Chuẩn bị những gì cho con đi mẫu giáo?
Đã cập nhật: 10 thg 2, 2022
Em bé nào rồi cũng đến lúc đi “bộ đội”. Có thể bạn đang băn khoăn liệu con đã đủ lớn để xa bố mẹ cả ngày hay chưa. Con chưa nói tốt, chưa biết làm việc này việc kia, liệu có đi học được không? Nhưng cũng có thể bạn đã mong chờ ngày này từ lâu lắm. Con đi học sẽ là cơ hội để bạn dành thời gian nhiều hơn để tìm lại bản thể của chính mình, quay về với công việc, đam mê và chăm sóc bản thân.
Dù đang mong chờ cột mốc này hay không thì tôi biết rằng bạn vẫn canh cánh trong mình nhiều nỗi lo. Ai mà chẳng lo khi không biết điều gì đang chờ đợi. Em bé sẽ làm quen nhanh chứ? Sẽ vui vẻ ở trường chứ? Chọn trường này hay trường kia? Các cô giáo liệu có đối xử tốt với con không?
Đi học mẫu giáo là một sự thay đổi lớn mà con phải vượt qua trong quá trình trưởng thành. Bởi nó là khởi đầu cho sự học của con, cũng là lúc con làm quen với môi trường xã hội, xây dựng những mối quan hệ đầu tiên ngoài phạm vi gia đình. Đang đợi con phía trước là cả cơ hội và thách thức. Con sẽ khóc lóc, bạn sẽ lo lắng, nhưng chúng ta phải cùng nhau vượt qua bằng tâm thế vững vàng và sự chuẩn bị kỹ càng nhất.
Bài viết dưới đây là kinh nghiệm chuẩn bị cho con đi lần đầu đi lớp của một người mẹ đã hai lần “tiễn con đi bộ đội”.
Chọn trường thế nào đây?
Câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu chúng ta chính là về việc chọn trường cho con. Hãy cùng lựa chọn dựa trên một số yếu tố:
1. “Nhất cự ly”
Nên chọn trường gần nhà hoặc ít nhất là tiện đường bố mẹ đi làm. Có 2 lý do cho việc này:
Tiện đưa đón: Học trường gần thì con không phải dậy quá sớm, không phải vội vàng vào buổi sáng, không mất thời gian di chuyển mệt mỏi trên đường, đặc biệt là trong những ngày mưa gió, nắng nôi, rét buốt.
Trẻ mới đi học đều dễ ốm. Việc đi học là một thay đổi lớn tạo ra những xáo trộn với con cả về nếp sinh hoạt cũng như tâm lý. Thêm nữa, việc tiếp xúc với các bạn ở lớp cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh hay gặp ở trẻ. Học gần nhà sẽ giúp bố mẹ, ông bà tiện xử lý nếu con có vấn đề về sức khỏe.
2. Chương trình học và cơ sở vật chất
Một số phương pháp giáo dục phổ biến trong các trường mầm non hiện nay là: giáo dục truyền thống, Montessori, Steiner, STEAM và Reggio Emilia. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các phương pháp này tại đây. Sau khi tìm hiểu về các trường gần nhà, bạn hãy tới nơi để trao đổi với nhà trường để xem phương pháp, phương châm của họ có phù hợp với quan điểm của bạn hay không, cơ sở vật chất của họ ra sao, v.v.
Tuy nhiên, qua hai lần gửi con đi học, tôi nhận thấy rằng phương pháp giáo dục, cơ sở vật chất của trường không quan trọng bằng chính con người - mà cụ thể ở đây là cô giáo. Theo quan điểm cá nhân tôi, điều con cần nhất vẫn là sự tương tác tích cực, tin tưởng và đầy yêu thương với cô giáo của mình. Vậy nên bạn hãy tìm đến cô giáo phụ trách lớp, nói chuyện thêm với cô để hiểu cách tổ chức lớp, quan điểm và phong cách của cô. Lúc này, hãy tin tưởng vào bản năng làm mẹ của bạn. Nó sẽ mách bảo cho bạn biết ai là người sẽ khiến con yên tâm khi lần đầu xa nhà, xa mẹ.
Bia - con trai tôi - là một em bé nhạy cảm và thường phản kháng dữ dội khi đối mặt với thay đổi. Tuy ban đầu khá lo lắng, nhưng khi nói chuyện với cô giáo tương lai của con, tôi hoàn toàn tin rằng mình đã chọn đúng trường đúng lớp. Cô còn trẻ nhưng có một phong thái rất điềm tĩnh. Những lần đón đầu tiên khi con khóc ngặt đòi mẹ, cố không rối lên dỗ dành, đánh trống lảng mà chỉ yên lặng ôm con vào lòng vỗ về. Cứ như thể cô tin rằng con có quyền được khóc, và cô sẽ ở bên con đến khi con nguôi nỗi nhớ nhà. Chính cảm giác an toàn mà cô mang lại khiến tôi yên lòng trước mỗi lần tạm biệt con ở lớp, và dường như nó cũng giúp cho Bia làm quen nhanh hơn với môi trường mới.
Chuẩn bị tâm lý cho con
Trẻ em rất cần sự ổn định vì nó tạo ra cảm giác an toàn. Trẻ thường gặp khó khăn khi phải đối mặt với thay đổi trong cuộc sống. Đó chính là lý do vì sao khi con sắp phải trải qua một sự thay đổi nào đó, bạn cần giúp con chuẩn bị tinh thần từ càng sớm càng tốt để con có thời gian làm quen dần dần. Việc cho con đi mẫu giáo cũng vậy.
Có nhiều cách để giới thiệu cho trẻ về việc đi mẫu giáo, nhưng bạn hãy cùng con tìm hiểu với một tâm thế nhẹ nhàng, vui vẻ, giống như đó là một trò chơi. Không nên tỏ ra quá nghiêm túc hay quan trọng hóa vấn đề bởi điều đó có thể khiến trẻ lo lắng.
Dưới đây là một số gợi ý để bạn giúp con chuẩn bị về tâm lý.
Cách 1: Chơi trò đóng vai đi học
Trò này cần có 3 người để đóng vai bố mẹ, em bé và cô giáo. Bạn có thể rủ thêm một thành viên khác trong gia đình hoặc dùng một em búp bê mà con yêu thích cũng được. Sau đó cả ba cùng “diễn kịch” đúng như trình tự hằng ngày: em bé đeo balo, bố mẹ đưa đi, đến lớp thì con tạm biệt bố mẹ, cô đón con và cùng chơi, cùng học hát, đọc truyện, ăn trưa, đi ngủ. Trong quá trình đó, hãy luôn tỏ thái độ vui vẻ, cho con thấy trường lớp là nơi an toàn và nhiều niềm vui.
Cách 2: Đọc sách về việc đi mẫu giáo
Có nhiều cuốn sách về việc đi mẫu giáo mà bạn có thể tìm đọc như: Siêu Thỏ - Ứ đi học đâu, Trường mẫu giáo vui sao, Boris đi học, Bí kíp đi trẻ vui vẻ, v.v. Bạn hãy chọn những cuốn sách phù hợp với mức hiểu của con để cùng nhau đọc đi đọc lại nhiều lần. Sau khi đọc, bạn nhớ trò chuyện thêm với con về các câu chuyện, về cảm xúc của các nhân vật trong đó. Chẳng hạn như trong truyện Siêu Thỏ - Ứ đi học đâu, lúc đầu Siêu Thỏ không muốn đi học, đến trường Thỏ khóc vì nhớ bố mẹ, nhưng cuối cùng Thỏ đã vui vẻ với các bạn ra sao. Hãy lần lượt dẫn con đi qua những cảm xúc mà con sẽ đối mặt trong ngày đầu đến lớp.
Cách 3: Cùng con thăm trường, thăm lớp
Nếu có thể, bạn nên cho con tới thăm trường càng nhiều càng tốt trước khi chính thức đi học. Bạn có thể đưa con đến vào buổi sáng, nhìn các bạn khác vui vẻ chào bố mẹ, vào lớp với cô. Nếu đến vào buổi chiều, bạn cho con chơi ở sân trường cùng các bạn khác sau khi tan học để thấy các bạn được bố mẹ đón ra sao. Tốt hơn nữa, hãy xin phép đi tham quan quanh trường, đưa con vào lớp mà con sẽ học để làm quen với cô giáo và các bạn.
Càng có nhiều chuyến thăm như vậy với thời lượng tăng dần, con sẽ càng cảm thấy quen thuộc với khung cảnh trường lớp, nhớ mặt cô giáo và các bạn. Điều này sẽ giúp con không bị quá hẫng trong ngày đầu đi học.
Cách 4: Kết nối với bạn cùng lớp
Một bí quyết nữa là cho con làm quen trước với một vài bạn cùng lớp, cho các con chơi chung với nhau một thời gian để quen mặt, nhớ tên. Tới khi đi học, dù nhiều điều lạ lẫm nhưng ít nhất có các bạn quen cùng ở đó, con sẽ yên tâm hơn và nhanh chóng học theo các bạn trong các hoạt động ở lớp.
Chuẩn bị kỹ năng & thói quen cho con
Tuy không phải là việc bắt buộc, nhưng nếu bạn giúp con rèn luyện trước một số kỹ năng và thói quen thường thấy ở trường mẫu giáo, con sẽ bớt bỡ ngỡ và cảm thấy tự tin hơn khi đi học.
Rèn luyện những kỹ năng cần thiết
Ở trường mẫu giáo, trẻ sẽ được rèn luyện các kỹ năng vận động tinh, tự phục vụ bản thân, kỹ năng xã hội cơ bản. Hãy giúp con luyện tập những kỹ năng này thông qua các trò chơi tại nhà trước khi đi học. Mỗi em bé một khác, nên nếu con không thoải mái với kỹ năng nào, bạn có thể hướng con sang luyện tập một kỹ năng khác. Luôn nhớ rằng quá trình chuẩn bị này phải thật vui vẻ, không quá căng thẳng để giữ cho con ấn tượng tốt với việc đi học.
Kỹ năng vận động tinh:
Tập cầm kéo, cắt giấy
Tập cầm bút tô màu
Kỹ năng tự phục vụ:
Tập đóng mở khóa kéo ở balo
Thi xem ai dọn đồ chơi nhanh hơn
Tập đi giày vào và tháo giày ra
Tập tụt quần xuống và kéo quần lên khi đi vệ sinh
Tập rửa tay
Tập cầm thìa, dĩa khi ăn
Kỹ năng xã hội:
Tập chờ tới lượt
Tập chia sẻ đồ chơi
Tập cách nói với cô khi cần giúp đỡ (như khi muốn đi vệ sinh chẳng hạn)
Tạo thói quen sinh hoạt ổn định, giống như ở trường mẫu giáo
Thường thì giờ giấc sinh hoạt của con sẽ khác nhiều với ở trường mẫu giáo. Vì vậy, để hạn chế tối đa sự bối rối cho con, bạn hãy hỏi han trước về lịch trình giờ giấc ở lớp mà con sẽ theo học. Từ đó, bạn dần dần điều chỉnh lịch trình sinh hoạt ở nhà cho càng gần giống với lịch ở lớp càng tốt.
Hãy tính toán giờ đi ngủ và thức dậy của con sao cho phù hợp với thời gian đưa con đi học vào buổi sáng. Tốt nhất là nên cho con ngủ sớm, dậy sớm để có nhiều thời gian chuẩn bị trước khi đi học, bình tĩnh vệ sinh cá nhân, bình tĩnh thay quần áo, ăn sáng. Những ngày đầu nhiều nước mắt, bạn sẽ muốn có thật nhiều thời gian để giữ tinh thần bình tĩnh.
Chuẩn bị “hành trang” cho con
Bạn nên hỏi cô giáo xem cần chuẩn bị những gì cho con mang theo. Cô giáo là người biết rõ nhất và đã có kinh nghiệm với các bạn trước.
Hãy tạo hứng thú cho con bằng cách đưa con đi chọn mua một chiếc balo mà con thích. Cùng còn tập xếp quần áo, bỉm, sữa, v.v. vào trong balo hằng ngày như một trò chơi vậy.
Cuối cùng, bạn có thể cho con mang theo một chú gấu bông hay búp bê mà con thích nhất. Đó sẽ là người bạn đồng hành với con ở lớp, để con không cảm thấy “một mình” khi không có bố mẹ ở bên.
Lời nhắn nhủ
Trên đây là toàn bộ những bước mà bạn nên thực hiện trước khi cho con đi học. Hãy nhớ rằng trẻ em cần nhiều thời gian để làm quen với thay đổi, vậy thì ngay khi đưa ra quyết định, hãy bắt tay vào những bước chuẩn bị này. Đó cũng là cách tốt nhất để giúp con trải qua giai đoạn chuyển đổi này một cách nhẹ nhàng và tự tin nhất có thể. Ở bài sau, chúng ta sẽ cùng bàn về bước tiếp theo: làm sao để vượt qua những ngày đầu tiên đi học đầy nước mắt.
Thu Thủy,