CHO CON QUYỀN ĐƯỢC SỬA SAI
Bài đăng của thành viên Thanh Ha Tran trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Hôm vừa rồi mình có xem một video trong 1 khoá học về montessori của mình trên Udemy, trong video đó cô giáo đưa ra 1 hoạt động học về ghép vần đọc từ và nối với tranh tương ứng. Cô bé học sinh bị nhầm lần giữa "i" và "e" và ghép nhầm hình ảnh của 2 từ "pin" và "pen".
Nếu là bạn, trong trường hợp bạn dạy con học và con làm sai như trên, bạn sẽ làm gì? Có phải, bạn sẽ bảo con luôn, đây là "i", còn đấy mới là "e" và yêu cầu con sửa lại?
Bản thân mình cũng nghĩ nên làm như vậy.
Mình cũng nghĩ nếu không sửa luôn thì sau con lại làm sai tương tự. Một số hoạt động có thể không cần can thiệp vì khi chơi nếu bé không làm đúng thì không thể hoàn thành được, bé có thể tự tìm ra lỗi sai của mình, nhưng những hoạt động học như thế này nếu không được người lớn chỉ ra, bé rất khó có thể nhận ra lỗi. Tuy nhiên, cô giáo trong video để bé kết thúc hoạt động và dừng hoạt động tại đó, không một sự sửa sai nào ngay lúc đó.
Trong buổi học tiếp theo, cô giáo lại tiếp tục cho bé làm hoạt động ngày hôm qua. Tuy nhiên trước khi bắt đầu, cô giáo có thêm một hoạt động nhỏ, đó là cho bé phân biệt lại "i" và "e", cô còn mang theo 1 quả trứng để bên cạnh "e" để bé có thể nhìn vào và tự sửa lỗi. Kết quả trong video buổi học ngày hôm đó, cô bé hoàn thành chính xác hoạt động, vẫn còn đó 1 chút do dự khi đi qua từ có âm "i" và "e", nhưng bé biết nhìn vào quả trứng, tự liên hệ và tự đưa ra lựa chọn đúng cho mình.
Quả thực, với bản thân mình là một người lớn cũng vậy, mình cảm thấy tốt hơn khi mình tự ngộ ra lỗi sai của mình hơn là khi người khác chỉ ra lỗi sai của mình. Nếu khi mình làm một việc gì đó mà bị nhắc nhở về việc mình đang làm sai quá nhiều, mình sẽ có xu hướng mất dần hứng thú, và tệ hơn là mất dần sự tự tin vào bản thân khi làm việc đó. Trẻ con cũng vậy và thậm chí còn nhạy cảm hơn người lớn.
Chia sẻ với các bạn câu chuyện này, mình cũng tự nhắc nhở với bản thân rằng hãy cho con thêm chút thời gian để tự điều chỉnh lỗi sai. Có nhiều cách để chỉ ra rằng con "đang chưa đúng", không nhất thiết phải ngay lập tức nói rằng "con sai rồi". Và để làm được điều này, cũng rất rất cần sự đồng hành, quan sát của bố mẹ.
Hãy bước theo con, để điều chỉnh, chứ đừng bắt con phải đi theo hướng của mình!
Lưu ý: Trong cuộc sống hàng ngày sẽ có những điều phức tạp hơn. Có những tình huống cha mẹ cần can thiệp ngay lập tức và hướng dẫn con dựa trên các nguyên tắc và kỷ luật. Ví dụ:
- không làm đau/tổn thương người khác và/hoặc bản thân - không tự làm những việc nguy hiểm.