Làm thế nào để cải thiện xung đột giữa mẹ và con gái
Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Nếu bạn thấy mình khó nói chuyện với mẹ đẻ, gặp nhau được một lúc, nói được đôi ba câu chuyện là hai bên đã to tiếng với nhau, bạn không hề cô đơn hay khác biệt. Bản thân mình đã từng như vậy, mình quan sát thấy nhiều người xung quanh mình cũng như vậy, mình đọc nhiều bài viết chia sẻ, nhiều câu hỏi cũng nêu lên vấn đề tương tự.
Bạn có thấy kỳ lạ không? Nó không phải là vấn đề của riêng một ai, nó có tính hệ thống, liên hoàn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, diễn ra ở gia đình này tới gia đình khác. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào những tình huống cụ thể, những hành vi, lời nói của mẹ để bất mãn và phản ứng lại, vấn đề sẽ rất dễ bị tắc nghẽn. Những gì chúng ta nhìn và cảm thấy chỉ là phần ngọn của một nguyên nhân gốc rễ nằm sâu phía sau đó. Trong bài này mình chia sẻ những điểm mình tìm hiểu và thực hiện được để củng cố mối quan hệ giữa mình và mẹ.
Chia sẻ thêm, mẹ mình hiện đã thiền được hơn 2 năm (lâu hơn mình). Mình và mẹ có thể ngồi nói chuyện với nhau về việc thiền, cách để xử lý một số vấn đề trong cuộc sống mà mình với mẹ đều gặp. Mọi người đừng hiểu nhầm là mẹ mình thay đổi nhé, mẹ vẫn là mẹ thôi: thích khuyên nhủ con cái phải thế này, thế kia, muốn tác động lên các quyết định riêng của con, vận động hành lang để mong con thay đổi theo ý mình,... Chỉ là những điều đó không còn khiến mình phản ứng gay gắt như trước nữa, mình không hề muốn mẹ thay đổi. Tất nhiên không phải chỉ thế rồi mối quan hệ sẽ luôn tuyệt vời, sẽ vẫn có những xung đột, mâu thuẫn nhưng chúng ta sẽ biết cách xử lý nó trong ý thức, tỉnh táo và lành mạnh.
ĐẰNG SAU NHỮNG XUNG ĐỘT
1. Hiểu về tổn thương của người mẹ.
Không biết mọi người đã từng nghe tới khái niệm tổn thương của người mẹ (mother wound) hay của người cha (father wound) chưa? Nó là những nỗi đau mỗi người cha/mẹ mang theo bên mình từ khi còn nhỏ (Trong bài viết này mình chỉ đề cập tới ‘mother wound’). Nỗi đau đó của người mẹ có thể tới từ: một gia đình độc đoán hoặc thờ ơ với nhu cầu của con cái; bạo hành, ngược đãi cảm xúc, tâm lý, cơ thể, ngôn ngữ; hoặc là sự phân biệt giới tính.
Cách người mẹ nhìn nhận bản thân, đối xử với chính mình ra sao, có những niềm tin, nhận thức sai lệch nào ảnh hưởng rất lớn tới chúng ta - những người con gái trong gia đình. Mẹ luôn là hình mẫu về một người phụ nữ trưởng thành cho con gái. Có một số người có thể bứt phá ra khỏi cái khuôn về hình ảnh người mẹ trong mình, tiếp nhận những tư tưởng, nhận thức mới đúng đắn hơn nhưng thực tế cũng không thể nào hết hoàn toàn được.
Với trải nghiệm của bản thân, mình khám phá ra rất nhiều cách hành xử, câu nói, thể hiện tình cảm, cử chỉ quan tâm, thể hiện cảm xúc của mình đối với con hay chồng đều lặp lại từ mẹ - cả những điều tích cực và tiêu cực. Những điều tiêu cực phần lớn là những nỗi đau mẹ chúng ta mang theo từ thời thơ ấu truyền lại cho chúng ta. Hãy quan sát kỹ hơn một chút có thể bạn sẽ thấy mình đang trao cho con mình một trong số những tổn thương đó. Khi những tổn thương cứ thế trong vô thức được truyền từ đời này sang đời khác, nó biến thành tổn thương của dòng họ (ancestral wound). Tổn thương này chỉ chấm dứt khi có một mắt xích nào đó trong các thế hệ nhận ra và có ý thức chữa lành nó cho mình. Khi đó họ sẽ không còn trao truyền những tổn thương đó sang cho con cái của mình.
Bạn có thể nhìn nhận việc này như là một gánh nặng và từ chối nó hoặc bạn coi đây là một cơ hội, một món quà và nhận lấy nó để chữa lành cho mình và cả những thế hệ sau mình nữa.
Nhìn những tổn thương và việc chữa lành ở một phạm vi sâu rộng như thế này sẽ giúp bạn hiểu ngọn ngành hơn những xung đột, mâu thuẫn mình có với bố mẹ. Xung đột tới từ ý chí của bạn để thoát ra khỏi sự kìm kẹp, kiểm soát của những niềm tin cũ, nhận thức cũ và cả từ những hạn chế của chúng ta trong nhận thức và việc kiểm soát hành vi, làm chủ chính bản thân mình.
2. Hiểu về những ảnh hưởng của mẹ lên bản thân mình.
Mẹ mình là người phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn đồng thời cũng như bao phụ nữ khác từ thế hệ trước là nhẫn nhịn và hy sinh. Mẹ mình có hai người con gái, mình và chị gái. Hai chị em mình được mẹ nuôi dưỡng trong cùng một môi trường khi bố mình công tác ở xa. Thế nhưng sau này khi mỗi người đều có gia đình riêng, mình quan sát bản thân và chị gái và nhận thấy ảnh hưởng của mẹ lên chị em mình rất khác nhau. Mỗi người nhặt một điểm, có khi hai người nhặt cùng một điểm nhưng mức độ ở mỗi người lại khác nhau. Chị thẳng tính, hiếu thắng và quyết liệt, mình rụt rè, hay e ngại, nhẫn nhịn và im lặng.
Khi sống cùng chồng con, mình nhận biết rõ hơn các đặc điểm của bản thân và hiểu tại sao mình lại có những hành động, suy nghĩ, cách xử lý vấn đề như mình vẫn làm. Nói thêm rằng chồng và con thực sự phản ánh rất nhiều những gì nằm sâu trong nội tâm của mình. Mình có thể liên hệ và kết nối một số tổn thương trong quá khứ với những phản ứng, hành vi của bản thân hiện tại.
Chúng ta đôi khi thực sự khó chịu về những gì mẹ làm cho/với mình, nhưng theo những cách rất tinh tế, chúng ta cũng đang mang trong mình một phần con người, tính cách và nỗi đau của mẹ. Chúng ta có thể từ chối mẹ nhưng chúng ta không thể từ chối bản thân mình.
CẦN LÀM GÌ ĐỂ CẢI THIỆN MỐI QUAN HỆ?
Có thể mọi người đang cho rằng để cải thiện mối quan hệ giữa mình và mẹ, mình cần làm việc trực tiếp với mẹ. Tuy nhiên một khi còn rất nhiều nút thắt bên trong chúng ta chưa được gỡ ra thì việc tiếp tục nói chuyện, tương tác thường không đi tới đâu.
Do đó việc tối quan trọng là quay vào bên trong để làm việc với chính bản thân mình, lắng nghe tiếng nói thật sự của mình, chấp nhận bản thân mình. Bạn cần bỏ ra một khoảng thời gian củng cố lại bản thân cho vững vàng, sau đó bạn sẽ thấy các nút thắt được gỡ dần ra. Việc này mỗi người trong quá trình trải nghiệm sẽ lại tự rút ra cho bản thân những bài học khác nhau.
Những mục mình nêu ở đây là những mục lớn, rất khó để chia sẻ chi tiết trong một bài viết. Mình sẽ nêu những ý chính định hướng, nếu cần thiết mình sẽ triển khai ở những bài viết khác một cách cụ thể hơn.
1. Chữa lành những tổn thương
Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa lành khác nhau, nếu mọi người từng trải nghiệm phương pháp nào khác hãy chia sẻ nhé!
Mình tự chữa lành tổn thương cho bản thân bằng việc thiền và giải phóng cảm xúc.
Về thiền mình đã có chia sẻ trong bài viết này.
Về giải phóng cảm xúc, mình nói sơ qua ở đây:
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều tình huống chúng ta thấy mình rất mau nước mắt, dễ nghẹn ngào xúc động. Nó có thể là do thấy ai đó (nhất là con cái) phải chịu đựng sự khó chịu, thấy mình bị hiểu lầm, khi được hiểu và chia sẻ chân thành, cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn, v.v.
Khi sự xúc động dâng lên, nếu được hãy tìm cho mình một nơi riêng tư để giải toả cảm xúc ấy ra ngoài. Chúng chính là những cảm xúc bị đè nén từ rất lâu, rất sâu, khi có một tình huống bất kỳ nào kích hoạt sẽ trỗi dậy và khiến chúng ta mất kiểm soát. Đối với mình, cảm xúc được giải phóng ra ngoài qua việc khóc. Những cơn khóc rất mạnh và liên tục sau khi được mình chú ý, dành thời gian quan tâm, ôm ấp, vỗ về sẽ dịu dần đi và ngưng hẳn.
Có những nỗi đau mất nhiều lần trải qua việc giải phóng cảm xúc, có những nỗi đau lại nhanh hơn. Quan trọng là tâm thế chúng ta tiếp nhận, quan sát và chăm sóc chúng như thế nào.
2. Tập điều tiết cảm xúc để điều chỉnh hành vi
Bạn không thể kiểm soát được lời nói, hành động của mẹ, nhưng bạn hoàn toàn làm chủ lời nói và hành vi của mình để không làm căng thẳng leo thang.
Trong một mối quan hệ bế tắc hầu như không ai có ý định quay đầu, hạ vũ khí xuống, vì cái tôi, vì suy nghĩ: tại sao người làm phải là tôi?
Nếu tình yêu bạn dành cho bản thân và cho mẹ đủ lớn, mình tin bạn có đủ động lực để thay đổi mình, thay vì phá vỡ thì tập trung vào xây dựng từng viên gạch trong mối quan hệ mà trước hết là bằng việc học cách làm chủ cảm xúc của mình.
Để điều tiết cảm xúc mình giới thiệu với mọi người 3 bước chính:
1) Nhận diện cảm xúc: là việc chúng ta biết mình đang có cảm xúc gì: buồn, giận, ghen tỵ, khó chịu, ấm ức,...
2) Quan sát cảm xúc: là việc chúng ta biết cơ thể vật lý của mình thay đổi ra sao khi có những cảm xúc đó: đầu nóng lên, tay chân run, cổ họng nghẹn,...
3) Nâng niu, ôm ấp cảm xúc: là việc chúng ta quay vào bên trong, tiếp xúc với năng lượng của hiện tại để làm dịu đi những cơn sóng cảm xúc.
3. Học cách yêu thương, quan tâm bản thân đúng đắn.
Từ việc thiếu quan tâm tới các nhu cầu của bản thân sẽ gây ra nhiều các vấn đề khác nhau mà tiêu biểu nhất là ở hai thái cực:
1) Luôn đòi hỏi sự quan tâm, tình yêu, thấu hiểu từ người khác.
2) Luôn cố gắng chiều lòng, đáp ứng nhu cầu của người khác để họ hài lòng và yêu thương mình.
Khi chúng ta quan tâm hơn tới bản thân, chúng ta biết cách tự mình đáp ứng các nhu cầu.
Từ đó: giảm gây áp lực lên người khác + biết vạch giới hạn trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác tới đâu. Bằng cách đó chúng ta phần nào có thể tự cân bằng lại cuộc sống của mình.
Để hiểu hơn về yêu thương bản thân đúng đắn, bạn có thể tham khảo tháp nhu cầu của Maslow về các nhu cầu cơ bản của một người.
LỜI CUỐI:
Xa hơn cả việc chữa lành cho mối quan hệ mẹ con là việc chúng ta giải phóng bản thân mình khỏi ảnh hưởng của mẹ. Bạn đừng nghĩ mình không gặp mẹ, sống xa mẹ là mình đã thoát khỏi ảnh hưởng của mẹ. Nó có thể tạm thời làm cho những nỗi đau lắng xuống, những xung đột chìm đi nhưng để đo lường xem chúng ta đã học đến đâu, chữa lành được như thế nào thì những cuộc nói chuyện trực tiếp, cách chúng ta xử lý những xung đột, khác biệt sẽ nói lên tất cả.
Bạn có còn bị kích hoạt bởi những lời nói, nhận xét, khuyên nhủ, bảo ban, hối thúc của mẹ không?
Bạn hồi đáp cơn bực tức của mẹ như thế nào?
Bạn có thể thông cảm với những vấn đề riêng còn tồn đọng của mẹ ra sao?
Thoát khỏi sự ảnh hưởng của mẹ không phải là bạn sẽ làm trái lại tất cả mọi lời mẹ nói, hay cố làm giống hệt cho mẹ vừa lòng.
Đó là ý chí của bạn để đưa ra lựa chọn cho riêng mình, phù hợp với bản thân và gia đình nhỏ của mình. Lựa chọn đó có thể giống hoặc có thể khác với ý kiến của mẹ, có thể được bạn chọn lọc một số ý kiến hợp lý từ mẹ và bỏ đi một số bất hợp lý khác, nhưng dù là thế nào thì trạng thái độc lập và tự chủ khi ra quyết định của bạn vẫn là quan trọng nhất. Quyết định của riêng chúng ta có thể đúng, có thể sai, đó là những bài học mà tự thân chúng ta phải học khi xuất hiện trên cuộc đời này.
Chúc cho mỗi người luôn có thể quay vào bên trong kết nối lại với con người thật sự của mình. Chúc cho mỗi mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ được cải thiện.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài.