trong mình dạo gần đây.


Mình “lên mặt” và “hơn thua” với con nhiều quá.

Khi con có chuyện không như ý, con tức giận nói “Con ghét mẹ”, “Con đánh mẹ đó nghe" và con đánh thùm thụp vào người mình thật. Khi mất bình tĩnh, mình lập tức nổi đoá, mình gằn giọng với con “KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH MẸ". Và mình giữ chặt người con, liên tục giảng giải: con làm như thế là không thương mẹ, là hỗn, con đánh mẹ rất đau làm mẹ buồn, trẻ con không được đánh người lớn, … Hoặc thậm chí có khi giận quá mất khôn, mình còn đánh lại con “con đau đúng không, con đánh mẹ cũng đau như thế đấy".


Hay khi con hờn dỗi rồi bảo “mẹ đi ra đi, mẹ đi chỗ khác đi", mình cũng “hơn thua” với con lắm - con bảo mẹ đi đúng không, uhm mẹ đi. Và cho dù khi mình vừa quay lưng đi, con đã khóc và gọi lại, mình vẫn cứ cố chấp “con bảo mẹ đi mà, mẹ đi theo ý con đó".


Mình ngẫm lại, một phần do tính khí màu xanh dương của mình đang rất nổi trội trong quá trình nuôi dạy con. Mình quá nguyên tắc và cứng nhắc. Trong những tình huống này, đối với mình việc con nói những lời phản kháng như vậy với người lớn là không chấp nhận được. Mình dường như đã quên đi vai trò nâng đỡ, dìu dắt của người làm mẹ và để cho sự tự ái và con người “bề trên uy quyền" trong mình lấn át. Và mình phạm sai lầm:

  • Mình đáp trả lại con bằng những lời nói hoặc hành động gây tổn thương >> và điều này chỉ dạy cho con về sự “ăn miếng trả miếng", căng thẳng leo thang chứ chẳng giải quyết được gì.

  • Mình gằn giọng, lớn tiếng >> điều này cũng cho con thấy mình đang mất bình tĩnh và mất kiểm soát.

  • Mình nói “con không được phép …”, “con không thể …” và giảng giải về sự lễ phép, sự tôn trọng, về lý do con hành động không đúng >> tất nhiên, mình phải hướng dẫn cho con chứ nhưng thời điểm này thì thật không đúng - khi đang tức giận liệu chúng có tiếp thu được gì?

  • Mình phạt con bằng cách tước đi một quyền lợi nào đó, một món đồ nào đó >> và điều này chỉ khiến con thêm uất ức.


Tất cả những cách phản ứng gay gắt, khắt khe và mang tính “trả đũa" trên khiến bé lớn (tính khí xanh dương) của mình sợ hãi, tổn thương - mình nhìn thấy ánh mắt uất ức kìm nén của con. Và mình cũng khiến bé nhỏ (tính khí màu vàng) của mình bất ngờ vì “mẹ hôm nay" khác với người mẹ nhẹ nhàng mỗi ngày quá, con khựng lại một chút nhìn mình mỗi lần như thế rồi cũng bắt đầu đáp trả lại. Em bé màu vàng của mình rất dễ dỗ dành và mau quên nhưng chắc chắn rằng hành động của mình cũng đã hằn một vết tích xấu lên tâm trí của con. Nếu mình có một em bé màu đỏ, hẳn phản ứng của mình đã “châm dầu vào lửa” thổi bùng lên sự gay gắt, nóng tính của con. Nếu mình có một em bé màu xanh lá, con chắc sẽ né tránh mình nhiều hơn, thu mình lại nhiều hơn sau mỗi lần mình hành động tiêu cực như thế.


Không phải lúc nào mình cũng “dở tệ" như thế, vẫn có lúc mình giữ được bình tĩnh: giữ chặt tay con để con không tiếp tục làm đau mình, ôm con để con cảm nhận được sự bình tĩnh của mình và để dành những lời giảng giải cho đến lúc con nguôi ngoai. Xét cho cùng, mình hay những người bố mẹ khác - chúng ta đều là người và phản ứng theo cảm xúc là điều có thể hiểu. Hiểu để tha thứ và bao dung với chính mình để cố gắng thay đổi và tốt hơn chứ không phải kiểu “tôi là thế đấy, tôi cũng là con người mà".


Mình tin rằng, chúng ta sẽ làm được thôi nếu tự nhắc nhở mình mỗi ngày về vai trò của người làm bố mẹ, như thầy Minh Niệm đã giảng: bố mẹ phải luôn giữ được sự tỉnh thức, trái tim rộng lớn và bao dung để ôm hết mọi lỗi lầm của con; chúng ta phải buông xuống mọi quyền uy, tự ái để đến gần con, hiểu con rồi mới có thể giúp con, dạy con. Cho dù con có ném vào mình bao nhiêu “nắm muối" đi nữa thì bố mẹ vẫn đủ sức bao dung, yêu thương và cùng con tốt hơn mỗi ngày.


“nắm muối không hề mặn với lượng cả dòng sông lỗi lầm kia bé nhỏ với cõi lòng mênh mông” (Thầy Thích Minh Niệm)

8 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page