top of page

Cái giá của cách giáo dục vô cảm.

Sau khi trải qua nhiều thế hệ hay đổ tại, hay “đánh chừa cái đất” thì chúng ta bước vào một kỷ nguyên “Tây hoá” hơn, tự lập hơn. Sự “Tây Hoá không trọn vẹn” này vô tình khiến chúng ta quên mất đứa trẻ trước mặt mình cũng là một con người, cũng cần được yêu thương và che chở. Con chẳng may ngã rất đau cũng mặc kệ vì “tự chơi, tự ngã được thì tự đứng dậy được”. Khoan đã nhé! Hãy dừng lại và hình dung bạn - một người lớn có đầy đủ kỹ năng xã hội và hiểu biết về thế giới xung quanh - bị va chạm xe cộ. Bạn rất đau, còn chảy máu và hình như gãy chân rồi. Bố mẹ bạn đi ngang qua, chỉ nhìn và nói “tự ngã thì tự đứng lên và về nhà đi”. Thật sự bạn cảm thấy thế nào? Có thể bằng cách nào đó bạn vẫn sẽ đứng lên và đi về nhà được, nhưng chắc chắn kể từ ngày hôm đó, bạn sẽ không bao giờ tìm về gia đình khi gặp bất kỳ đau khổ hay khó khăn nào trong cuộc đời. Mọi người nghĩ bạn đã mạnh mẽ và trưởng thành hơn, có thể chính bạn cũng tưởng như vậy. Nhưng thực tế là bạn đang tổn thương, cô đơn, và biết là mình chẳng có chỗ dựa nào cả. Vậy thì một đứa trẻ với kỹ năng và hiểu biết chưa hoàn thiện, sẽ nhận thức về tình yêu, sự tử tế và về thế giới này như thế nào?

Có nhiều cách để dạy con về trách nhiệm và sự tự lập mà không cần phải vô cảm và tàn nhẫn. Bạn không cần phải “đánh chừa cái đất” để thể hiện sự che chở và yêu thương. Hãy chọn mức ở giữa, đó là nếu thấy con thật sự đau, hãy đến ôm con vào lòng và nói: “Con đau hả? ra đây mẹ/ bố thương!”. Bạn chẳng cần đổ lỗi cho ai, cũng chẳng cần phủ nhận cảm xúc của đứa trẻ cũng như yêu cầu nó làm gì tiếp theo (tự đứng lên chẳng hạn), bạn chỉ cần đồng cảm thôi. Bên trong mỗi đứa trẻ, bao gồm cả con bạn, là một cá thể thông minh và có sức mạnh hơn chúng ta tưởng. Chỉ cần thế thôi là chúng đã hiểu bị ngã thì đau, muốn không đau thì phải cẩn thận đừng để bị ngã. Và hơn cả, khi chứng kiến cách cư xử của bạn, chúng cũng học được rằng khi thấy người khác khó khăn hay đau đớn, hãy đồng cảm và giúp đỡ thay vì chỉ trích. Bạn khắc nghiệt với con khi chúng còn nhỏ và phải dựa vào bạn, thì khi bạn già đi và phải dựa vào chúng, chúng cũng sẽ khắc nghiệt với bạn. Bạn cô lập con bạn khi chúng gặp vấn đề vì bạn muốn chúng tự lập, thì khi gặp vấn đề chúng cũng sẽ tự cô lập bản thân. Bạn cho rằng cha mẹ bạn cũng đối xử với bạn như vậy, thậm chí khắc nghiệt hơn nhưng bạn vẫn thành người. Đó là vì bạn chưa từng trải qua cách giáo dục tốt hơn đó thôi. Bạn thành người, nhưng những đau khổ và cô đơn bên trong bạn không bao giờ nói dối. Trong chương trình “Cha mẹ thay đổi” trên VTV7, ở tập đầu tiên, em bé 11 tuổi đã vừa khóc vừa nói thế này: “Con không cần mẹ phải trở thành cái gì xuất chúng hay ghê gớm cả. Con chỉ cần mẹ hãy là người đừng làm con đau buồn bất kỳ chuyện gì”. Câu nói này thật sự đã khiến mình thức tỉnh! Muốn hiểu trẻ con, hãy nghe trẻ con nói! Xã hội hiện tại phát triển và thay đổi với tốc độ chóng mặt. Những kinh nghiệm tích lũy từ đời trước có thể hoàn toàn vô dụng với thế hệ sau. Cách đây 100 năm, cha mẹ là nông dân thì con cái cũng lại là nông dân. Cách đây 50 năm, cha mẹ là nông dân nhưng con cái có thể là bác sĩ, giáo viên. Còn ở xã hội hiện tại, cha mẹ là bác sĩ nhưng con cái có thể làm một ngành nghề chưa hề xuất hiện ở thời điểm hiện tại và cũng không ai hình dung nó sẽ xuất hiện trong tương lai. Giống như khi mới có điện thoại bàn ở Uỷ ban Xã, không ai hình dung ra được chỉ một thể hệ lớn lên, iPhone đã xuất hiện. Vậy thì thứ cần nhất cha mẹ thế hệ này nên cho con cái là một nơi chúng luôn có thể quay về, sau khi chiến đấu với những thay đổi chóng mặt và khắc nghiệt của cuộc đời. Một nơi khiến chúng luôn cảm thấy bình yên, được yêu thương mỗi khi nhớ về. Alicia Vu (Quỳnh).

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page