Rèn luyện tính cạnh tranh lành mạnh khi chơi cùng con
Bài đăng của thành viên Trương Dư Ngọc Trâm trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Ở đây mình không bàn về các trò chơi, mà bàn về vấn đề bao quát hơn là bồi dưỡng tinh thần cạnh tranh và tinh thần hợp tác trong quá trình chơi cùng con ở độ tuổi mầm non.
Mình từng đọc trong sách thế này:
"Nhiệm vụ của tuổi thơ không phải phát triển ra bên ngoài mà là tích lũy ở bên trong. Sức mạnh nội tại của một con người phải đủ lớn mới có thể kiểm soát bản thân một cách tốt nhất, tương lai mới có thể xử lý tốt mối quan hệ của mình với thế giới, nắm được quyền chủ động trong cuộc đời - đây mới là quy trình và logic bình thường để bồi dưỡng năng lực cạnh tranh".
Có lần mình gặp một cậu bé 6 tuổi chơi cùng 2 bạn nhỏ khác, cả 3 bày trò thi đấu. Trong vòng 1 phút ai vớt được nhiều bi hơn người đó thắng. Cậu bé có tinh thần rất quyết liệt nhưng tâm trí không tập trung, luôn căng thẳng vừa giành bi vừa nhìn quanh đối thủ. Những trận thắng cậu bé sẽ hồ hởi vui mừng nhưng nếu thua vẻ mặt đầy khó chịu, bực dọc. Có lúc còn la hét chỉ trích đối phương chơi ăn gian nhưng người ngoài nhìn vào thì chẳng thấy có vấn đề gì.
Có ai từng gặp những bạn nhỏ có biểu hiện như thế không? Riêng mình thì không phải 1 mà đã rất nhiều lần gặp những bạn nhỏ như thế.
Chính xác là bản tính HÁO THẮNG được cấy vào tâm trí của rất nhiều đứa trẻ thời nay.
Theo bạn, sự khác nhau giữa quyết tâm với háo thắng là gì?
Mình nghĩ trong một cuộc đua luôn cần quan tâm 4 yếu tố: bản thân, đối thủ, quá trình nỗ lực và kết quả.
"Quyết tâm" là tập trung hơn vào chính mình và quá trình nỗ lực. Còn "Háo thắng" là tập trung hơn vào đối thủ và kết quả.
Cạnh tranh chính là những màn đối đầu, nếu những người thách đấu mang trong mình tinh thần "Quyết tâm" thì đó là một cuộc cạnh tranh tích cực. Ngược lại, nếu họ là người "Háo thắng" thì cuộc cạnh tranh liền mang ý nghĩa tiêu cực (tiêu cực trong tâm hồn).
Vì thế nếu trẻ em chưa được bồi dưỡng đủ sức mạnh nội tâm là tập trung vào chính mình và tinh thần "nỗ lực đơn thuần", đã phải tham gia những màn cạnh tranh từ sớm thì mặc nhiên dễ dàng trở nên "Háo thắng".
Đơn giản vì các bé chưa hiểu được ý nghĩa tích cực của việc cạnh tranh, chỉ thấy rằng nếu mình chiến thắng sẽ được tung hô và đạt lợi ích là phần thưởng.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC KHI CHƠI CÙNG CON
1. Con càng nhỏ càng hạn chế chơi những trò mang tính chất đối đầu
Thay vào đó, hãy chuyển tất cả trò chơi sang dạng hợp tác bồi dưỡng tinh thần đồng đội. Tất cả trò chơi đều chỉ có một phe.
Ví dụ như khi chơi ném bóng vào rổ: Thay vì thi đấu ai ném được nhiều bóng vào rổ hơn sẽ chiến thắng, mình chuyển thành xác định mục tiêu trong vòng 1 phút sẽ cùng nhau ném đủ 20 quả vào rổ. Nếu thắng sẽ cùng nhau nhảy tưng tưng ăn mừng, còn thua thì động viên nhau thử lại lần nữa, cùng thảo luận chiến lược để đạt được mục tiêu.
Hoặc mẹ sẽ là trọng tài cổ vũ con, khi con ném trúng, mẹ sẽ chúc mừng ghi điểm lên bảng. Con sẽ không có ai để hơn thua và suy xét kết quả. Đối thủ sẽ là thời gian và chính bản thân con.
2. Chiến thắng không phần thưởng
Khi con lớn hơn, cảm nhận được nội lực mạnh hơn thì mình bắt đầu bày những trò thi đấu nhẹ nhàng để con tiếp xúc.
Ví dụ: thi xem ai đi xuống nhà nhanh hơn, đua xem ai ăn nhanh hơn.
Ai chiến thắng cũng đều cười giòn tan và không có phần thưởng nào cả. Con sẽ tham gia cạnh tranh một cách đơn thuần vì niềm vui, tương tác không vì lợi ích. Giúp con nuôi dưỡng cái nhìn nhẹ nhàng với việc cạnh tranh.
3. Thắng không tự đắc, thua không ủ rũ
Sau này, con mình hay được tham gia những trò chơi thi đấu với ba mẹ. Thắng thua điểm số rõ ràng. Mình bắt đầu chú tâm đến thái độ khi chiến thắng cũng như thua cuộc.
Nếu thua cuộc ba mẹ sẽ giả vờ buồn chút xíu nhưng nhanh chóng vui lại chúc mừng con đã chiến thắng, đôi lúc cũng không buồn luôn. Sau đó liền thể hiện quyết tâm lần sau sẽ cố gắng hơn. Nếu thắng sẽ ăn mừng nhưng không chế giễu người thua.
Có những lần con thắng liền đắc ý bảo: "lêu lêu con thắng rồi nha, ba mẹ thua". Mình sẽ trả lời: "Ủa có gì mà lêu lêu, thắng thua bình thường mà, biết điểm chưa tốt thì lần sau mẹ sẽ cố gắng hơn".
Khi con thua tỏ ra khó chịu hoặc ủ rũ mình cũng sẽ bảo: "Chơi thua có gì đâu bực mình con, chơi là có thắng có thua bình thường mà, chơi không vui thôi mình không chơi nữa hen".
Chắc cũng vì thế nên hồi thi chạy đua ở trường được giải nhất, về nhà con cũng không khoe. Tới khi cô giáo nói chuyện, mình mới biết và hỏi han con về chiến thắng đó. Nhờ thế mà dù làm bất cứ việc gì, con rất tập trung và đều cố gắng hết sức.