BẠN CÓ NGHĨ MÌNH ĐANG KIỆT SỨC KHI CHĂM SÓC EM BÉ?
Bài đăng của thành viên Trang Kaka trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Trong một cuốn sách “I’m not your baby mother” của một tác giả người da đen, người mẹ đã phải nhận những chăm sóc y tế thiếu trách nhiệm do sự phân biệt chủng tộc. Một khối u sưng tấy ở dưới vết mổ sau khi sinh con nhưng y tá vẫn khăng khăng điều đó là bình thường. Vì phải đối mặt với việc mất ngủ, cơ thể rệu rạo, thường xuyên chóng mặt và toát mồ hôi giữa đêm đã khiến người mẹ ấy bỏ lỡ một tháng đầu tiên kết nối với đứa trẻ. Cô hoàn toàn không có cảm xúc với con. Đây là lý do quan trọng nhất khẳng định cô ấy đã rơi vào tình trạng kiệt sức khi làm mẹ.
Cô bạn đồng nghiệp mới vừa sinh con được một tháng thì bị sốt xuất huyết. Cô nhập viện một mình để cách ly tránh lây cho em bé. Không ông bà, không chồng bên cạnh chăm sóc trong những ngày cơ thể rã rời đã khiến tinh thần của cô tụt dốc không phanh. Sau 10 ngày thì bác sĩ cũng đành cho cô ra viện trong sự miễn cưỡng. Cô lo lắng cho đứa con bé bỏng khát sữa mẹ và không được chăm sóc cẩn thận. Về nhà trong tình trạng sức khỏe vẫn suy kiệt vì những cơn sốt, con người lý trí trong cô cũng trở nên bế tắc. Việc thuê thêm một người giúp việc cũng trở nên khó khăn vào những tháng cuối năm. Cô trả tiền cho họ nhưng dường như luôn phải nhún nhường, lựa thái độ để nói chuyện. Mọi thứ căng thẳng và đáng sợ hơn cả việc ở với mẹ chồng. Đầu óc cô cứ luẩn quẩn trong những kế hoạch xa xôi: ai trông con khi mẹ đi làm, mẹ thiếu sữa thì phải làm sao? Cô cảm thấy tội lỗi vì không có thời gian dành cho đứa lớn, lại sợ con tủi thân khi mẹ chỉ quấn lấy em. Căng thẳng cứ dồn dập khiến cô càng muốn vùng vẫy chạy trốn. Nhưng một khi đã làm mẹ thì việc đó là không thể.
Hội chứng kiệt sức của cha mẹ được hiểu đơn giản là kiệt sức về thể chất, cảm xúc và tinh thần do nhu cầu chăm sóc con cái của một người liên tục.
“Đó là một trạng thái mà bạn đã cho, và cho, và cho và cho – cho đến khi bạn hoàn toàn trống rỗng”, Kate Kripke, một nhân viên xã hội lâm sàng và người sáng lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe sau sinh ở Boulder, cô cho biết.
Theo tâm lý học, trong 3 năm đầu đời, nếu trẻ không hình thành tình cảm gắn bó với mẹ. Sau này, cho dù là ai cũng không thể khỏa lấp được sự thiếu thốn ấy. Trẻ con nhìn thấy mẹ chính là hình ảnh của bản thân qua tấm gương. Mẹ cười, trẻ cũng sẽ cười theo, bắt chước theo biểu cảm của mẹ. Thế nhưng, nếu mẹ không cười, không ôm ấp, không vuốt ve, cũng chẳng yêu thương trẻ, trẻ sẽ coi mình là một sự tồn tại vô dụng.
Hai bà mẹ ở trên đều gặp vấn đề với sức khỏe sau sinh. Họ cần được trợ giúp bởi nhân viên y tế và người nhà để phục hồi lại thể chất. Không có gì tệ hơn là một cơ thể tiều tụy, tinh thần bệ rạc mà phải tiếp tục vắt kiệt sức lực để chăm sóc người khác. Bạn nghĩ thử xem những đứa trẻ nhận được thông điệp gì khi chứng kiến cha mẹ mình suy sụp? Liệu chúng có nhận được thông điệp rằng đây là tình yêu tạo ra nhiều niềm vui và tình yêu hơn, hay chúng nhận được một thông điệp mâu thuẫn rằng tình yêu kéo theo đau khổ?
Có ai đó nói rằng “làm cha mẹ ai chẳng vậy, cứ phải làm quá lên bệnh này bệnh nọ”. Đó là khi họ không biết rằng sự leo thang của những triệu chứng bệnh có thể dẫn đến hậu quả cha mẹ sẽ dùng bạo lực, hoặc thậm chí ruồng bỏ con cái.
Nếu bên cạnh bạn đang có những ông bố bà mẹ kiệt sức, đừng nói mấy lời khuyên nhủ sáo rỗng với họ. Hãy xắn tay lên trông con giúp họ dù chỉ vài giờ để họ có thời gian chợp mắt hay ra ngoài cho khuây khỏa đầu óc. Họ vẫn là người phải đưa ra lựa chọn: nên ưu tiên bản thân, nhờ người khác giúp đỡ hay gồng lên với em bé rồi gục ngã lúc nào không hay.