CÓ MẶT CHO NHAU
Bài đăng của thành viên Ai Huong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Lần trước, mình chia sẻ về sự “thèm ba” vì ba của mình thường xuyên đi làm ăn xa. Có phải vì thế mà mình nhớ rất rõ những câu chuyện liên quan đến ba?
Mình là cô bé “giàu có thượng hạng” nhất khi bước vào lớp Một. Không phải vì mẹ đã mua cho mình một bộ váy mới cóng, không phải vì mình có nơ cài đầu kiểu công chúa. Hoàn toàn không phải. Mình đặc biệt hơn nhiều. Bởi mình có đầy đủ một bộ sách! Trong khi những bạn khác chỉ có hai quyển Toán và Tiếng Việt, thậm chí có bạn chỉ có quyển vở ô ly chứ cha mẹ chưa mua cho sách, đứa thì mang sách cũ lấm lem màu mực của anh chị hay xin, đổi được của ai đó, thì mình, được ba mua hẳn cho 1 bộ sách, mới cóng. Đủ cả sách tập tô, sách đạo đức, truyện đọc… Đến giờ mình vẫn nhớ các bài dạy trong quyển sách đạo đức với những tranh ảnh sắc nét: “Gà trống dậy sớm, mèo lười ngủ trưa, còn em đi học, đi cho đúng giờ”. Có phải vì thế, mà mình đã rất yêu và chăm chỉ trong sự học suốt những năm sau đó?
Ngày đầu đi học về, ba hỏi đi học có vui không, viết bài có tốt không. Mình kể với ba rằng cô giáo cho ra chơi khi con còn viết chưa xong, chị My bảo đưa vở chị viết cho thế là con đưa vở cho chị My viết giùm còn con thì đi chơi. Ba bảo:
- Chị My viết giùm nên vở của con vẫn xong phải không?
-Dạ.
-Nhưng bài đó không phải là do con viết. Dù bài con làm xong nhưng con học chưa xong. Chị My giúp con nhưng chị My là người tiến bộ chứ không phải là con. Chị có ý tốt muốn giúp con nhưng như thế là không tốt cho con. Lần sau con phải tự viết bài lấy chứ không được đưa ai viết giúp nữa nghe không?
-Dạ.
Mình đã hiểu ra bài học đầu tiên về sự học là như thế. Học là phải tự mình học lấy, không ai có thể học thay mình được.
Ba thường bắt mình cắt cỏ cho cá xong phải tự cho vào gánh để gánh về. Gánh nhiều không được thì gánh ít. Gánh 3 lần không hết thì gánh 5 lần, 7 lần chứ không thể mỗi lần cắt cỏ giữa đồng xong lại lên kêu mẹ xuống gánh lên. Ba bảo, con gái cần phải biết làm việc, biết lao động. Lỡ sau này học hành thất bát, còn biết đường mà lao động chân tay, tự làm mà nuôi thân, chứ suốt ngày chỉ bút viết sách vở, ra đường ra đồng chẳng biết thứ gì, cái gì cũng vụng về lóng ngóng thì sống thế nào.
Dù cái đòn tre khiến mình đau vai khó chịu vô cùng, nhưng mình vẫn gánh cỏ theo lời ba. Sau này chỉ thỉnh thoảng mình trách móc ba là dạo đó, nếu như ba đừng có bắt tập gánh, thì có khi giờ mình đã cao thêm được vài cen-ti-met cho bằng bạn bằng bè.
Vậy đó, ai cũng có những câu chuyện về ba của mình. Điều đáng nói là, tuy thường xuyên vắng nhà, nhưng trong trí nhớ của mình, ba luôn hiện diện ở những thời điểm quan trọng với sự quan tâm và những bài học cần thiết cho cuộc đời. Đó là tuổi thơ mình ngồi trong lòng ba gõ mâm gõ đũa mà hát dưới ngọn đèn dầu. Đó là hồi lớp 6 mình bị tiêu chảy đến hết quần mặc, ba cõng mình trên lưng từ nhà máy xát gạo về nhà. Đó là khi mình thi học sinh giỏi huyện, ba nói “Con người ta có giải tặng này tặng kia, còn con mình mà có giải ba tặng cho một bơ khoai khô mà nấu chè ăn liền”. Phải chăng chính nhờ lời hứa món quà đặc biệt kèm lời khích bác đó mà mình đã đem giải thưởng trở về? Đó là khi mình ra trường, mải miết đi làm để phụ giúp gia đình, không quan tâm chuyện hẹn hò yêu đương, một lần trong cuộc điện thoại, ba chỉ nói một câu: “Coi chừng kẻo trễ đò nghe con.” Một câu nói ngắn thôi, nhưng mình biết nó chất chứa tình thương và bao nhiêu sự trăn trở, lo toan.
Mình biết ơn vô cùng sự có mặt của ba trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời. Có thể ông dành thời gian không nhiều cho con cái, nhưng rõ ràng, ông luôn hiện diện trong cuộc đời của con gái ông – là mình.
Vậy đó, đôi khi chúng ta than phiền rằng chúng ta không có đủ thời gian cho con cái, cho gia đình, cho một mối quan hệ. Nhưng mình nghĩ điều đó không đúng. Thời gian đúng là quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn, mấu chốt hơn đó là sự có mặt: sự có mặt chất lượng. Khi sự hiện diện là đầy đủ, là trọn vẹn cho nhau, thì một khoảng thời gian nhất định trong ngày thôi cũng đủ cho sự kết nối, thấu hiểu và yêu thương. Khi không thực sự có mặt, thì một ngày 24 giờ cũng là mờ nhạt.
Mình chắc rằng ba không hề biết đến khái niệm “thời gian chất lượng” hay “sự có mặt chất lượng” mà mình đang nói đến hay những bài viết hiện nay đang dùng. Chỉ là ông cảm thấy điều gì nên làm, cần làm cho các con của ông, bằng một bản năng làm cha thuần túy.
Còn chúng ta ngày nay, được trang bị thật nhiều kiến thức, thật nhiều lý thuyết, chúng ta hiểu rằng nên làm gì, cần làm gì cho con trẻ. Vậy chúng ta có nên nhìn lại, thời gian mình dành cho con đã thực sự “chất lượng” hay chưa?