top of page

Chuẩn bị tâm lý cho con khi sắp có em

Lúc bạn biết rằng mình sắp đón thêm một thiên thần thứ hai cũng là lúc cả gia đình sắp đối mặt với những thay đổi lớn, có thể ảnh hưởng tới tâm lý của con đầu. Làm thế nào để chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt trước khi con chính thức trở thành anh/chị?


Thông báo với con về sự thay đổi lớn sắp diễn ra


Tất nhiên, việc đầu tiên phải làm là báo cho con biết. Thời điểm phù hợp để làm việc này là khi mẹ mang thai khoảng 4-5 tháng, đủ sớm để con có thời gian chuẩn bị, và cũng là khi bụng bầu của mẹ nổi rõ để con có cảm nhận trực quan về em bé. Tùy vào độ tuổi của con, bạn lựa chọn cách diễn đạt cho phù hợp. Ví dụ, với bạn nhỏ tầm 2 -3 tuổi, ta có thể nói đơn giản: “con có thấy bụng mẹ to hơn không? Bởi vì có một em bé nhỏ xíu đang nằm trong bụng mẹ đấy. Khi em đủ lớn thì em sẽ ra ngoài chơi với con.”


Bạn không nên kỳ vọng vào phản ứng của con. Con có thể tỏ ra hào hứng nhưng cũng có thể tỏ ra không thích, hoặc thậm chí là không quan tâm. Điều đáng nói ở đây là phản ứng của chính bố mẹ. Trước khi nói với con, bạn hãy nhớ rằng con có quyền có những cảm xúc riêng khi đối mặt với vấn đề này. Nhất là các em bé trong độ tuổi nhỏ còn đang học cách xử lý cảm xúc của mình, thì bạn cần hoàn toàn bình tĩnh và tôn trọng cách thể hiện của con.


Một lưu ý nữa là không để người lớn nói với con những câu “vô duyên” như: “có em bé thì sắp ra rìa rồi”. Những câu nói như vậy sẽ làm con có ấn tượng xấu về em bé và lo sợ bố mẹ không yêu mình nữa. Hãy nói cho con biết rằng khi có em thì con vẫn được yêu thương như vậy, không có gì thay đổi cả.


Tôn trọng cảm xúc của con


Phản ứng của con về việc có em bé có thể thay đổi theo từng thời điểm. Hôm nay con có thể hào hứng chọn đồ cho em, xoa bụng bầu của mẹ, nhưng ngày mai con cũng có thể nói con không thích có em, chỉ vì em bé ngày một lớn làm mẹ không bế được con nữa. Dù con phản ứng như thế nào và trong thời điểm nào, thì điều quan trọng là bố mẹ vẫn lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của con, để con thấy rằng con được yêu thương. Đừng nói với con rằng con PHẢI yêu em, con KHÔNG ĐƯỢC ghét em hay ghen tị với em. Làm như vậy không những không có tác dụng mà còn có thể phản tác dụng. Thay vào đó, hãy ghi nhận cảm xúc của con, và từng bước giúp con xử lý cảm xúc của mình cũng như xây dựng tình cảm với em bé.


Giúp con tập làm anh chị


Bạn hãy đưa con đi chọn mua một em búp bê hay thú bông mà con thích rồi cùng con chơi đồ hàng với những món đồ chơi này. Hãy dạy con cách bế búp bê, cho búp bê uống sữa, thay bỉm, tắm rửa, ru ngủ, v.v. để tập làm quen với việc chăm sóc một em bé.


Bạn cũng có thể cho con xem những bức ảnh chụp chính con lúc nhỏ. Hãy nói với con rằng con cũng từng là một em bé nhỏ xíu chui ra từ bụng mẹ. Hãy kể cho con nghe khi con mới ra đời, con nhỏ như thế nào, hay khóc nhè và hay đói ra sao, và bố mẹ đã chăm sóc con như thế nào.


Để con hình dung rõ hơn về mối quan hệ anh chị em trong gia đình, bạn có thể đọc cho con những cuốn sách tranh phù hợp với lứa tuổi về chủ đề này như: “Chuột Típ có em” hay “Cô bé Mác-tin rất yêu em trai”. Bạn có thể tham khảo thêm nội dung của từng cuốn sách tại bài giới thiệu của Mầm Nhỏ. Trong hoặc sau khi đọc sách cùng con, bạn có thể cùng con thảo luận thêm. Hãy đặt cho con những câu hỏi gợi mở để con trả lời. Ví dụ, đọc cuốn “Chuột Típ có em” có đoạn chuột Típ chuẩn bị thật nhiều đồ chơi như ô tô, bóng đá cho em bé. Bạn có thể dừng lại và hỏi: “Con muốn chuẩn bị đồ chơi gì cho em nào?” Có thể con sẽ hào hứng kể ra những đồ chơi mà mình thích nhất, từ đó phát sinh những cảm xúc tích cực về việc có em bé.


Để con tham gia vào quá trình chuẩn bị đón em bé


Bạn hoàn toàn có thể cho con đi cùng trong những buổi siêu âm thai: “Hôm nay, chúng mình cùng đi gặp em bé con nhé!” Hãy để con được nhìn thấy những chuyển động của em, chỉ cho con biết đây là đầu, là chân, là tay của em: “Con nhìn xem, em bé của chúng mình nhỏ xíu có đáng yêu không nào?”


Bạn hãy đưa con cùng đi chọn đồ cho em bé. Thâm chí, bạn có thể để con quyết định chọn bộ đồ nào, xúc xắc nào cho em, cùng con thảo luận xem em sẽ thích màu gì, hình chú gấu hay là hình bông hoa, v.v. Khi con được tham gia vào quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của em bé, con sẽ cảm thấy mình cũng đóng một vai trò quan trọng trong gia đình và sẽ hứng thú hơn trong việc giúp đỡ bố mẹ chăm sóc cho em sau này.


Để con thấy mình vẫn được yêu thương


Sau khi em bé ra đời, dù bố mẹ cố gắng tới đâu thì thời gian dành cho con đầu cũng sẽ bị hạn chế hơn. Vì vậy, hãy tận dụng những tháng thai kỳ để dành thật nhiều thời gian cho con nhé. Những tháng chưa cảm thấy quá nặng nề, mẹ hãy sắp xếp những buổi đi chơi chỉ riêng hai mẹ con, đưa con tới những nơi như công viên, bảo tàng, vườn bách thú hay lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi xa. Hãy ôm con thật nhiều, trò chuyện với con mọi lúc, cùng con đọc sách và chơi đồ hàng, tham gia vào những trò đuổi bắt hay đóng vai,… Sau khi có em, con sẽ mãi mãi không còn là “con một” nữa. Hãy tận dụng khoảng thời gian quý giá này để con hiểu rằng có em không có nghĩa là con được yêu thương ít đi chút nào cả.


Quyết định có thêm em bé là một quyết định quan trọng và sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của con đầu. Khi đối mặt với sự thay đổi này, con bạn có thể có những phản ứng và cảm xúc không như bạn mong muốn, nhưng hãy nhớ rằng cần tôn trọng cảm xúc của con và từng bước giúp con thích nghi với hoàn cảnh mới.


Thu Thủy,

11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page