MỘT CÁCH ĐỂ CHỮA LÀNH TỔN THƯƠNG
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Bản thân mình đã tự thực hành chữa lành được một thời gian. Việc này giống như là việc dọn nhà, có những thứ phải làm hàng ngày có những thứ lại hàng tuần tùy theo khả năng và tiến trình thực hành của mỗi người.
Mỗi người trong chúng ta đều mang theo một khối tổn thương lớn từ thời thơ ấu. Khối tổn thương nằm rất sâu bên trong nhưng lại tác động rất lớn tới chất lượng cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Có nhiều phương pháp để chữa lành, một số mình biết như là: Reiki, thiên thần, luân xa, thiền, giải phóng cảm xúc, ... Mình thiền hàng ngày và rất chú tâm tới việc giải phóng cảm xúc bị tắc nghẽn. Ở bài này mình chia sẻ một tình huống thực tế của cá nhân liên quan tới việc giải phóng cảm xúc.
Khi hiểu hơn về cảm xúc, thiền, nhận biết, quan sát, chữa lành, bạn sẽ nhạy cảm hơn với các tình huống, nhất là với con cái và bạn đời của bạn. Bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra phản ứng này của mình trước sự kiện này là từ đâu mà có, từ việc có ranh giới bị xâm phạm, phản ứng đơn thuần hay là phản ứng tự động của đứa trẻ bị tổn thương bên trong.
Tình huống là:
Trong một bữa ăn cơm, con trai lớn của mình làm rơi thức ăn xuống sàn nhà. Chồng mình nhất thời bực bội trách con mấy câu. Lát sau mình nhìn thấy con lớn vừa ăn vừa nén nước mắt vào trong.
Mình nhận diện được nỗi xúc động của những lần cảm thấy ấm ức, tủi thân và cô đơn khi còn nhỏ trỗi dậy. Mình cảm thấy khó chịu vô cùng kèm theo cả tức giận. Ngay tại lúc đó mình đã nhận ra rằng cảm xúc mình đang có lúc đó không liên quan tới tình huống đang diễn ra, không liên quan tới con cũng không liên quan tới chồng.
Cảm xúc đó nói về mình, về những ký ức, tổn thương trong quá khứ đã bị đè nén, phủ nhận do không được ai chia sẻ, lắng nghe, ghi nhận và hướng dẫn cách giải quyết đúng đắn.
Trước đây mình đã gặp những tình huống tương tự rất nhiều lần. Chúng kích hoạt các cảm xúc tiêu cực trong mình, khơi gợi những nỗi đau bị đè nén muốn được mình chú ý, quan tâm và giải phóng. Tuy nhiên mình chưa có được khả năng phát giác, nhận diện, để ý và quan tâm tới chúng cho tới sau này khi tìm hiểu và thực hành chữa lành.
Khi chưa có khả năng nhận diện và tách biệt bản thân khỏi những tình huống đang diễn ra ở hiện tại, mình sẽ phản ứng rất mạnh: với con thì có thể là quát tháo, mắng, to tiếng, gắt gỏng, thậm chí là đánh, với một người lớn khác thì có thể là lên án, trách móc và chỉ trích. Tóm lại là mình luôn ở trong trạng thái hoặc là tự vệ hoặc là đấu tranh.
Khi có thể nhận diện và tách biệt, mình sẽ có khả năng lựa chọn làm điều này hay không làm, thế nào là giải quyết đúng đắn và đi từ gốc rễ vấn đề.
Nếu lúc nào đó bạn có thể tự mình nhìn ra một trường hợp như vậy, hãy thử:
- Tìm một nơi riêng tư.
- Thả lỏng cơ thể và đón nhận các ký ức ùa về, nếu cần hãy cứ cho phép bản thân nghĩ về tất cả những ký ức đó.
- Chấp nhận mọi cảm xúc đang dâng lên.
- Thường chúng sẽ gây xúc động và khiến chúng ta muốn khóc (có thể người khác có trải nghiệm khác). Khi đó hãy để cho mình được khóc, khóc trong nhận biết.
- Những đợt khóc đầu tiên rất mạnh và kéo dài nhưng chúng sẽ dịu dần và hết khi chúng ta đủ khả năng đón nhận hoàn toàn.
- Sau khi cảm xúc lắng xuống, bạn có thể ngồi thiền định một lúc, thở theo từng nhịp:
Hít vào tôi biết em bé bị tổn thương trong tôi đang ở đây.
Thở ra tôi sẽ quan tâm và chăm sóc cho em.
Một lần làm như vậy có thể chưa giúp bạn làm lành ngay được với những tổn thương (tùy theo mức độ cũng như khả năng của bạn). Bạn biết mọi thứ ổn hơn khi một lúc nào đó nghĩ về những ký ức này, tâm bạn không bị xáo trộn như lần đầu tiên nó được nhận diện nữa. Một dấu hiệu nữa là bạn thấy mình điềm tĩnh hơn, ít bị kích hoạt hơn bởi những tình huống tương tự.
Để có sức đối diện, chịu đựng những cơn cảm xúc lớn mình cần ý thức luyện tập hàng ngày tại vì việc cảm nhận nỗi đau và tổn thương là việc khó và cảm xúc tới từ đó không hề nhẹ nhàng chút nào.
Mình tập bằng việc thiền và nhận biết thân và tâm qua các việc làm hoặc tình huống xảy ra trong ngày. Tất cả các phương pháp thực hành đều đặn thì giống như là cách binh sĩ được rèn luyện trước khi ra trận để chiến đấu. Nếu mình không tập những lúc mọi thứ yên ổn thì rất có thể tới lúc tình huống xảy ra, cảm xúc chớm dâng lên mình lại loay hoay không biết phải làm thế nào.
"Chữa lành là việc chấp nhận (rằng mình có tổn thương này) chứ không phải là lãng quên (đi tổn thương đó)." - k.tolnoe