BÍ QUYẾT GIÚP CON CHUYỂN GIAO HOẠT ĐỘNG
Đã cập nhật: 9 thg 10, 2022
Bài đăng của thành viên Nguyen Nghia trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Mình nhận thấy bố mẹ thường lúng túng và bế tắc ở tình huống nhắc con chuyển giao các hoạt động. Vừa nhắc xong thì con chống đối, từ chối, cố tình im lặng hoặc “nhây.” Ban đầu đang bình tĩnh chúng ta thuyết phục, nhắc nhở mấy câu, vẫn không ăn thua chúng ta chuyển sang quát tháo, vài câu không có tác dụng chúng ta tự động chuyển sang chế độ đe dọa, thậm chí là có thể động tay động chân, dù cho ý định ban đầu trong sáng đến thế nào.
Mình luyện tập kỹ năng làm chủ cảm xúc cũng được một thời gian khá dài, hiện tại bản thân xoay sở khá ổn với các tình huống chuyển giao hoạt động với con mà trước đó mình hay lâm vào bế tắc. Nguyên tắc cần nhớ ở đây là:
Chắc chắn mình đang giao tiếp hiệu quả hai chiều trong tình huống đó.
Luôn chuẩn bị tinh thần cho sự chống đối, đòi hỏi của con.
Cho phép thương lượng trong chừng mực có thể.
Giữ vững lịch trình, giới hạn mình đặt ra cho con.
Hãy phản hồi bằng lời nói, thái độ, hành động bình tĩnh, hạn chế tối đa phản ứng theo cảm xúc nhất thời.
Một số cách mình áp dụng như là:
1. Giao hẹn thời gian
Bạn lớn:
- Mẹ cho con thêm 5 phút nữa thôi, xong là mình dừng lại nhé. Con nghe mẹ nói chưa?
- 10 phút được không mẹ?
- Thôi được, vẫn còn thời gian mẹ đồng ý lần này. Nếu lúc khác mà muộn giờ quá rồi mẹ không đồng ý được đâu nhé.
- Vâng ạ.
Bạn nhỏ:
- Mẹ cho em thêm 5 phút nữa thôi, xong là mình dừng lại nhé. Em nghe mẹ nói chưa?
- Không, em muốn chơi/tắm tiếp.
- Uhm, em đang thấy vui đúng không. Mẹ cũng muốn cho em chơi vui thêm một lúc nữa lắm nhưng mà tiếc là không được rồi. Tại vì….
- Hứưưư, tại saoooo?
- Tại vì mình còn phải… đấy (ra ôm, thơm, xoa người an ủi). Khi nào hết giờ mẹ sẽ nhắc rồi em tự dừng lại nhé.
- Vâng ạ. (tiu nghỉu)
2. Đếm từ 1 tới 10
Bạn lớn:
- Đến giờ đi ngủ rồi, mẹ tắt đèn đây nhé. Sẵn sàng chưa nào?
- Chưa, mẹ chờ con đã.
- Mẹ đếm tới 10 để chuẩn bị nhé.
- (Có hôm bạn đề nghị: 10 không đủ cho con, 20 đi mẹ
- Ok, 20 nhé. 1,2,3…)
Bạn nhỏ:
- Em ngâm chân xong chưa, mình ra ngoài nhé!
- Không, em muốn ngâm thêm.
- Nhưng mẹ thấy lâu quá rồi, mẹ sợ em bị lạnh. Mẹ đếm tới 10 là mình ra nhé.
- (Cười) Được.
3. Khiếu hài hước:
Hầu hết là áp dụng khi con dưới 6 tuổi. Sau 6 tuổi con có ý kiến, suy nghĩ riêng nên mình chỉ ngồi nói chuyện sau khi con có một vấn đề nào đó với ai khác (hiếm khi hai mẹ con xung đột với nhau). Khi nói chuyện mình cũng hay lái theo hướng đùa, vui một chút để cân bằng lại trạng thái cho bạn.
Bạn nhỏ:
- Đùa với anh, anh lỡ tay làm đau rồi khóc to. Khóc được mấy giây thì tự động ra tìm mẹ, nếu tình huống không nghiêm trọng, hầu như mẹ không chủ động ra bao giờ)
- Em sao thế?
- (Nói lí nhí, chữ được chữ mất) Em đang chơi mà anh Vũ lại đánh vào người em.
- Khoan đã, em nói lại được không? Em cứ nói thế này mẹ không thể nghe nổi (giả lại giọng lí nhí của con kèm theo một chút cường điệu hoá khiến mấy đứa thi nhau cười ngặt nghẽo)
- (Con nói lại rõ ràng hơn)
- Mẹ hiểu rồi, anh Vũ lỡ va làm em đau, anh xin lỗi em rồi đúng không. Em có cần mẹ thổi giúp cho bớt đau không?
- Cóoooo
- (Mẹ vừa thổi vừa làm trò cho ba anh em cười, vậy là xong một tập )
4. Đánh lạc hướng:
Vụ này chắc chỉ dành cho bạn nhỏ thôi ạ.
- Con (ỉ eo): mẹ, em cứ thấy áo này nó vướng vướng ở đây. (Ngồi thụp xuống sắp khóc, dứt áo ra) Em cứ thấy nó vướngggg!
- Để mẹ kiểm tra xem nào. Ở đây phải không? Mẹ sửa rồi đấy, em xem thế đã được chưa.
- (Mếu, đòi cởi) Chưa, nó cứ vướng.
- (Mẹ kiểm tra lại không thấy có gì nghiêm trọng lắm) Mẹ chỉnh lại lần nữa rồi, em đừng kéo ra trước thế nó sẽ vướng ở vai. Áo mình chỉ mặc một lúc, đi tới trường là cởi ra ngay nên em chịu khó một chút nhé. Bây giờ mình ra chỗ vòi nước xem người ta có tưới nước buổi sáng cho cây không đi!
- (Hồ hởi đứng dậy đi ngay, vừa đi vừa kể) Hôm nọ em đi học em thấy vòi tưới nước cho cây đấy. Nước phun khắp nơi luôn.
- (Mẹ gợi thêm chuyện khác để cùng nói trên đường tới trường).
5. Nói về sự thú vị của hoạt động sắp tới hoặc lợi ích nếu chuyển giao hoạt động sớm.
Bạn lớn:
- (Đi học về đang mải đọc sách)
- Con đi cất bát đũa và phơi nốt quần áo đi con!
- Nhưng con đang đọc sách mà mẹ. Con đang tập trung mà.
- Mẹ biết con đang tập trung đọc sách nhưng nếu mình dành nhiều thời gian cho đọc sách quá mà không làm nốt việc để sau đó còn có thời gian xem youtube thì sẽ muộn và tới giờ ăn cơm tối mất.
- Vâng, con biết rồi. Mẹ chờ con đọc nốt chỗ này thôi.
Bạn nhỏ:
- Mình chơi nốt ván này là đi đánh răng nhé.
- Không, tại sao??? Em muốn chơi tiếp!!!
- Để mình còn đánh răng, dọn đồ chơi rồi đọc sách chứ. Hôm nay mình đọc tiếp cuốn hôm qua đấy, em muốn đọc tiếp không? Cuốn gì ấy nhỉ?
- À, em biết rồi… (nói về cuốn sách).
- Vậy nốt ván này thôi nhé.
- Vâng ạ.
Nếu mình dành thời gian quan sát, tương tác và xử lý nhiều tình huống với con cái thì dần dần bố mẹ sẽ phát hiện ra với mỗi bạn mình sẽ có những cách xử lý, ứng biến khác nhau tùy theo đặc điểm tính cách của bạn đấy.
Tuy nhiên thì mọi thứ cũng chỉ là tương đối, có những lúc chúng ta loay hoay, phân vân không biết mình giải quyết thế này đã ổn thoả chưa là điều bình thường của bất kỳ ai trên quá trình học hỏi. Cách đúng là chúng ta thử, sai rồi điều chỉnh mình, làm lại rồi cứ tiếp tục như vậy.
Chỉ cần chúng ta luôn hành động, lựa chọn dựa trên những nguyên tắc, giá trị cốt lõi hướng tới một cuộc sống bình yên, sự trưởng thành và phát triển tự do trong khuôn khổ hợp lý của con cái, mình tin bố mẹ nào cũng sẽ tìm được con đường phù hợp, đúng đắn cho riêng mình.