Cai sữa - lời chia tay với một hành trình
Đã cập nhật: 13 thg 1, 2022
Vậy là đã đến lúc phải nói lời chia tay với hành trình sữa mẹ.
Có thể bạn đã mong chờ đến ngày không còn lỉnh kỉnh đồ hút sữa, tự do đi đâu đó vài ngày mà không lo con khóc vì nhớ ti mẹ. Có thể, bạn nghĩ con đã đủ lớn rồi. Cũng có thể, bạn buộc phải chấm dứt hành trình sữa mẹ vì những lý do ngoài ý muốn, chẳng hạn như mang thai em bé tiếp theo.
Dù lý do đưa bạn tới quyết định này là gì đi nữa, thì tôi tin rằng bạn đã suy nghĩ rất nhiều và lựa chọn điều tốt nhất cho con. Cai sữa vào thời điểm nào, bằng cách nào là một sự lựa chọn của cá nhân người mẹ mà không ai có quyền phán xét.
Dù con đường nào đã dẫn bạn tới đây, tôi cũng mong trở thành một người đồng hành cùng bạn. Những chia sẻ dưới đây của Mindfully T. sẽ giúp bạn trải qua cột mốc quan trọng này một cách nhẹ nhàng và an nhiên nhất.
Khi nào bạn nên cai sữa cho con?
12 tháng? 18 tháng? 3 tuổi? Hay là 6 tháng?
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên nuôi còn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, không có một mốc thời gian nào là lý tưởng nhất để cai sữa. Việc bắt đầu hành trình nuôi con sữa mẹ là một quyết định hoàn toàn cá nhân, và việc kết thúc hành trình này cũng vậy.
Bạn mới là người biết rõ thời điểm nào là phù hợp để cai sữa cho con.
Nuôi con sữa mẹ là một mối quan hệ hai chiều. Vậy nên, khi kết thúc hành trình này, bạn cũng cần cân nhắc độ sẵn sàng từ hai phía.
Từ phía mình:
Bạn có thấy bản thân đã sẵn sàng?
Bạn muốn trở về trạng thái tự do để thi thoảng có thể gửi con cho bà trong những chuyến du lịch chỉ riêng hai vợ chồng, hay những chuyến công tác vài ngày.
Bạn muốn đêm được ngủ thẳng giấc, không phải nghiêng người lại cho con ti vài tiếng một lần.
Bạn biết mình sẽ nhớ cảm giác được ôm con vào lòng cho ti, nhưng bạn vẫn tin rồi cả hai mẹ con sẽ quen thôi.
Nếu vậy, có lẽ bạn đã sẵn sàng để dừng lại.
Từ phía con:
Có nhiều yếu tố để bạn cân nhắc.
Sức khỏe của con có ổn định không
Con có chịu ăn dặm và hợp tác với sữa công thức?
Con đã đủ lớn để trở nên độc lập hơn với mẹ?
Và điều quan trọng nhất, bạn nên tránh cai sữa vào những thời điểm con đang đối mặt với một thay đổi lớn.
Thay đổi từ bên ngoài: chẳng hạn như bắt đầu đi lớp, thay đổi người chăm sóc (mẹ đi làm nên bà ở nhà trông chẳng hạn), chuyển chỗ ở, v.v.
Thay đổi từ bên trong: những mốc phát triển kỹ năng và nhận thức, chẳng hạn như khi con tập ngồi, tập đứng, tập đi.
Thêm nữa, mỗi đứa trẻ lại có mức độ thích ứng khác nhau khi đối diện với thay đổi. Cai sữa có thể nhẹ nhàng và nhanh chóng với những em bé dễ đáp ứng. Nhưng nếu em bé của bạn không phải kiểu này thì có lẽ bạn nên chọn thời điểm mà con trong trạng thái ổn định nhất.
Vậy mới nói, cai sữa vào lúc nào là phụ thuộc vào sự đánh giá của người mẹ. Bạn và con đã sẵn sàng hay chưa, bạn là người hiểu rõ nhất.
Bản năng người mẹ luôn đúng. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, không nên để ý kiến của những người xung quanh làm bạn lung lay với quyết định của mình.
Khi cai sữa cho Lạc, em bé đầu tiên, phần nhiều quyết định không xuất phát từ phía tôi. Con khi ấy 18 tháng, đã uống thêm sữa công thức bằng bình hút rất tốt rồi, nhưng dường như tôi vẫn chưa thực sự sẵn sàng để dừng cho con bú.
Hoàn cảnh cũng một phần khiến tôi phải gửi con về quê với bà nội. Tôi sẽ không thể nào quên những đêm đầu tiên con ngủ với bà, tôi nằm phòng bên mà thấp thỏm không chợp mắt. Con khóc, mẹ khóc. Cảm giác trống rỗng, thiếu vắng đến nao người. Đó là những ngày đầy nức nở.
Nếu được làm lại, tôi sẽ chờ tới khi mình đã sẵn sàng hơn. Cai sữa không nhất thiết phải là một trải nghiệm nhiều nước mắt đến thế.
Tới em bé thứ hai, tôi hoàn toàn là người quyết định. Trước đó, Bia vốn đã là một em bé độc lập, chỉ ti mẹ khi đi ngủ. Quyết định cai sữa đến với tôi tự nhiên và bình thản hơn, dù vẫn nhiều cảm xúc.
Cuối cùng, nếu hoàn cảnh buộc bạn phải cai sữa cho con dù bạn biết hai mẹ con chưa sẵn sàng, hãy nhận của tôi một cái ôm thật chặt! Cai sữa vào trường hợp như thế là không hề dễ dàng, nhưng nếu đó đã là lựa chọn duy nhất, thì hi vọng rằng phần cuối của bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Làm sao để cai sữa cho con?
Cai sữa ngay lập tức
Phần lớn mẹ Việt chọn cách dừng cho bú ngay lập tức, nghĩa là cắt tất cả các cữ sữa ngày và đêm, thay thế hoàn toàn bằng sữa công thức hoặc đồ ăn khác.
Một số người chọn tách mẹ bằng cách gửi con về quê cho bà, hoặc mẹ đi đâu đó khoảng 1,2 tuần. Cũng có mẹ vẫn ở với con, nhưng bôi dầu hoặc dán băng dính đen vào ti để con sợ không ti nữa.
Nếu thuận lợi, em bé sẽ phản ứng một chút rồi dần thích nghi. Cũng có em bé “khó” hơn, phản kháng bằng việc khóc lóc, hoặc thay đổi tâm tính. Mức độ phản kháng và thời gian thích nghi ở mỗi em bé sẽ khác nhau. Lúc này, mẹ nên bình tĩnh, đồng thời quan sát phản ứng của con và đánh giá. Nếu em bé phản ứng gay gắt quá mức với phương pháp cai sữa bạn đang áp dụng, hãy cân nhắc chọn phương pháp khác.
Cai sữa ngay lập tức như vậy có thể tiết kiệm thời gian, sau 1, 2 tuần là xong. Tuy nhiên, bạn và con phần nào sẽ phải đối mặt với cảm giác mất mát vì những thay đổi đột ngột.
Một lưu ý quan trọng là khi cai sữa đột ngột, lượng sữa của bạn sẽ không giảm ngay. Điều này dễ dẫn đến tình trạng căng sữa, tắc sữa. Nếu để lâu có thể bị viêm, áp xe.
Bạn có thể vắt bớt sữa ra, nhưng lượng sữa vắt ra phải ít hơn lượng con bú để cơ thể hiểu rằng nhu cầu sữa đã giảm, và sẽ sản xuất sữa ít đi. Cứ như vậy, bạn vắt sữa ít dần cho tới khi sữa tiêu hết.
Cai sữa từ từ
Một lựa chọn khác là cai từ từ. Bạn không từ chối khi con đòi ti, nhưng cũng không mời gợi con như trước nữa. Bạn chủ động cắt dần số lần và thời gian ti mẹ, đầu tiên là những cữ ngày rồi đến cữ đêm.
Làm như vậy, cả hai mẹ con sẽ không cảm thấy quá choáng ngợp và mất mát. Sự thay đổi diễn ra từ từ và em bé dễ dàng thích nghi, ít phản kháng hơn.
Tuy nhiên, cách làm này sẽ cần thời gian khá dài, có thể không phù hợp với mong muốn và hoàn cảnh của bạn.
Tôi tin rằng dù bạn chọn cách nào thì đó cũng là điều tốt nhất. Hãy dùng bản năng người mẹ để làm theo cách mà bạn đánh giá là phù hợp nhất với hai mẹ con, thay vì bị loạn bởi những lời khuyên của những người xung quanh.
Để cai sữa không còn là trải nghiệm nặng nề
1. Hiểu cảm xúc của bản thân
Khi cai sữa, điều bạn lo lắng nhất là tiếng khóc của con. Nhưng đừng quên rằng không chỉ em bé, mà chính bạn cũng đang phải đối mặt với thay đổi.
Có thể bạn cảm thấy sẵn sàng cho việc này, thậm chí là hào hứng. Cuối cùng thì cũng đến ngày bạn thoát khỏi cảnh mẹ sữa, tự do ăn uống theo cách mình muốn, đi chơi xa vài ngày mà không lo con khóc ở nhà.
Nhưng dù đã sẵn sàng tới đâu, sẽ vẫn bình thường nếu đôi lúc bạn cảm thấy nhớ những lần cho con bú, đôi mắt trong veo đang nhìn bạn đầy tin tưởng, cái miệng chúm chím và bầu má phập phồng, cảm giác ấm áp, yêu thương và kết nối khi hai mẹ con hòa làm một.
Bạn cũng có thể cảm thấy tủi thân vì con không cần mình nhiều như trước nữa. Giờ khi con đã lớn và có phần độc lập hơn, bạn sẽ thấy tiếc nhớ những ngày con còn nhỏ, còn nằm gọn trong vòng tay mẹ.
Cho con bú là một trải nghiệm tuyệt vời, một đặc ân mà thượng đế tặng cho những người mẹ.
Vậy nên, những cảm xúc lên xuống thất thường trong giai đoạn này là hết sức tự nhiên. Bạn hãy nhắc mình rằng: cai sữa là một trải nghiệm nhiều cảm xúc mà người mẹ nào cũng phải trải qua. Thay vì tiếc nuối, hãy trân trọng vì được thấy con ngày một khôn lớn, độc lập hơn.
2. Bù đắp bằng thật nhiều ôm ấp yêu thương
Khi bú mẹ, một em bé không chỉ nhận được nguồn dinh dưỡng quan trọng từ sữa mẹ mà còn tận hưởng cảm giác an toàn, yêu thương và kết nối với mẹ mình. Cai sữa rồi, bạn vẫn hoàn toàn có thể duy trì sự kết nối về tinh thần bằng những cách khác.
Để bù lại sự mất mát khi không còn kết nối với con qua bầu sữa, hãy dành thêm thời gian chất lượng bên con. Bạn có thể ôm con và cùng đọc sách, bế con và hát ru, mát xa lưng con nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ.
Đừng quên rằng cai sữa không có nghĩa là hết. Nó chỉ là một sự chuyển đổi sang giai đoạn mới, và dù ở giai đoạn nào, tình cảm mà hai mẹ con dành cho nhau là không thay đổi.
3. Đón nhận sự phản kháng
Bản năng sinh tồn khiến trẻ phản kháng lại với bất cứ thay đổi nào trong sinh hoạt hằng ngày. Cai sữa là một thay đổi thật sự lớn lao với một em bé, vậy nên phản kháng cũng là điều tất nhiên.
Bạn hãy giữ mình ở tâm thế đón nhận những phản kháng của con và kiên định với lựa chọn của mình. Mỗi khi nghe con khóc, hãy nhớ rằng điều đó là bình thường.
Chỉ vài ngày nữa khi giai đoạn phản kháng qua đi, em bé sẽ nhanh chóng thích nghi. Chẳng mấy chốc con sẽ ôm bình sữa tu ngon lành và ngủ xuyên đêm với bà mà không cần có mẹ.
Đồng ý rằng vẫn cần quan sát thái độ của con và điều chỉnh cách cai sữa nếu cần. Nhưng bạn cũng không nên quá sốt ruột, để rồi không kiên định với quyết định của mình. Như vậy chỉ gây cho em bé sự khó hiểu, cả hai mẹ con đều mệt mỏi.
Lời cuối
Cai sữa là một sự thay đổi không dễ dàng với cả mẹ và con. Dù lý do đưa bạn tới quyết định này là gì đi nữa, thì bạn vẫn xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được trải qua việc này với ít tổn thương nhất có thể về cả thể chất và tinh thần.
Hãy luôn dịu dàng với bản thân, bạn đang làm rất tốt. Thay vì nuối tiếc cái kết này, hãy coi đây là khởi đầu cho một giai đoạn mới trong hành trình làm mẹ, khi mà em bé của bạn đã trưởng thành và độc lập hơn. Luôn nhớ rằng dù ở giai đoạn nào, tình yêu thương của mẹ, sự kết nối giữa hai mẹ con vẫn không hề thay đổi.
Thu Thủy