top of page

Chọn trường (tiền) tiểu học cho con như thế nào?

Bài đăng của thành viên Diệp Ngọc Hoàng trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Không giống như ở nước ngoài, khái niệm “tiền tiểu học” được hiểu rộng rãi hơn là hành trang con được chuẩn bị tới khi vào tiểu học khá toàn diện, thì ở Việt Nam cụm từ này cứ nói là các bố mẹ tự hiểu chính là 1 năm học tập của con trước lớp 1. Và với số đông, sự “học tập” này bao hàm thiên về mặt kiến thức học thuật (hiểu một số khái niệm trừu tượng, xử lý & ghi nhớ một số loại thông tin nhất định ví dụ như học về Toán, Tiếng Việt, Khoa học,…).


Các ông bà thường nghe đến cụm này là sẽ lo lắng “nó còn bé, sao bắt học sớm thế?”, các bố mẹ nghe đến sẽ thường chia ra hai lựa chọn “học cho đỡ thua kém bạn bè” hoặc “thôi tuổi thơ có mấy đâu, con thích tới đâu cho học tới đó”. Chính tớ cũng đã trải qua từng đó cung bậc, và sau một thời gian nghiền ngẫm đủ lâu, nhận ra rằng giáo dục chưa bao giờ là một câu chuyện cá nhân, nên hôm nay cũng muốn chia sẻ kỹ hơn biết đâu giúp được các mẹ lựa chọn được phù hợp.


Hồi con gái tớ 3 tuổi, nghỉ dịch dài gần cả năm, con đã bắt đầu tò mò về chữ và số, tớ cũng tự hỏi mình LIỆU CÓ CẦN HỌC TIỀN TIỂU HỌC (khái niệm kiểu VN) KHÔNG NHỈ?


Thế là tớ lao vào tìm hiểu. Ngoài các tài liệu, ý kiến xung quanh tìm được, tớ đọc một cuốn sách rất hay. Ngay đầu sách, tác giả nói về một sự thật quan trọng này sẽ giúp chúng mình tìm được kim chỉ Nam trong giáo dục mà tớ nhớ mãi, đó là:

Mỗi chúng ta đều đang sống trong 2 thế giới, 1 thế giới XUNG QUANH TA (vật chất của môi trường thiên nhiên, xã hội các chủng tộc, lịch sử, các nền văn hoá) và 1 thế giới BÊN TRONG TA (cảm xúc, ý tưởng, trí tưởng tượng, hy vọng, nỗi lo,…).


Điều này ảnh hưởng thế nào đến việc tìm trường lớp hay giáo dục? Vì cách con học về thế giới xung quanh con, là từ việc CÁCH CON ĐƯỢC DẠY NHƯ THẾ NÀO và học về thế giới bên trong con sẽ từ NHỮNG GÌ CON ĐƯỢC HỌC. Việc chọn trường lớp, chương trình học, môi trường con sẽ theo học dài lâu, dù bố mẹ có muốn hay không cũng sẽ là những viên gạch quan trọng xây nên tương lai con, hình thành con người của con, có khi còn nhiều hơn phần bố mẹ nữa.


Một cách lý tưởng, nếu có đủ điều kiện, đây là những tiêu chí cần đánh giá kỹ khi lựa chọn 1 chương trình tiền tiểu học cho con:


1. Chương trình


Nội dung những kiến thức con phải học. Chương trình có rộng mở, cân bằng và đổi mới không? Nếu con đã bộc lộ thế mạnh nhất định rồi thì chương trình đó có phù hợp và giúp con phát triển không? Nếu là bậc tiểu học thì chương trình phát triển thể chất thu hút và đầy đủ là cần thiết. Tuổi này con rất cần hoạt động thể chất để có sức bền theo đuổi nghiệp “học” & làm người lâu dài. Các chương trình được kết hợp với các bài tập kỹ năng sống cũng rất nên có (vì đời mà, đâu phải là bài tập học thuật mãi mãi).


2. Phương pháp dạy


Chương trình có thể hay, các mảng có thể đa dạng, nhưng điều quan trọng nhất lại nằm ở cách các mảng này được phối hợp và truyền tải tới con trẻ như thế nào. Nó phụ thuộc cực kỳ nhiều vào cách dạy học. Nên với chuyện học của con, không có gì quan trọng hơn là thầy cô. Người truyền động lực, người hành xử cân bằng, người bạn, người thầy, … tất tần tật để truyền cảm xúc cho con mỗi ngày đi học đều là ở tiêu chí này.


3. Cách đánh giá


Cách nhà trường hiểu được con đang học như thế nào. Một số trường (như trường con gái tớ đang theo học) sẽ dùng điểm số, sao. Ngoài giờ các cô có thời gian sẽ hỏi han và đánh giá thêm con, xem xét kỹ lưỡng từng giai đoạn (theo tháng) hoặc khi bố mẹ yêu cầu. Với hệ thống giáo dục chung của Việt Nam, thường sẽ là điểm số (thi cuối kỳ, cuối năm, thi tốt nghiệp…) Một số hệ bằng quốc tế cũng lại có những cách đánh giá khác. Bố mẹ cần hiểu cái này của từng trường để tránh cảm thấy bức xúc hay áp lực khi có sự chênh lệch về kỳ vọng.


4. Lịch trình


Là cách nhà trường tổ chức thời gian và nguồn lực học tập. Nó có phù hợp với lối sống của gia đình bạn và con không? Bài tập về nhà bao lâu là vừa theo ý bố mẹ? Các tiết học sắp xếp như thế nào? Có ý đồ gì không? Giờ học như vậy có dài hay ngắn quá không? Ví dụ như nhà tớ bố mẹ làm giờ hành chính, đón con, về hôm nào có bài tập thì cùng làm 30’, lặp đi lặp lại đều đặn thấy rất thoải mái không có vấn đề gì cả. Nhưng có những gia đình lại thích dịch chuyển, trải nghiệm nhiều, bố làm việc ở nước ngoài hay bay đi bay về, lại không muốn con phải làm bài tập sau giờ, nên cảm thấy lịch đó hơi gò bó, cứng nhắc.


5. Môi trường


Chính là bối cảnh vật chất nơi việc học được diễn ra. Cơ sở vật chất có cần to đẹp không? Phòng học có thoáng mát sạch sẽ không? Có trang trí vui nhộn thu hút hay xám xịt cũ kỹ ẩm mốc? Nhà vệ sinh có sạch sẽ không? Một số người không quá quan trọng nhưngcó những mẹ lại rất chú ý.


6. Văn hoá


Là các giá trị & hành vi nhà trường thúc đẩy. Khi con “ăn gian” lúc học tập, chuyện gì sẽ xảy ra? Cô sẽ phạt hay giải thích, hay bêu tên con trước lớp để các bạn chê cười, hay nhắn nhủ cùng bố mẹ để hỗ trợ con? Khi có xung đột, đánh nhau? Khi con bị bắt nạt do khác biệt? Cách nhà trường giải quyết, xử lý cũng sẽ là cách con bạn hiểu về thế giới này, và hướng tới trở thành. Nên một môi trường tử tế, hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ đối với cá nhân tớ cũng là một điểm quan trọng cần cân nhắc.


Suy nghĩ xong về các tiêu chí, sẽ đến đoạn cho con đi học.


Thường các trường mẫu giáo cũng dần đưa chương trình “tiền tiểu học” học chữ và Toán vào chương trình các năm cuối mẫu giáo rồi. Nếu không theo hướng đó, các bố mẹ thường sẽ dạy con tại nhà. Cả hai phương án trên đều chỉ phục vụ được mục tiêu về mặt “học thuật”, giúp con trang bị kiến thức trước.


Phương án thứ ba là cho con theo học 1 chương trình “tiền tiểu học” của 1 trường tiểu học khác như bước đệm để con làm quen thêm với ngôi trường đó. Cá nhân tớ thấy đây là phương án toàn diện nhất, cũng giúp bố mẹ đánh giá được về 6 tiêu chí trên một cách chi tiết. Phương án đó cũng là cách nhà tớ đã lựa chọn và cho con thử.


Làm cha mẹ cần nhất là thời gian và tâm trí để quan sát con. Giai đoạn “tiền tiểu học” đối với gia đình tớ như là một năm con được “sống thử” trong 1 môi trường mới. Tuy vẫn đồng hành, quan sát, trò chuyện với con, nhưng chắc chắn ít nhiều bố mẹ cũng sẽ cảm nhận được rằng con đang dần hình thành được những ý niệm rất riêng về thế giới quanh con, được bè bạn và thầy cô truyền dạy mỗi ngày, rồi dần hiểu ra được vị trí quan trọng của trường lớp trong giai đoạn này ảnh hưởng lên con. Nên nếu được suy nghĩ và lựa chọn kỹ lưỡng, tớ nghĩ vẫn nên làm hết sức có thể, đây cũng là một giai đoạn quan trọng không kém tuổi thơ.


Một vài điểm trong bài viết này tớ cũng được học từ Tiến Sĩ Sir Ken Robinson trong cuốn Bố Mẹ, Con và Trường Học. Cuốn này rất hay, và chắc chắn bổ ích cho các bố mẹ muốn đào sâu thêm về chủ đề này, các bố mẹ có thể tìm đọc thêm nhé!



26 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page