Làm gì khi con sợ đi học?
Bài đăng của thành viên Hoàng Ngọc trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Phải chờ đến tận hôm nay là kết thúc tuần học thứ 2 của Tin, mình mới dám viết bài chia sẻ kinh nghiệm cùng mọi người. Bài viết có 2 nội dung chính, nhưng chuyện để nói thì nhiều.
1. Tình trạng của em bé sợ đi học
Chuyện là bạn Tin nhà mình bắt đầu đi học trở lại sau 4 tháng rưỡi nghỉ Tết + nghỉ dịch, một khoảng thời gian khá dài đủ để khiến cho con bị mất nếp. So với giai đoạn 18 tháng rưỡi mình cho đi lớp, giờ con đã biết nhiều hơn, nên sự phản kháng cũng rõ rệt hơn.
Nguyên tuần đầu tiên đi học (từ ngày 1-5/6/2020), trừ ngày đầu tiên không khóc lóc bám mẹ, những ngày tiếp theo mức độ phản kháng của con tăng lên mạnh mẽ và ngày càng khó kiểm soát, khiến hành trình đưa con đến lớp của mình gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà mình ở CT7, con học ở CT8 là khu chung cư cách đó vài trăm mét. Thay vì đi theo con đường tắt qua công viên mẹ vẫn hay dẫn con đi học, con kéo mẹ đi ngoằn ngoèo khắp công viên CT7, rồi phản kháng không chịu đi lên sân khu CT8 để vào lớp học.
Sáng ngủ dậy mở mắt ra là con rủ rỉ luôn: “Mẹ ơi con không đi cô giáo đâu”; “Con ở nhà với mẹ”; “Con đi về ông ngoại”; “Con đi chơi với mẹ chứ!”. Đi học về con rất dễ cáu kỉnh, hay đánh chú, đánh bà nội, hay khóc nhè làm nũng mẹ. Đêm nằm ngủ còn nói mớ khóc lóc ỉ ôi, lăn qua vật lại: “Không cho, không cho, không ăn đâu”, “Mẹ ơi, mẹ cứu con”. Điều này rất hiếm thấy, vì từ bé con đã có nếp ngủ rất ngoan.
Đưa con vào đến lớp là con khóc lóc và ôm mẹ chặt cứng, đòi đi về cùng mẹ, nhất định phải ngồi gọn và úp mặt vào lòng mẹ khóc lóc nỉ non.
Con sợ đi học đến nỗi sợ luôn tất cả những gì nằm trên trục đường dẫn đến trường, dù trước kia con rất thích được cùng mẹ đi dạo công viên. Hai ngày cuối tuần con được nghỉ học, mình dẫn con đi tới quán bún trong nội khu để ăn sáng thôi mà con cũng ỉ ôi vật vã, kéo mẹ đi ngược về hoặc dẫn mẹ sang những con đường khác, chỉ vì sợ rằng mẹ sẽ bắt con đi học.
Mình quyết định xin cho con tạm nghỉ một hôm để có thêm thời gian làm công tác tư tưởng với con và thống nhất lại quan điểm với nhà trường.
Đọc đến đây có lẽ sẽ không ít người vội kết luận rằng mình cho con nghỉ học là sai lầm, càng khiến con khó làm quen trường lớp hơn.
Nhưng thực ra không phải như vậy. Tuần học thứ 2 của con thay đổi một cách ngoạn mục. Muốn biết mình làm gì để tạo dựng lại tình yêu với trường lớp cho con, mời bạn cùng đọc phần 2 nhé!
2. Hành động của mẹ
Đầu tiên, mình xác định rõ ràng: Để có thể khiến con vui vẻ đi học, sẽ cần đến sự phối hợp của cả gia đình lẫn nhà trường, mà ở đây chủ yếu là từ các cô giáo phụ trách lớp. Nếu chỉ có một mình mình cố gắng làm công tác tư tưởng cho con, cả ngày ra rả nói với con rằng đi học có bạn bè chơi cùng vui lắm, có thầy cô dạy con học múa học hát vui lắm, mà bản thân con không thực sự cảm nhận được tình yêu từ phía các cô, bản thân con không cảm thấy an toàn, hay con mất niềm tin vào mẹ vì mẹ lẩn tránh con để bỏ về nhà, thì con vẫn sẽ sợ hãi và tiếp tục phản kháng mạnh mẽ chuyện đi học.
Xác định rõ hướng đi rồi, hành động cụ thể của mình như sau.
Tuần học đầu tiên (lúc chưa xin cho con nghỉ học 1 ngày làm tư tưởng):
Mình không trốn con, luôn thẳng thắn với con và cùng con đối mặt với việc đi học.
Thông thường với những em bé phản kháng mạnh mẽ như Tin, sẽ có những bố mẹ chọn cách “cưỡng chế” con vào lớp bằng được, rồi nhờ cô giáo đánh lạc hướng con để bố mẹ nhanh nhanh chóng chóng TRỐN khỏi tầm mắt em bé. Cũng có những bố/mẹ lựa chọn cách cho con xem điện thoại dọc đường đến trường để con tập trung vào màn hình quên đi chuyện phản kháng, tặc lưỡi chỉ 5-10 phút thôi cho yên ổn vui vẻ cả đôi bên.
Mình không lựa chọn như vậy. Ngày đầu tiên đưa con đến lớp, con chỉ hơi xúc động một chút nhưng không khóc lóc đòi mẹ, mình ôm con, thơm má con và hứa chiều mẹ sẽ đến đón con trước khi trao con cho cô giáo và rời đi.
Những ngày tiếp theo khi vào lớp học, con phản kháng mạnh mẽ hơn, đu bám mẹ, ôm chặt lấy mẹ, đòi mẹ ở lại cùng với con. Mình chọn ở lại trấn an con, thủ thỉ trò chuyện chờ con bình tĩnh lại rồi mới trao con cho cô. Đương nhiên vẫn không quên ôm hôn con và hứa chiều mẹ đến đón. Và mình luôn giữ đúng lời hứa.
Cô giáo phụ trách lớp Tin có chút không thoải mái vì mình không trốn đi như những phụ huynh khác mà chọn ở lại cùng con. Mình biết điều đó, nhưng vì những ngày sau con vẫn phản kháng mạnh mẽ và đu mẹ quá chặt, mình vẫn tiếp tục trấn an con trước khi về.
Kết thúc tuần học đầu tiên nhiều nước mắt và sự phản kháng, cũng như thiếu sự đồng cảm từ hai phía phụ huynh học sinh và phía nhà trường.
Tuần học thứ hai:
Mình trao đổi kỹ càng hơn với cô hiệu trưởng về phương án cải thiện tình trạng sợ đi học của con; làm công tác tư tưởng cho con, cho con lý do để yêu trường lớp.
a. Nhờ cậy phía nhà trường
Ngay khi mình xin cho Tin nghỉ 1 ngày vì sợ đi học, cô hiệu trưởng (HT) trường Tin đã chủ động inbox trao đổi riêng với mình. Và mình cũng không bất ngờ, khi cô mào đầu ngay bằng chuyện: “Nghe cô ABC chia sẻ rằng thời gian này Tin đi lớp mẹ thường ôm và nói chuyện với Tin sau đó mới đi…”
Rất may cho mình vì cô HT trường Tin là một người rất thiện chí và cầu thị, nên mình cũng dễ dàng trao đổi và phân tích cho cô hiểu hơn về những biến động tâm sinh lý mà con đang phải trải qua, cũng như lý do dẫn đến quyết định của mình.
Thứ nhất, mình không ở lại với Tin vì nhu cầu của cá nhân mình, mà SỰ PHẢN KHÁNG của con có trước rồi mới cần tới SỰ XOA DỊU của mẹ.
Hành vi khóc lóc phản kháng của con chỉ là bề nổi của một tảng băng, và nó xuất hiện khi những nhu cầu ẩn của con không được đáp ứng:
Nhu cầu cần được quan tâm - ôm ấp – yêu thương
Nhu cầu được hòa nhập
Cảm giác an toàn - yên tâm – tin tưởng
Nhu cầu về nhận thức
Sự tự tin thể hiện mình v.v…
(Bạn có thể học về Tháp nhu cầu Maslow để hiểu điều này)
Cô HT đồng ý để mình tiếp tục thực hiện giao kèo giữa hai mẹ con, tiếp tục ôm ấp chào tạm biệt và hứa chiều đón con trước khi giao con lại cho các cô.
Thứ hai, bạn Tin nhà mình thì không phải là em bé cần có mẹ 24/24.
Mình đã từng cho con về quê chơi cùng bố và bà nội dịp 30/4-1/5 hẳn 3 ngày mà không có mẹ, nhưng con vẫn ngoan ngoãn ăn ngoan, ngủ ngoan, chơi vui và không khóc đòi mẹ tí nào. Thì vấn đề ở đây chỉ có thể là, trường lớp chưa tạo được cho con cảm giác yêu thương và an toàn.
Cô HT đã trao đổi lại với các cô giáo để thể hiện tình yêu và sự quan tâm tới con rõ ràng hơn trước, giúp con dễ hòa nhập với trường lớp hơn và thích đi học hơn.
Thứ 3, bạn Tin thích những không gian mở chứ không thích không gian khép kín và bó hẹp như trường lớp.
Bạn ấy có thể đi bộ thể dục với bố mẹ 4-5km mà không biết mệt mỏi, không đòi bế, rất thích khám phá những gì thuộc về thiên nhiên như bông hoa, bươm bướm, tiếng chim hót, ve kêu, những cơn gió mát v.v
Những điều trên thì con đường đến trường của con đều đáp ứng được cả, nhưng không gian lớp học thì còn hạn chế.
Cô HT đưa ra phương án sẽ cải tiến chương trình hoạt động ngoài trời để các con có nhiều thời gian gần gũi với thiên nhiên hơn, được vui chơi trong không gian thoáng đãng hơn.
Ngoài ra, mình cũng chia sẻ với cô HT về việc Tin đi học về có lần ị trong bỉm nhưng mẹ hỏi thì lại giấu diếm và chối bỏ, gắt lên với mẹ rằng “Không phải! Tin không ị thối”, không cho mẹ kiểm tra bỉm.
Hai ngày cuối tuần khi mẹ thể hiện rõ sự vô tư rằng ị đùn hay tè dầm là chuyện vô cùng nhẹ nhàng không có gì nghiêm trọng, ai cũng có thể gặp phải, thì bạn không còn bị áp lực nữa. Bạn đã chủ động gọi bố, gọi mẹ cho đi vệ sinh. Thỉnh thoảng bạn vẫn còn tè dầm và ị rớt lung tung, nhưng cũng chẳng quan trọng. Quan trọng nhất với mình là khôi phục lại sự tự tin cho con.
Cô HT cũng đã quán triệt các cô cần thật nhẹ nhàng với các con khi các bạn chưa xử lý được chuyện ị tè gọn gàng.
Vậy là xong phần nhờ cậy phía nhà trường hỗ trợ. Giờ là đến phần việc của hai mẹ con.
---
b. Làm công tác tư tưởng cho con, khích lệ động viên con, cho con lý do để yêu trường lớp
Làm công tác tư tưởng
Ngày nghỉ để làm công tác tư tưởng (ngày 8/6), mình có hỏi Tin lý do tại sao con không muốn đi học. Tin chỉ nói: “Con không đi cô giáo đâu. Con ở nhà mẹ yêu!”.
Mình rủ rỉ với con rằng cô và các bạn cũng yêu con, cũng nhớ con lắm. Rồi mình cho con xem những ảnh chụp màn hình camera ở lớp con mà mình vẫn hay quan sát và chụp lại, những khoảnh khắc con chơi đùa cùng bạn, con học cùng thầy cô, con ngủ cùng các bạn, chơi trò nhận diện xem ai là ai…
Rồi mình đưa con đến cửa hàng Sách & Văn phòng phẩm, mua cho con một tập Sticker mặt cười mà con rất thích để thưởng cho con và mang lên lớp tặng cho các bạn.
Sáng hôm sau – ngày 9/6, mình chuẩn bị cho con đi học như bình thường.
Bà nội sợ con không chịu, liền nói dối rằng “mẹ đưa con đi chơi đấy”, nhưng mình vẫn thẳng thắn sửa lại luôn rằng “không phải đâu, mẹ cho Tin đi học đấy!”. Mình cho Tin cầm tập Sticker, tặng cho Tin 1 chiếc dán vào tay, và hào hứng nói về chuyện con có thể tặng Sticker cho các bạn khi lên lớp.
Trên đường đi, mình nắm tay con dung dăng dung dẻ, hát những bài đồng dao vui nhộn. Con bắt đầu tỏ ra không thoải mái khi đi đến gần công viên, nhưng mình thu hút sự chú ý của con vào một bông hoa bạch thiên hương bé xinh bị gió cuốn bay bay trên đường, bằng những bạn bươm bướm xinh đẹp bay dập dờn, tiếng chim hót và tiếng ve kêu râm ran trong vòm lá cây, những bông hoa phượng nở đỏ rực rỡ...
Con hợp tác đi lên đến sân CT8 thì bắt đầu muốn kéo mẹ đi ngược về. Mình đổi qua rủ con chơi trò hai cái bóng lúc lắc. Nắng soi bóng hai mẹ con đổ trên sân, mình chỉ cho Tin thấy hai cái bóng và mẹ con thi nhau lắc qua lắc lại. Con cười khúc khích rất vui, dứt cơn cười thì đã vào đến cửa lớp rồi.
Con có hơi xúc động, phản ứng tự nhiên là ôm mẹ và đòi ngồi vào lòng mẹ. Lúc này là lúc Sticker phát huy tác dụng. Mình gợi ý con tặng Sticker cho cô và các bạn, sau đó ôm hôn chào tạm biệt con và hứa chiều mẹ đến đón. Có tấm Sticker, bạn và cô xung quanh, con không mè nheo mẹ nữa.
Khích lệ con, cho con lý do để yêu trường lớp
Người ta vẫn nói rằng đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi với ai. Đối với trẻ con đi học thì điều không thể thiếu chính là bạn thân.
Mình quan sát thấy ở lớp, Tin rất thích chơi đùa với bạn T. – một bạn trai hơn Tin 2 tháng tuổi, rất dễ thương và điềm đạm. Tin thường xuyên nô đùa với bạn, lúc thì cùng nhau chơi trò đẩy ghế, lúc thì cùng bò bằng đầu gối như 2 chú cún con, lúc thì chụm đầu rì rầm nói chuyện. Mình quan sát kỹ càng qua Camera và thường chụp lại những khoảnh khắc ấy, để dành cho con xem để củng cố tình yêu bạn yêu lớp của con.
Chiều ngày 9/6 mình đến đón con, con rất vui vẻ hoạt bát. Tình cờ mẹ T. cũng đến đón T. trùng giờ, thế là hai mẹ cho 2 bạn nhỏ nắm tay nhau dung dăng dung dẻ từ trường về đến tận nhà. Hai bạn nói chuyện ríu rít bằng ngôn ngữ của các bạn bé 2 tuổi ai nhìn cũng yêu, rồi cùng nắm tay nhau chạy tung tăng đi chơi nữa.
Sáng ngày 10/6, con đã vui vẻ đi lên lớp cùng với mẹ mà không phản kháng chút nào.
Trên đường đi, hai mẹ con vẫn vui vẻ tận hưởng thiên nhiên. Mẹ nhặt được 1 chiếc lá cụp 2 cánh trông như chú bướm thật xinh để con mang lên lớp khoe cô giáo. Con rất thích chiếc-lá-bươm-bướm, và chủ động nói cô cho đi chơi nhà bóng khi mẹ chào tạm biệt con để đi về.
Tối ngày 10/6, mình cho Tin xem lại những bức hình mình chụp Tin chơi cùng bạn T. và cả video ngày hôm trước. Tin thích lắm, chạy ù vào nhà lấy ra 1 chiếc Sticker và bảo mẹ: “Của T. đấy!”.
Mình bảo Tin “Con cất đi rồi đi ngủ, mai mình tặng cho bạn nhé!” thì Tin vào giường nằm rồi bật nói: “Tin đi học các bạn vui lắm!”. Mặc dù con mới chỉ biết lặp lại lời mẹ lúc làm công tác tư tưởng cho con thôi, nhưng có vẻ trái tim non nớt của em bé đã cảm nhận được rằng đi học có bạn có bè vui thật.
Sáng ngày 11/6, con chủ động đòi đi lớp để gặp T.: “Đi học không T. về mất đấy!”.
Mình vẫn mang theo Sticker trong balo để con tặng cho bạn như đã hứa.
Sau cơn mưa, ở công viên có những cành hoa phượng nhỏ rụng xuống. Mình hái cho con 2 bông. Con hớn hở cầm mỗi tay một bông hoa xinh, đến lớp tặng cho cô giáo và bạn.
Chiều mình đến đón, thấy con bị bạn C. cắn cho một miếng in nguyên dấu vết 2 hàm răng trên má, ngay gần chỗ mắt. Mình có hơi lo ngại rằng con sẽ sợ việc đi lớp mặc dù con vẫn rất vui vẻ hớn hở. Nên cẩn tắc vô áy náy, mình mua cho con một hộp thổi bong bóng xà phòng xinh xinh.
Hai mẹ con vừa túc tắc đi, vừa nhờ những cơn gió mát rượi trên sân thổi bong bóng tung bay khắp nơi. Con rất là vui vẻ. Về nhà mình cũng dặn người lớn không được hỏi han hay tỏ thái độ gì nghiêm trọng về vết cắn trên mặt con.
Sáng ngày 12/6 tức là hôm nay, hai mẹ con lại vui vẻ đến trường.
Mình cho con khoác ngoài chiếc áo choàng cô tặng, mang thêm 1 chiếc bánh gạo con yêu thích (con có xin mẹ bóc bánh từ tối qua, nhưng mẹ dặn để dành đến sáng hôm nay cho con mang đi lớp). Con vui tung tăng đi trước dẫn lối cho mẹ, khác hẳn những ngày đầu
---
Vậy là kết thúc tuần học thứ 2 của Tin, mình đã thành công trong việc giúp con “yêu lại lớp mầm”, nhờ vào nỗ lực của hai mẹ con cũng như sự hỗ trợ rất đắc lực từ phía nhà trường. Hai mẹ con vẫn duy trì được thói quen ôm hôn chào tạm biệt nhau trước khi chia tay mà không cần thay đổi. Chỉ khác là con đã không còn sợ sệt bám rít lấy mẹ như trước nữa, mà chủ động rời tay mẹ để bước tới vòng tay của cô giáo. Thật không còn gì vui hơn.
Trên đây là những kinh nghiệm của cá nhân mình trong việc củng cố tình yêu và niềm tin ở em bé đối với thầy cô giáo và lớp học. Viết thì dài, nhưng tóm gọn lại thì chỉ có vài nguyên tắc:
Luôn quan sát con kỹ càng, hiểu được những nhu cầu cần được đáp ứng ẩn sau những biểu hiện, hành vi, sự phản kháng của con.
Không trốn tránh con, luôn chào tạm biệt con trước khi rời đi và hứa sẽ trở lại đón con khi hết buổi học. Và giữ đúng lời hứa đó.
Không nói dối con. Đưa đi học thì nói là đưa đi học, đưa đi chơi thì nói là đưa đi chơi.
Có sự trao đổi kỹ lưỡng giữa phụ huynh & nhà trường để cùng đưa ra phương án hợp lý, giúp củng cố và tạo dựng tình yêu, lòng tin giữa con trẻ với trường lớp thầy cô.
Giúp con tận hưởng những niềm vui ngay từ trên đường đi học, khích lệ con sau mỗi ngày đi học chăm ngoan bằng những nụ hôn, những cái ôm, những buổi trò chuyện hỏi han về trường lớp, hoặc những món quà nho nhỏ mà con thích (ví dụ như với bạn Tin là Sticker và bong bóng xà phòng.)
Giúp con dễ dàng hòa nhập và làm quen với các bạn ở lớp, kết thân với các bạn bằng cách chuẩn bị cho con những món quà nhỏ có thể sẻ chia được như miếng dán Sticker, bánh gạo, kẹo ngọt…
Nếu được hãy lựa giờ đón con trùng với giờ mà bố/mẹ của bạn thân con cũng đi đón. Các bạn có thể cùng nhau nô đùa vui vẻ thêm một chút trước khi tạm biệt, ai về nhà nấy.
Lưu giữ thật nhiều những hình ảnh về trường lớp, thầy cô, bạn bè, để nhắc con mỗi ngày trước giờ đi ngủ về những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc khi sáng mai được đến lớp.
Biến mỗi ngày đi học của con thành một ngày vui, khởi đầu bằng những bất ngờ nho nhỏ như 1 chiếc mũ mới, một chiếc áo choàng mới, một cơn gió mát, một cánh bướm bay, một bông hoa đẹp, một chiếc lá vàng, một tiếng chim kêu…
Vậy thôi, chúc các mẹ cho bé đến trường thật vui vẻ!