CHUYỂN TRƯỜNG CÓ NÊN KHÔNG?
Khi nhận thấy nhiều điểm bất cập ở ngôi trường con đang theo học, việc có nên chuyển trường cho con hay không là một nỗi băn khoăn của nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi mầm non. Tại An Nhiên Làm Cha Mẹ, chúng mình tin rằng bạn là người hiểu rõ nhất việc chuyển trường có là cần thiết với con mình hay không. Hãy dành thời gian trò chuyện, quan sát con bằng trực giác của những người làm cha mẹ, và tin vào tiếng nói của trái tim mình!
Và để tham khảo thêm trải nghiệm của những cha mẹ khác, chúng mình xin phép chia sẻ câu chuyện chuyển trường cho con của thành viên Hoa Luong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
-
Trum nhìn vào bức ảnh chụp hôm khai giảng ở trường mầm non cũ và bảo:
Đây là cô giáo cũ của Trum đấy.
Trum có thích học trường cũ không con?
Trum thích
Tại sao con thích học trường cũ vậy?
Cô bảo ngồi im, không cho Trum chạy lung tung
“Con thích” - Đó rất có thể là câu trả lời mà con đang nói với bạn. Nhưng bản năng làm mẹ sẽ giúp bạn lập tức phát hiện “điểm khả nghi” Trong cuộc hội thoại ngắn này.
Với trẻ lứa tuổi mầm non, người lớn vẫn nên tin vào cảm nhận của mình từ việc quan sát cảm xúc của con hơn là lời nói. Cảm xúc của bọn trẻ không bao giờ sai, còn lời nói của chúng đôi khi sẽ không phản ánh đúng trải nghiệm của chúng về hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta nên quan sát kỹ cảm xúc của con, kết hợp trò chuyện hàng ngày một cách tự nhiên để con thoải mái bộc bạch những vấn đề con đang gặp phải.
Mình chọn trường cũ của Trum vì học phí rẻ hơn, cơ sở sạch sẽ, gần nhà. Hơn tất cả là khi nói chuyện với cô hiệu trưởng thì mình rất có cảm tình, lời nói và ánh mắt của cô truyền cho mình một niềm tin lấp lánh rằng con sẽ được tham gia nhiều hoạt động trên lớp. Cô cũng nói thêm rằng các bạn đã học ở đây thì hôm nào cũng muốn đi học vì đến trường rất vui (điều này đánh trúng vào mong muốn của mình vì Trum rất ưa hoạt động và mình cũng đang tìm kiếm một ngôi trường như thế!)
Nhưng sự thật thì ngày một khác xa so với những lời hứa hẹn hôm nào. Trực giác nói mình cần dành nhiều thời gian hơn cho con. Mình bắt đầu quan sát con ở trường xem tâm trạng của con mỗi ngày trên lớp ra sao. Con đang thấy thoải mái hay bất ổn? Cuối ngày mình tranh thủ chuyện trò thêm với con. Chỉ sau một thời gian ngắn, mình đã có câu trả lời.
Thật ra, khi ở đây con đã bị KÌM NÉN rất nhiều nhu cầu, bao gồm những nhu cầu về mặt sinh lý (đi vệ sinh, uống nước) và những nhu cầu về mặt tâm lý (muốn được hoạt động, giao tiếp, thực hành, tương tác). Không khó mà cũng chẳng dễ dàng, nhưng chỉ cần để ý và dành đủ thời gian thì mình tin là người mẹ nào cũng có thể nhận ra khó khăn mà con đang gặp phải, như trường hợp bé nhà mình!
Mình đã quyết định rời con ra khỏi môi trường này, vì đó là một nơi:
1. Con không dám đi vệ sinh và uống nước
Mỗi ngày đi học mình đều chuẩn bị cho con một bình nước riêng và mình cũng cẩn thận dặn cô để vào góc uống nước là Trum có thể tự lấy uống được. Nhưng mình cũng không hiểu vì sao mà không hôm nào con uống nước, có lẽ không phải vì cô không cho phép mà vì con sợ cô tới nỗi khát nước cũng không dám tự đi lấy bình nước của mình để uống.
Chuyện đi vệ sinh có lẽ còn gây ám ảnh hơn. Con càng không dám đi vệ sinh ở trường nên “output” táo hơn hẳn. Mình để ý thấy nhiều ngày con mới có cơn buồn đi ị một lần và lần nào cũng táo thành hòn, cứng như những viên đá cuội.
2. Con không dám làm gì, ngoài ngồi im
Khác với những gì cô giáo hứa hẹn là các con sẽ được hoạt động rất nhiều trên lớp thì mình thấy hầu hết thời gian cô cho các con…ngồi im.
Để làm đúng yêu cầu của cô, Trum đã ngồi cắn cụt hết 10 đầu ngón tay, xong rồi tới 10 đầu ngón chân trên chiếc ghế nhỏ ở lớp. Cậu nhóc 3 tuổi nhà mình xem hoạt động đó vừa là niềm vui nho nhỏ vừa giúp mình không vi phạm quy định của cô.
3. Con được xem tivi nhiều hơn bao giờ hết
Trum là một cậu bé ưa hoạt động, thích trải nghiệm và sợ bị ép buộc. Mình biết điều này vì dựa theo thần số học Trum có mũi tên 147 trong biểu đồ ngày sinh. Mũi tên này cho thấy con là người ưa thích các hoạt động thể chất, thích tự trải nghiệm và cần được đặt vào môi trường tốt ngay từ sớm thì mới tiếp nhận và xây dựng được các đức tính tốt cho sau này.
Ở lớp không chỉ được ngồi im mà con còn được ngồi im xem tivi khá nhiều: sau bữa sáng, trước bữa trưa, sau khi ngủ dậy đều có bóng dáng của “hoạt động” ngồi im xem tivi. Đúng là về điểm này thì bé nào đến trường cũng thích thật!
Cái “bẫy” ở đây là Trum chưa thể tự mình nhận thức được hoàn cảnh mà mình đang gặp phải. Con chỉ vô tình thể hiện sự bất mãn và bị kìm nén của mình ở ngôi trường mới bằng cảm xúc uể oải, miễn cưỡng không muốn tới lớp và gương mặt mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vào mỗi chiều mẹ đón về. Ở tuổi con thì việc được ngồi yên và lại còn được xem tivi cũng dễ khiến con kết luận rằng “con thích trường cũ”. Nhưng cảm xúc của con thì chân thật hơn rất nhiều. Người ta có thể ép buộc đứa trẻ nói theo ý mình nhưng không ai có thể ép buộc được cảm xúc của chúng.
Cuối cùng, mình thấy quyết định chuyển trường là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Quan trọng là khi sang ngôi trường mới, mọi thứ đều cải thiện từ “output” cho tới cảm xúc của con mỗi ngày đều tốt hơn. Điều đó cho thấy nó phù hợp với con hơn hẳn ngôi trường cũ. Ở đây con cũng được thoải mái và chủ động uống nước khi khát, đi vệ sinh khi muốn và không có cảm giác sợ cô tới nỗi phải co cụm ngồi yên một chỗ. Mình không võ đoán điều đó, vì tất cả mình đều dựa trên việc quan sát cảm xúc con cũng như có những cuộc trò chuyện với con hàng ngày.
Thực sự là chuyện đi học các con ở tuổi mầm non này chẳng hề đơn giản. Chuyện đổi trường cho con cũng không phải dễ dàng vì nó còn liên quan đến nhiều tiêu chí. Cha mẹ phải cân nhắc đến những chuyện như: khoảng cách đi lại xa hay gần, mức học phí có phù hợp với hoàn cảnh gia đình không, trường có theo phương pháp giáo dục nào hay không, môi trường lớp học, giáo viên và các bạn cùng lớp của con như thế nào. Giữa một loạt các tiêu chí đó, kinh nghiệm của mình vẫn là ưu tiên cảm xúc của con và môi trường lớp học thực tế lên trên hết.
Với mình sẽ không có ngôi trường nào là tốt nhất, mà chỉ có ngôi trường phù hợp nhất với con mình. Nếu không thấy phù hợp, bạn hãy tự tin chuyển trường cho con. Vấp ngã ở ngôi trường này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm tìm được ngôi trường tốt hơn. Mình tin rằng vẫn có rất nhiều ngôi trường mầm non đặt sự phát triển của trẻ lên hàng đầu, và rất nhiều những cô giáo tận tâm với trẻ. Khi được đi học trong môi trường phù hợp, trẻ sẽ thích nghi rất nhanh. Ba mẹ chỉ cần chuẩn bị tâm lý và đồng hành cùng con đến khi con thực sự sẵn sàng.
Thêm một chia sẻ nữa theo trải nghiệm cá nhân mình, trường đắt tiền thì có khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí của gia đình hơn là các trường học phí rẻ hơn. Dù không muốn tin nhưng qua lần chuyển trường này cho con mình phải công nhận rằng, môi trường giáo dục ứng với câu “tiền nào của đấy” cũng không hẳn là không có căn cứ!