Bốn yếu tố quan trọng giúp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mới biết đi
Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mới biết đi không đơn thuần chỉ là cách mà trẻ phát âm một chữ cái, một từ vựng hay nói một câu dài. Mà đó là cả một quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa những khả năng mang tính bổ trợ và liên quan mật thiết đến nhau.
Những khả năng đó bao gồm: khả năng xã hội và tương tác, khả năng tiếp thu ngôn ngữ, khả năng truyền đạt ngôn ngữ và khả năng diễn đạt ngôn ngữ. Đây cũng là bốn yếu tố mà bố mẹ cần quan tâm hàng đầu khi muốn phát triển ngôn ngữ cho trẻ mới biết đi.
Bài viết này sẽ giải thích đơn giản về bốn khả năng này để bố mẹ hiểu vì sao chúng lại quan trọng và cách thức nhận biết chúng trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Khả năng xã hội và tương tác
Định nghĩa
Khả năng xã hội và tương tác là nền tảng để giao tiếp. Chúng ta chỉ giao tiếp khi có hai người trở nên, cùng tương tác và trao đổi thông tin cho nhau. Trong quá trình tiến hóa, sự tương tác là một trong những lý do chính khiến ngôn ngữ xuất hiện và phát triển từ rất sớm trong lịch sử loài người. Chúng ta có thể không cần biết cách nói chuyện khi thực hiện những công việc độc lập hàng ngày, nhưng ngay khi một ai đó tương tác với chúng ta, việc giao tiếp là điều cần thiết. Chúng ta rất khó để sống cả đời mà không nói chuyện hay trao đổi với ai, dù bằng lời nói hay cử chỉ.
Nhận biết khả năng xã hội và tương tác ở trẻ nhỏ
Đối với trẻ nhỏ, bước đầu của việc giao tiếp là nhận ra đối phương đang ở cùng không gian với mình và bước tiếp theo là học cách tận hưởng sự tương tác với đối phương. Kỹ năng xã hội và tương tác bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên trong cuộc đời của trẻ. Chúng ta sẽ thấy hàng loạt bằng chứng về việc một em bé mới sinh trong những tuần đầu, tháng đầu rất thích được ở bên người khác và tìm kiếm sự tương tác với những người này. Kỹ năng xã hội và tương tác sẽ bắt đầu phát triển dần trong những năm tháng tiếp theo của trẻ theo từng cấp độ khác nhau.
Những trẻ mới biết đi thường phát triển các kỹ năng xã hội và tương tác thông qua các hoạt động như: trả lời tên của mình khi được gọi bằng cách đáp lại bằng âm thanh hoặc quay mặt về phía người gọi. Trẻ cũng thường xuyên quan sát khi ai đó nói chuyện với mình. Trẻ có hành vi tìm kiếm những người xung quanh để cố gắng giao tiếp với họ bằng nét mặt và chuyển động cơ thể của mình, điều này có thể diễn ra cả trước khi trẻ có thể phát ra âm thanh của riêng mình.
Biểu hiện trẻ chậm phát triển khả năng xã hội và tương tác
Khi trẻ chậm phát triển khả năng xã hội và tương tác, trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc học giao tiếp vì thiếu nền tảng quan trọng này. Nếu con không thường xuyên kết nối với bố mẹ và những người khác thông qua những biểu hiện phía trên. Thì việc cải thiện ngôn ngữ cho trẻ nên được bắt đầu từ bước cải thiện khả năng xã hội và tương tác.
Bố mẹ sẽ cần những hoạt động khác nhau để giúp trẻ học cách thích (hoặc ít nhất là chịu đựng) việc tương tác với người khác. Nếu không có khả năng này, năng lực ngôn ngữ của trẻ sẽ không thể phát triển hoàn thiện được.
Khả năng tiếp thu ngôn ngữ
Định nghĩa
Hiểu đơn giản thì đây là khả năng mà trẻ hiểu những từ mà chúng nghe được. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi phải hiểu được những từ mà chúng nghe thấy trước khi sử dụng những từ ngữ đó để trò chuyện và giao tiếp.
Nhận biết khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ
Để đánh giá khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ, bố mẹ nên bắt đầu bằng việc quan sát cách trẻ tuân theo các chỉ dẫn trong thói quen hàng ngày. Chẳng hạn như “Đi lấy giày của con”, “Mang cốc cho bố” hoặc “Thơm mẹ nào”. Trẻ phát triển bình thường về khả năng tiếp thu ngôn ngữ sẽ nghe hiểu và hoàn thành những yêu cầu đơn giản này ở khoảng 15 – 18 tháng tuổi.
Biểu hiện trẻ chậm phát triển khả năng tiếp thu ngôn ngữ
Nếu như trẻ không hoàn thành bất kỳ những yêu cầu thông thường nào trong hoạt động hàng ngày, đó là một vấn đề mà bố mẹ cần lưu ý đặc biệt. Chúng ta có thể nghĩ rằng trẻ không làm theo yêu cầu vì “con bướng bỉnh” hay “con lười biếng”, nhưng đó là một điều sai lầm. Bởi những em bé dù có cá tính mạnh nhất thì với khả năng tiếp thu ngôn ngữ bình thường cũng sẽ thực hiện nhiều yêu cầu khác nhau trong hoạt động hàng ngày. Và thậm chí trẻ sẽ đặc biệt hứng thú thực hiện những hoạt động phục vụ nhu cầu sở thích của con (như lấy giày để đi ra ngoài chơi).
Khả năng tiếp thu ngôn ngữ phụ thuộc nhiều vào nhận thức của trẻ – hoặc cách trẻ suy nghĩ, học tập, lập kế hoạch và ghi nhớ. Nếu trẻ không có hoặc thiếu hụt khả năng này thì kế hoạch hỗ trợ và cải thiện ngôn ngữ cho con của bạn phải bắt đầu từ đây. Mục tiêu là dạy trẻ hiểu ý nghĩa của từ và thực hiện những yêu cầu đơn giản chứ không chỉ học cách nói từ đó ra.
Bố mẹ nên nhớ rằng, trẻ mới biết đi cần phải hiểu nghĩa của các từ trước khi chúng có thể sử dụng các từ để giao tiếp. Việc dành thời gian cố gắng dạy trẻ nói từ mới khi trẻ chưa hiểu nghĩa của từ gần như không mang lại bất kỳ hiệu quả nào cho năng lực ngôn ngữ của trẻ.
Khả năng truyền đạt ngôn ngữ
Định nghĩa
Truyền đạt ngôn ngữ là cách mà trẻ sử dụng từ ngữ (cử chỉ hoặc hình ảnh) để truyền đạt mong muốn, ý tưởng của mình với người khác.
Trước khi trẻ biết nói, chúng cần có khả năng phát âm hoặc sử dụng giọng nói của mình một cách có chủ đích. Đôi khi trẻ mới biết đi bị rối loạn ngôn ngữ và không thể kiểm soát giọng nói của mình. Mọi hành động phát âm của trẻ vẫn ở mức phản xạ tự nhiên. Điều này phải trở thành hành động có chủ đích, đó là khi trẻ hiểu rằng chúng có thể sử dụng giọng nói của mình và bắt chước âm thanh mà bố mẹ đã tạo ra.
Nhận biết khả năng truyền đạt ngôn ngữ ở trẻ
Khi trẻ mới bắt đầu bập bẹ và tập dùng giọng nói của mình, những âm thanh trẻ tạo ra khá ngẫu nhiên. Những trẻ biết nói muộn cũng sẽ tiếp tục làm điều này cho đến khi trẻ điều chỉnh được âm thanh mà mình nói ra. Trẻ thậm chí có thể nói những câu có vẻ vô nghĩa và sử dụng từ ngữ khó hiểu trong quá trình giao tiếp với bố mẹ. Vấn đề chỉ là trẻ chưa học cách liên kết ý nghĩa với những âm thanh mà mình tạo ra. Trẻ chưa hiểu được cách bắt chước trực tiếp – nghĩa là bố mẹ nói một từ sau đó con nói lại từ đó.
Bắt chước bằng lời nói là một phần quan trọng của việc học cách nói chuyện. Nhưng nó thường bị xem nhẹ trong quá trình hỗ trợ và cải thiện ngôn ngữ cho trẻ. Hãy bắt đầu dạy trẻ bắt chước bằng cách sử dụng các hành động với đồ vật và những chuyển động của cơ thể. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ gắn liền với hành động, sự vật, sự việc khác nhau và cách sử dụng chúng.
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển khả năng truyền đạt ngôn ngữ
Nếu em bé của bạn không sử dụng được nhiều từ vựng nhưng con tương tác tốt và biết tuân theo những yêu cầu thông thường thì hãy quan tâm đến kỹ năng truyền đạt ngôn ngữ của con. Hãy quan sát và đánh giá khả năng bắt chước lời nói của con để bắt đầu có những hành động cụ thể trong việc giúp đỡ con cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.
Nếu điều đó có vẻ căng thẳng và thực sự quá khó khăn với trẻ, chúng ta có thể xem xét đến các biện pháp khác như ngôn ngữ ký hiệu hay hệ thống hình ảnh có âm thanh. Điều này sẽ được trình bày kỹ hơn trong những bài viết tiếp theo.

Khả năng diễn đạt ngôn ngữ
Định nghĩa
Khả năng diễn đạt ngôn ngữ hay dễ hiểu hơn là mức độ mà bố mẹ có thể hiểu một đứa trẻ khi chúng nói. Các nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ coi khả năng này như là sự tự phát âm – hoặc nhận định âm thanh đúng với ý nghĩa của nó.
Nhận biết khả năng diễn đạt ngôn ngữ ở trẻ
Chúng ta cần nhớ rằng TẤT CẢ trẻ mới đi đều có thể nói khó hiểu với ai đó khi họ chưa quen với giọng nói của con. Ngay cả bố mẹ cũng có thể gặp khó khăn để hiểu tất cả những gì trẻ cố gắng nói. Theo dữ liệu được trình bày tại hội nghị Hiệp hội Nghe-Nói-Ngôn ngữ Hoa Kỳ năm 2003, cha mẹ có thể chỉ hiểu khoảng 26% – 50% những gì trẻ 2 tuổi nói, gần 75% đến khi trẻ được 3 tuổi và hơn 90% vào lúc trẻ 4 tuổi. Đây chỉ là những cột mốc để tham khảo, con cái chúng ta không nhất thiết phải đạt được hoàn hảo những con số này vì mỗi trẻ đều có sự phát triển riêng biệt của mình.
Biểu hiện trẻ chậm phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ
Những điều trẻ nói có thể khó hiểu vì một số lý do, như trẻ chỉ sử dụng từ vô nghĩa, số lượng từ có nghĩa trong câu nói của trẻ rất hạn chế. Nghĩa là trẻ hiểu rằng trẻ cần nói ra một điều gì đó, nhưng vốn từ của trẻ chưa đủ nhiều để thể hiện hết những gì trẻ muốn bày tỏ. Đây có thể là một vấn đề về khả năng diễn đạt của trẻ. Nhưng nó thường là dấu hiệu cho thấy vấn đề về khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ chưa được hoàn thiện.
Trẻ có thể mắc các lỗi phát âm khiến lời nói của trẻ trở nên khó hiểu với người lớn. Có vài trẻ chỉ phát âm phụ âm đầu (như “m” thay cho “mẹ”), bỏ qua tất cả các thanh dấu (như “bo” thay vì “bò”) hoặc chỉ dùng nguyên âm (như “ỉ” thay vì “khỉ”). Trẻ cũng thể rút ngắn các từ và bỏ qua toàn bộ âm tiết. Đó chỉ là một trong số vài lỗi phát âm mà trẻ thường gặp phải trong quá trình diễn đạt ngôn ngữ của mình. Các lỗi phát âm trong giọng nói của trẻ thường không nhất quán – trẻ có thể nói tốt một từ một lần và sau đó nói sai liên tục hoặc mỗi khi trẻ cố gắng nói từ bất kỳ, chúng ta gần như không thể nhận ra đó là từ gì.
Có một số chẩn đoán cho việc lỗi phát âm này liên quan đến khả năng nghe kém. Nhưng chúng ta sẽ không coi đó là nguyên nhân chính của việc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cho đến khi các kỹ năng khác được thiết lập vững chắc.
Kết luận
Bất kỳ khả năng nào trong số bốn khả năng trên cũng đều là một phần quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mới biết đi. Khi chúng ta không giải quyết được những phần thiếu hụt trong số những khả năng đó cho trẻ, chúng có thể khiến cho việc học nói của trẻ bị chậm đi và kém hiệu quả dù được áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.
Mình hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu được cơ bản về những điều có thể xảy ra với con mình trong quá trình trẻ học nói. Khi hiểu đúng, chúng ta sẽ có cách can thiệp và hỗ trợ chính xác để giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ của riêng mình theo một lộ trình phù hợp.
———————–
Nguồn tham khảo: techmetotalk.com