top of page

[Book Review] GIEO – Câu chuyện về sức mạnh của những lời nói yêu thương

Cuốn sách đầu tiên trong năm 2022 mà mình muốn giới thiệu đến mọi người có một cái tên rất lạ: “GIEO”. Viết bởi tác giả Brandon Walden và được minh họa bởi Kristen & Kevin Howdeshell. Lý do để mình chọn GIEO cho một ngày đầu năm mới là vì bài học tử tế mà nó đem lại cho người đọc, kể cả đó là trẻ con hay người lớn. Ấy là chuyện về ý nghĩa ngôn từ mà chúng ta trao tặng cho người khác, thứ vũ khí tối thượng mà loài người được ban phát bởi tạo hóa.


Câu chuyện trong “GIEO” rất đơn giản, về một chàng hoàng tử và khu vườn của mình. Có điều, không như những người làm vườn khác sẽ lấy hạt mầm từ hoa trái rau củ mà chàng lại trồng những hạt mầm sinh ra bởi ngôn từ của người khác trao cho chàng mỗi ngày. Đó là những hạt giống “xanh thắm” lấy ra từ những lời nói tử tế và yêu thương cùng với những hạt giống “đen thẫm” nhận được từ những lời nói xấu xí và buồn khổ.


Những lời nói tốt đẹp được đại diện bởi hạt mầm “xanh thắm” và lớn lên thành những cây cao tốt tươi cho bóng mát, quả ngọt, cho cả tiếng rì rào như an ủi tâm hồn mỗi người. Những lời nói tồi tệ lại đại diện bởi hạt mầm “đen thẫm” và phát triển thành những cái cây xù xì gai góc, chỉ chực chờ làm xước xát người khác nếu lỡ may chạm phải chúng. Đây thực sự là cách diễn đạt phù hợp để giải thích cho trẻ nhỏ về ý nghĩa của lời nói xấu và lời nói tốt. Chúng ta có thể mất hàng giờ để thuyết giảng cho con về chuyện con không thể nói bậy, như vậy là rất xấu, con cần phải nói lời hay ý đẹp với người khác vì đó mới là điều tốt. Nhưng, chúng ta không dám chắc trẻ sẽ hiểu những lý thuyết đó nhanh hơn việc đọc câu chuyện trong cuốn sách này.


“GIEO” mang đến thông điệp về sức mạnh của những lời nói chúng ta thốt ra với người khác. Có thể tử tế, tích cực cũng có thể xấu xí, buồn thảm nhưng nếu có thể hãy giảm thiểu nhiều nhất những điều xấu xí.

Và còn một điều nhỏ trong cuốn sách mà mình muốn kể đến, đó là nàng công chúa. Khi đọc được gần nửa câu chuyện, mình vốn nghĩ người giải quyết nút thắt trong cuốn sách này sẽ là chàng hoàng tử, nhưng hóa ra mình đã nhầm. Đó lại là nàng công chúa dịu dàng đầy can đảm kia. Một bài học về giới tính và sức mạnh của bản thân được lồng ghép nhẹ nhàng như hơi thở trong tình tiết của câu chuyện. Dù là con trai hay con gái, là hoàng tử hay công chúa thì trẻ cũng luôn có sức mạnh nội tại của mình để vượt qua mọi điều khó khăn. Và hoàng tử mạnh mẽ cũng cần công chúa giúp đỡ thì chẳng có gì là sai. Vì ai trong cuộc đời cũng cần được giúp đỡ bởi những người xung quanh mình.


Ngoài câu chuyện và từ ngữ thì minh họa của cuốn sách cũng khiến mình mê đắm. Một chàng hoàng tử bé xinh lớn lên theo sự phát triển của khu vườn, những thân cây xanh mát hay đen đúa cũng được minh họa rõ ràng trong từng trang sách. Tông màu được họa sĩ sử dụng không quá u tối khiến trẻ sợ hãi, cũng không quá chói sáng khiến trẻ choáng ngợp, nó dịu nhẹ vừa đủ và nhấn nhá theo từng diễn biến câu chuyện.


Hình ảnh sử dụng trong tranh minh họa cũng phản ánh được tối đa nội dung câu chuyện, điều này giúp cho cả những bạn nhỏ chưa biết mặt chữ cũng có thể tự kể câu chuyện theo tranh mà không cần quá nhiều sự trợ giúp từ người lớn. Đây là điều cần thiết dành cho sự phát triển về tư duy ngôn ngữ của trẻ nhỏ, nên giữa nhiều dòng sách khác nhau mình vẫn luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho dòng sách picture book khi muốn giới thiệu đến các bậc phụ huynh và các bạn nhỏ.


Điều cuối cùng mà cuốn sách này mang đến cho mình chính là bài học về sự buông bỏ và dám đứng lên gạt đi những điều cản trở giới hạn bản thân. Vì dù đã là một người lớn, mình cũng luôn bị những lời nói xấu xí bủa vây và kéo xuống dù không hề mong muốn. Có khi những lời nói ấy lại đến từ chính những người thân yêu, mình có thể vốn tưởng chúng xuất phát từ tình yêu thương nhưng không hẳn. Yêu thương nên đi liền với sự tích cực, tử tế và bao dung chứ đừng đi cùng những điều xấu xí như đòn roi hay mạt sát bằng lời nói.

16 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page