CHỮA LÀNH LÀ GÌ?
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Gần đây thấy cả nhà thảo luận khá nhiều về chủ đề chữa lành, mình chia sẻ một bài về bản chất của việc chữa lành để cả nhà tham khảo nhé.
CHỮA LÀNH LÀ GÌ?
Chúng ta ai cũng có những nỗi đau mang theo mình. Có những nỗi đau từ thời thơ ấu; có những nỗi đau sau này mới xuất hiện và cứ bồi đắp dần vào thành một khối khổ đau to lớn. Khối này điều khiển những lời nói, hành vi, cử chỉ, tư duy, ra quyết định, cách chúng ta nhìn nhận thế giới và đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.
Mình lấy ví dụ:
Một đứa trẻ khi khóc bị phủ nhận: Khóc cái gì mà khóc, có thế mà cũng khóc. Có nín ngay không thì bảo, khóc nữa là vứt ra đường bây giờ!!! => Tình huống này được lặp đi lặp lại bởi người chăm sóc trẻ => Đây là một nỗi đau hay tổn thương khi trẻ lớn lên => Tùy vào mỗi trẻ mà sẽ hình thành nên các niềm tin bên trong khác nhau: Cảm xúc này là xấu, tệ, mình không được phép bày tỏ cảm xúc của bản thân; mình không có giá trị và không xứng đáng được yêu thương; đây là cách đúng để đối xử với ai đó đang có cảm xúc tiêu cực; người khác không đáng tin cậy, thế giới không đáng tin, mình phải cảnh giác và giữ khoảng cách với tất cả mọi người => Dẫn tới hành xử khác nhau khi trẻ lớn lên.
Những nỗi đau sau này cũng có từ nhiều nguồn khác nữa như là từ người yêu, đồng nghiệp, sếp, vợ/chồng, bạn bè,... Mà chủ yếu là do có nền tảng từ thời thơ ấu, một người không hiểu về giá trị của bản thân, không biết cách tạo ranh giới bảo vệ bản thân mình => người khác có cơ hội gây thêm nhiều tổn thương khác nữa hoặc một người dễ bị người khác chi phối trong một mối quan hệ lâu dài.
Mình lưu ý ở đây là ai cũng có những tổn thương này và ai cũng không ít thì nhiều đều gây thêm tổn thương cho người khác (trong bất kỳ một mối quan hệ nào). Càng không biết cách xử lý, chữa lành cho mình thì càng gây thêm nhiều nỗi đau.
-----
Chữa lành không phải là một hành trình đơn giản, nhẹ nhàng. Nó cần sự cam kết, cố gắng và cả sự dũng cảm để lật lại tất cả những nỗi đau từ sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta. Có những nỗi đau bị chúng ta nén chặt xuống dưới đến nỗi không thể trồi lên được nhưng nó cứ như những con quái vật vô hình, tác động rất nhiều tới cách chúng ta đang sống mà ta không hề hay biết. Chữa lành là việc chúng ta giải phóng cho những nỗi đau, ôm ấp chúng, xoa dịu chúng như cách chúng ta cố gắng chữa lành một ngón tay bị đứt hay chữa cho cơ thể khỏi từ một trận ốm sốt.
Những nỗi đau này luôn ra tín hiệu với chúng ta để được chúng ta quan tâm, để được thoát khỏi sự đè nén mà hầu hết chúng ta không nhận ra được hoặc là... không muốn nhận ra:
- Tại vì chúng ta đã quá quen với việc đè nén chúng.
- Tại vì chúng ta không còn hiểu những tín hiệu của cơ thể là gì.
- Tại vì chúng ta mất kết nối với bản thân.
- Tại vì chúng quá to lớn so với sức chịu đựng hiện tại của chúng ta nên chúng ta phải từ chối đối diện nếu không ta sẽ sụp đổ.
- Tại vì chúng ta còn sống trong vô thức, chưa được hiểu hay tiếp cận với những thông tin, kiến thức đúng đắn về vấn đề mình có.
- Tại vì chúng ta sợ bước ra khỏi thói quen cũ, cuộc sống cũ đã kéo dài hàng chục năm. Thay đổi là đáng sợ, bước ra khỏi vùng an toàn (dù có thể nó không an toàn một chút nào) là đáng sợ.
Tín hiệu của những nỗi đau thường xuất hiện trong những tương tác hàng ngày của chúng ta với những người có mối quan hệ thân thiết và gần gũi. Chúng đến và luôn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, bí bách, mệt mỏi, đau đớn và đôi lúc muốn phát điên. Nếu tâm thân chúng ta không được rèn luyện để đủ vững vàng đối diện trong những tình huống đó, chúng ta sẽ quay về phương thức cũ là lẩn tránh, đè nén và lờ đi những nỗi đau.
Chữa lành một tổn thương hay giải phóng một cảm xúc/nỗi đau không phải là tổn thương hay nỗi đau đó sẽ biến mất, trong người ta không còn gì, vết thương vẫn luôn để lại sẹo. Tuy nhiên khi đã thực hiện được việc đối diện và vượt qua nỗi đau chúng ta sẽ nghĩ về nó, nhìn lại những sự kiện đó với một thái độ khác – bao dung và thông cảm. Chúng ta không còn thấy khổ sở, đau đớn khi nghĩ về chúng nữa.
Chúng ta làm hòa được với quá khứ của chính mình và đó là bước đầu tiên để chúng ta học cách làm hòa với hiện tại.
Khi hiểu được điều này, chúng ta cũng sẽ ý thức hơn trong việc hạn chế gây ra nỗi đau cho bất kỳ ai, nhất là việc ngắt một người khỏi những tín hiệu từ cơ thể của họ. Và không ai khác, những người quan trọng nhất, chính là những đứa trẻ tiếp nối chúng ta ngày hôm nay.
VẬY TÓM LẠI, CHỮA LÀNH CHÍNH LÀ VIỆC MÌNH:
- Phát hiện ra những cảm xúc bị tắc nghẽn và giải phóng chúng.
- Phát hiện ra những niềm tin, nhận thức sai lệch về bản thân, về cuộc đời và thay đổi chúng bằng việc tập làm quen với suy nghĩ, hành động, thói quen mới đúng đắn (phần này rất quan trọng và dàn trải trong rất nhiều tình huống, vấn đề hàng ngày mà chúng ta có)
- Đối diện với quá khứ, tập buông đi những gì không còn phục vụ cho cuộc sống hiện tại của mình nữa.
- Hiểu về gốc rễ của các vấn đề mình đang gặp phải.
- Còn là việc cho phép và chấp nhận một sự thật, một nỗi đau nào đó tồn tại trong mình, dành cho chúng một khoảng không gian bên trong để tồn tại mà mình không hoặc là phản kháng với nó hoặc là hùa theo nó.
CHỮA LÀNH THÌ:
- Là quá trình dài, thay đổi không ngừng với tất cả mọi người.
- Lộ trình của mỗi người khác nhau.
- Là một công việc cá nhân, đơn độc.
- Là đồ thị zigzag đi lên, tức là cả quá trình mình có lúc vẫn bị chi phối nhiều bởi các tổn thương, nhưng từng bước một mình vẫn tiến bộ hơn trước.
- Không thể được sắp xếp, lên kế hoạch hay đặt mục tiêu.