top of page

Cách xử lý khi con ăn vạ & ví dụ minh hoạ

Bài đăng của thành viên Bui Phuong trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Khi trẻ có hành vi vùng vằng, khóc lóc, lăn ra sàn,... thì bạn sẽ xử lý ra sao? Yêu cầu con nín ngay? Ngay lập tức đáp ứng yêu cầu để dỗ con nín khóc? Hay là mặc kệ con khóc và buông một câu “thích khóc thì cho khóc, xem khóc được đến bao giờ”?


Chiều nay, mình đưa Shi đi lấy đờm về, liền xách đồ lên phòng tầng 3 như thường lệ, tiện tay xách luôn cả balo của Shi lên. Khi lên đến phòng Shi nhìn thấy mẹ xách balo thì rất tức giận, hét lên:


- Balo của con, con muốn tự xách lên!


Sau đó, Shi vừa khóc to vừa mang balo xuống tầng 1 để xách lên lại từ đầu, nhưng xuống đến nơi lại tiếp tục khóc lóc mà không xách balo lên.


Lúc này con khóc rất to, gào thét, vùng vằng. mẹ không yêu cầu con phải nín ngay, cũng không treo thưởng dụ dỗ để Shi nín, lại càng không bỏ mặc con thích khóc đến bao giờ thì khóc. mẹ chọn cách im lặng, giả vờ phớt lờ nhưng vẫn ở cạnh quan sát con.


Shi vùng vằng, giãy lên, khóc to. mẹ lại gần bảo “Khi nào con bình tĩnh thì mẹ con mình nói chuyện nhé”. Shi đẩy mẹ ra xa. Mẹ hỏi “Shi muốn 1 mình à? Vậy mẹ đi ra chỗ khác nhé”. mẹ vừa quay đi thì Shi lại chạy tới ôm chân mẹ. Lúc này mẹ bế Shi lên vỗ về và nhẹ nhàng bảo Shi hãy bình tĩnh lại. Shi vẫn ôm chặt mẹ khóc nức nở và mẹ cứ vỗ về như vậy khoảng 5 phút thì Shi dịu lại, không còn nức nở gào thét nữa mà chỉ còn nấc lên từng hồi. Lúc này mẹ mới bắt đầu nói chuyện với Shi.


Mẹ: Shi tức giận vì mẹ xách balo của Shi lên phòng à?

Shi: Balo của con, con muốn tự, không đồng ý mẹ giúp

Mẹ: Mẹ xin lỗi vì tự ý xách balo của Shi lên mà chưa hỏi ý Shi nhé!

Shi: Mẹ ơi, con muốn đi lấy đờm lại từ đầu, rồi về nhà tự xách balo lên.

Bất ngờ vì đề nghị của con, nhưng mình vẫn giữ bình tĩnh, lấy chìa khóa mở cổng và bế con ra ngoài đường, vừa đi dạo vừa nói chuyện.

Mẹ: Shi nhìn xem, trời tối rồi này, Shi đói bụng chưa?

Shi: Con đói bụng lắm rồi.

Mẹ: Vậy Ông Hạnh (bác sĩ lấy đờm) cũng thế con ạ, giờ này ông cũng đói bụng và muốn về ăn cơm với cháu của ông.

Shi: Ông ăn cơm với Anh Mít á mẹ?

Mẹ: Ừ đúng rồi con. Giống như Shi cũng thích ngồi ăn cơm cùng cả nhà, cùng ông bà nội ấy.

Shi: Trời tối rồi, ông mặt trời sắp đi ngủ rồi. mẹ tắm cho con để ăn cơm, mai con đi lấy đờm sau cũng được. Ông lấy đờm cho nhiều bạn vất vả lắm mẹ ạ.

Mẹ: Vậy chúng mình lên nhà đi tắm rồi xuống ăn cơm nhé.

Shi: Vâng ạ. mẹ để con tự cất giày và xách balo mẹ nhé.

Mẹ: Nhất trí con yêu!


Rất nhiều gia đình không giữ được bình tĩnh trước tiếng khóc của con, tìm mọi cách khiến con nín khóc. Dụ dỗ đồ chơi, doạ nạt ông ba bị, chú công an, thậm chí doạ còn khóc thì mẹ không yêu nữa….


Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, tất cả những câu cấm đoán, ra lệnh hay doạ nạt đó chỉ làm tăng cảm giác khó chịu trong con. con sẽ càng ngang bướng, khó bảo, cảm thấy mất an toàn và có xu hướng bạo lực. Tính cách này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hành vi ứng xử của con với người khác.


Còn nếu bạn đáp ứng ngay yêu cầu của con khi con khóc lóc mè nheo, thì bạn đã vô tình truyền đi thông điệp “cứ khóc thật to là sẽ đạt được mục đích”.


Với mình, cách tốt nhất là im lặng ở bên con. Tạo cho con cảm giác yên tâm và an toàn, dù thế nào cũng luôn có mẹ ở bên. Chờ đợi cho cơn tức giận qua đi. Và lúc đó mình sẽ cùng con gọi tên cảm xúc và cùng tìm cách tháo gỡ khúc mắc của con.


Hi vọng rằng câu chuyện trên đây đã giúp bạn rút ra cách đối mặt với mỗi lần con ăn vạ. Đôi khi khóc lóc đơn giản chỉ là một cách để con giải tỏa cảm xúc. Hãy giữ bình tĩnh để là người hướng dẫn giúp con vượt qua cơn khủng hoảng.


64 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page