top of page

"Chỉ" ở nhà nội trợ thì sao?

Tự dưng hôm nay mình đọc ở đâu đấy một câu bình luận có cụm từ “chỉ-ở-nhà-nội-trợ” thế là cứ ám ảnh mãi, dù cụm từ này đã nghe rất nhiều chứ không phải mới nghe lần đầu.



Thế nào là CHỈ ở nhà nội trợ?


Nếu một người đi làm công sở sau 8 tiếng làm việc có thể về nhà, nghỉ ngơi hay đi chơi; thì một người nội trợ làm việc liên tục 16 tiếng từ lúc mở mắt ra đến lúc đi ngủ. Nếu một người làm tự do có thể ngày làm, ngày nghỉ, hôm làm ít, hôm làm nhiều; thì một người nội trợ làm việc 24/7, không có ngày nghỉ, không có đãi ngộ, không có nghỉ phép ốm đau, và thậm chí không có lương.


Thế thì tại sao lại là CHỈ?


Tại vì họ không tạo ra thu nhập có-thể-tính-toán-được? Tại vì nghề nội trợ không cần học vị, bằng cấp? Hay tại vì họ vô dụng, yếu kém không làm được việc gì khác mới phải ở nhà nội trợ? Hay tại vì bất cứ ai cũng có thể làm nội trợ mà không cần học hành, cố gắng?


Nếu bạn đang có suy nghĩ ấy thì bạn nhầm rồi. Làm nội trợ rất khó, làm nội trợ giỏi thì cực kì khó, chẳng thua kém bất kì nghề nghiệp nào khác. Nếu không tin hãy thử một hôm nghỉ việc ở nhà với lũ trẻ con và một núi những việc không tên thì biết ngay!


Nếu ai đó đánh giá một bà nội trợ là ngu ngốc vì họ không biết hôm nay cổ phiếu cao hay thấp, thì bà nội trợ có thể cũng đang đánh giá người đó là đần độn khi không thể nấu một nồi canh ngon. Dùng lĩnh vực và sở trường của mình để đánh giá người khác chỉ đang thể hiện chính sự hạn hẹp của bản thân người đánh giá mà thôi.


Ấy là chưa kể không phải bà nội trợ nào cũng thiếu hiểu biết và kém thông minh.


Nói đến trí thông minh, lại phải nói thêm là trí thông minh cũng được chia làm nhiều loại: Trí thông minh cảm xúc, trí thông minh thể thao, trí thông minh hình học, trí thông minh số học, trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh âm nhạc... Liệt kê ra chắc nửa ngày không hết. Vì thế mình tin rằng trên đời này chẳng có ai ngu ngốc, chỉ là dạng trí thông minh của họ khác mình mà thôi.


Mình không thích người ta cứ rao giảng phụ nữ phải nọ phải kia, phải có sự nghiệp, phải kiếm ra tiền để không bị chồng coi thường. Có thể tư tưởng này đúng ở một vài thời điểm trong quá khứ, nhưng bây giờ không còn đúng nữa. Cách giáo dục này vô tình khiến mọi người lấy tiền ra làm thước đo cho sự tôn trọng, thay vì nhìn nhận và ghi nhận đóng góp dưới những khía cạnh khác. Giám đốc công ty hay chủ tịch tập đoàn cũng không thể ngày nào cũng đi ăn nhà hàng 5 sao hay ngủ khách sạn. Họ cũng cần về nhà, ăn cơm nhà, ngủ trên chiếc giường quen thuộc. Vậy nếu không có những người chăm sóc lặng thầm phía sau thì ai làm công việc này, ai nuôi dạy những đứa trẻ, ai thu vén nhà cửa ấm êm?


Nói về phụ thuộc thì chưa biết ai phụ thuộc ai. Chồng đi kiếm tiền “nuôi” vợ, nhưng vợ lại là người gìn giữ và chăm sóc cho cả gia đình. Không ai mang ơn ai cả. Chỉ là trách nhiệm cùng nhau gánh vác và san sẻ thôi.


Bình đẳng giới không phải là phụ nữ phải gân lên làm việc của đàn ông, hay đàn ông phải quỳ xuống đội phụ nữ lên đầu. Bình đẳng giới thực ra chỉ là những việc đơn giản như ghi nhận, trân trọng đóng góp và công sức của đối phương dù ở khía cạnh hay lĩnh vực nào đi nữa.

Alicia Vu (Quỳnh)

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page