top of page

NÓI GÌ KHI CON CẢM THẤY SỢ

Đã cập nhật: 2 thg 2

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Một buổi tối trước khi ngủ, con trai lớn của tôi nói:

- Mẹ ơi, con thấy sợ lắm.

- Con sợ chuyện gì thế?

- Con sợ con búp bê môi đỏ trong phim Câu chuyện đồ chơi, rồi cả đoạn chiếc xe đẩy bị đổ, lúc có người lật nó lên thì có một con búp bê lùn ở trong đó, trông ghê lắm!

- Ừ, nghĩ lại thấy ghê đúng không. Mẹ cũng cảm thấy hơi ghê.

- Con sợ lắm, đầu con chỉ toàn là hình ảnh của con búp bê đấy thôi.

- Vậy à. Con có biết lúc sợ mẹ thường làm gì không?

- Không, mẹ làm gì?

- Mẹ hay ngồi lại hít thở sâu một lúc để bình tĩnh.

- Con hít đây này….. mà chả thấy gì, con càng thấy sợ hơn.

- Hmmm, có lẽ con nên tìm cách khác chăng?

- Cách của con là trùm chăn kín lại đi, mà thế thì ngạt thở mất.

- Ý mẹ là con tìm cách nào khác để khiến con bình tĩnh được mà vẫn đối diện với cái sợ của con ấy.

- (Cười to) đối diện với cái sợ á?

- Ừ, nếu con trùm chăn lại thấy đỡ hơn thì cứ làm nhưng mẹ thấy sau đó mình vẫn cần dũng cảm nhìn vào nỗi sợ kia xem nó là gì, ở đâu ra, sao lại khiến mình sợ thế.

- Thôi con đắp chăn là được rồi.

- Ừ con thấy thế nào thoải mái cho mình thì con làm nhé.


Thế rồi con chìm vào giấc ngủ, không nói gì thêm tới nỗi sợ và không nói về nỗi sợ đó lần thứ 2.


Đây không phải lần đầu con nói về nỗi sợ của bản thân. Con sợ rất nhiều thứ: sợ chó, sợ mèo, sợ trộm, sợ quái vật, sợ ma, v.v..


Mình cũng từng có lần mất kiên nhẫn mà khó chịu với con rồi nói rằng: Có cái gì đâu mà sợ!


Khi hiểu sâu sắc rằng nỗi sợ, cũng là một dạng cảm xúc và biết cách xử lý nỗi sợ cho bản thân, mình không bao giờ nói với con như thế nữa. Đối với bất kỳ loại cảm xúc nào, dù xuất hiện bên trong chúng ta hay từ người khác, điều đầu tiên không phải là phủ nhận nó:


- Không sao đâu mà….

- Có gì đâu, chuyện nhỏ mà…

- Sợ gì chứ,...


Những câu đó mình có thể nói, nhưng hãy nói với bản thân và người khác khi nỗi sợ đã qua đi, cùng nhau nhìn lại nó để hiểu về nó.


Nỗi sợ của một đứa trẻ sơ sinh, 2 tuổi, 4 tuổi, 7 tuổi hay của một người lớn trưởng thành 30 tuổi hay 70 tuổi thì cơ chế đều giống nhau - cảm thấy bị đe dọa, mất an toàn về thể chất, tinh thần, tình cảm.


Khi con nói với chúng ta rằng: Con sợ… Cách tốt nhất để giúp con là ghi nhận và chia sẻ nỗi sợ đó với con, áp dụng cho mọi lứa tuổi:


- Con sợ à, mẹ nắm tay con nhé.

- Ừ, mẹ hiểu, ngày nhỏ mẹ cũng có nỗi sợ đó.

- Con thấy ... nên con sợ đúng không.

- Con đang sợ, ra đây mẹ ôm nhé.


Hãy nghĩ lại những lần mình sợ, mình đã thế nào, mình cần gì nhất, mình vượt qua nó ra sao. Khi hiểu cặn kẽ điều đó, mình sẽ biết cách giúp con và người khác.


Khi con có bất kỳ nỗi sợ nào xuất hiện, điều đầu tiên con cần là sự giúp đỡ từ bố mẹ, con không cần phân tích hay giải thích về sự vật, hiện tượng khiến con sợ kia. Nếu có, hãy làm việc đó khi nỗi sợ đã qua đi.

164 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page