CẢM XÚC ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?
Một mối quan hệ
Gia đình vốn dĩ là mái ấm nhưng không phải ai cũng may mắn có được trong đời. Khi cảm xúc bị phủ nhận hay từ chối, ta như lạc lối trong chính gia đình mình. Mâu thuẫn chỉ được hóa giải bằng yêu thương và tôn trọng. Sự tổn thương dù bắt đầu như thế nào, thì cũng cần được chữa lành. Có đôi khi vết thương dừng lại khi người gây ra vết thương bỗng chợt nhận ra tay mình lăm lăm vũ khí, lời nói mình đầy tính sát thương. Có đôi khi, người chịu tổn thương hiểu ra nỗi lòng người đối diện, thấu hiểu và băng bó vết thương cho chính mình và chờ đợi tự chữa lành.
Nếu người mẹ, sau khi nổi giận, đêm về gác tay suy nghĩ lắng nghe tiếng lòng trằn trọc không ngủ được. Nếu người mẹ, nhìn con sợ hãi van nài và lòng đau như cắt. Thì có lẽ, người mẹ ấy tự trong tâm nhận biết cần làm khác đi. Chân thật với chính mình, là chìa khóa cho mọi khổ đau.
NHẬN LỖI là bước đầu tiên, khi ta nhận ra mình gây ra khổ đau và tổn thương cho người khác. Nếu ta muốn gìn giữ mối quan hệ, đừng cho phép mình nhân danh tình yêu và công lý. Ta đau, hãy chân thật với con vì ta BẤT LỰC không biết làm gì với cơn giận của mình. Ta giận vì trong ta có quá nhiều nỗi sợ, sợ con lạc lối, BẤT LỰC để đối diện với nó.
Một đời người
Nhiều đứa trẻ tổn thương tâm lý, chọn rời bỏ cuộc đời chỉ vì không ai hiểu thấu. Cảm xúc đáng giá một đời người, và nếu ta nhìn thấu nhân quả ấy, liệu ta có muốn biện minh hành động, trốn chạy thực tại hay không?
Mỗi năm, có bao nhiêu người mệt mỏi vì trầm cảm, muốn trốn chạy khỏi cuộc sống vì cảm thấy đời vô nghĩa. Ta không nhận ra nhu cầu của bản thân, muốn được yêu thương và hướng dẫn. Nếu dừng lại để nghĩ, con tìm thấy điều gì ở bên ngoài gia đình, ở một nơi khác. Tận sâu thêm câu hỏi vì sao, lý do nào khiến ta khinh ghét hành vi đó của con như thế. Vì sao nó là điều tội lỗi và đáng khinh như vậy. Bên trong ta, đang có tổn thương gì trong quá khứ?
Một mối quan hệ đổ vỡ, dẫn đến đời người vô nghĩa có phải vì ta đã chưa từng nhìn lại chính mình, nhận ra bao tổn thương đè nén, bao khung nhận thức khiến ta đối xử với con bằng tổn thương của chính mình. Tấn công người cha mẹ không thể thay đổi sự thật của tổn thương. Tự vấn chính mình, vấn đề đã thực sự được giải quyết hay còn mãi vướng mắc nếu ta không hành động.
Không phải bỗng dưng chúng ta được sinh ra với cảm xúc: vui buồn, nước mắt hay nụ cười. Phủ nhận nó giống như phủ nhận chính mình. Trước khi thấu hiểu và chuyển hóa, hãy bắt đầu bằng việc chấp nhận trong tình yêu thương.
Ngoài bày tỏ quan điểm hay phân tích đúng sai, ta có thể thử chia sẻ hành trình biết đầu ai đấy đang cần. Và đâu ai chắc chắn, đời ta không có những đêm tối dài dằng dặc và bế tắc. Chuyện xảy ra vốn dĩ đã xảy ra, và ta không thể thu hồi lại những điều đã cũ.
Vậy ta có thể làm gì?
TRONG khi tình huống xảy ra, là bố mẹ ta hãy nghĩ về chính mình của nhiều năm trước.
Ngày còn thơ bé ta đã được nghe thấy điều gì từ trên cao? Bị chê trách phê phán hù dọa hay thấu hiểu? Gắn nhãn rằng hành vi đó xấu xa, nỗi buồn đó không đáng có. Ta có từ chối nói về nó, xấu hổ vì sợ bị mắng hay thậm chí bị phát hiện.
Tự vấn bản thân về lăng kính nhìn đời
Tự soi chiếu tuổi thơ ta đã được nuôi dạy thế nào về nó.
Tự nhận ra nỗi sợ bên trong sợ thất bại, sợ mất quyền kiểm soát
Tự nhận ra tâm mong cầu
Tự nhận ra sự bất lực và sự cần thiết để thay đổi để đi qua thử thách của cuộc đời.
Ta đối diện với sự thật con đang có hành vi đó. Ta nhận diện NỖI SỢ trong lòng mình, sự TỨC GIẬN vì sự việc bất như ý, NỖI SỢ vì con đang làm điều khiến ta cảm thấy lo lắng cùng cực, hay ta đang sống lại trải nghiệm cảm xúc thời thơ ấu. Tự nhận ra, ta có thể chuẩn bị cho mình kiến thức kinh nghiệm, học lại cho mình trước khi dạy lại cho con.
Cuối cùng, SAU sự việc đã qua, thì việc tự vấn ta ĐÃ làm gì và KHÔNG làm gì dẫn đến kết quả ngày hôm nay. Và thử cho bản thân, con trẻ cơ hội khác, bắt đầu lại một lần nữa khi còn có thể. Nếu hôm nay bạn cần khóc, hãy khóc! Nếu đang cảm thấy buồn, hãy cho phép nỗi buồn được lắng nghe vỗ về. Bởi vì trước khi có thể hiểu được con, ta cần thấu hiểu chính mình.
