top of page

CÁCH TĂNG KẾT NỐI GIỮA CON LỚN VỚI EM BÉ KHI EM VẪN CÒN TRONG BỤNG MẸ

Bài đăng của thành viên Tu Anh Hoang trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.

Nếu bạn đang có từ một đứa con trở lên, và bạn đang mang trong mình một em bé nữa và bạn lo lắng rằng con lớn sẽ “không thích” em, thậm chí “ghét” em, không chấp nhận em, có cảm giác bỏ rơi, “ra rìa”,… thì bài viết này dành cho bạn.


Có thêm con sẽ là thách thức về tâm lý, sức khỏe, tài chính, mối quan hệ, thói quen sinh hoạt của cả gia đình nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.

Chuẩn bị trước tâm lý cho con lớn sẽ tránh được các khủng hoảng, các thay đổi đột ngột hoặc các tổn thương không đáng có của con lớn. Chính vì vậy, quá trình "rào trước" này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Có thể sẽ có những việc mà bạn đã và đang thực hiện rồi, song bài viết này sẽ tổng hợp lại chi tiết và hệ thống hơn, giúp bạn không bỏ sót một hoạt động nào. Ngoài ra, luôn giữ tâm lý thoải mái để kết nối giữa các con và cũng là để kết nối cả bố mẹ nữa sẽ tự nhiên và có ý nghĩa hơn.


Dưới đây là 20 việc cần làm để kết nối các con ngay từ khi mẹ còn đang mang bầu, cũng là toàn bộ những việc mình đã thực hành khi bắt đầu biết tin mang bầu em Dứa, lúc ấy Cam 8 tháng. Ngay lần đầu tiên gặp em trong viện, Cam đã không còn ra xoa bụng mẹ, chào “em bụng” nữa mà ngay lập tức đến bên Dứa, gọi em ơi, thơm em, xoa đầu em. Đây là một quá trình dài hơn, ít nhất là 9 tháng 10 ngày, thậm chí có thể dài hơi hơn, nếu bạn muốn nói với con trước cả khi bạn có kế hoạch sinh thêm em (với các bạn đã lớn).


1. Thông báo cho con biết: Bố mẹ dự định có thêm em hoặc đã có em.


2. Nói với con: Con có thêm một (hoặc một vài) người em. Nhấn mạnh sự kết nối với con thông qua cụm từ “em bé của con”, “em bé của gia đình mình” đang trốn trọng bụng mẹ.


3. Tạo các kết nối hàng ngày với con, giống như việc thai giáo vậy.

  • Nói chuyện đồng thời với cả anh/chị - em ngoài những lúc chỉ nói chuyện với bé lớn hoặc chỉ bé nhỏ, cố gắng liên kết các con trong các câu chuyện càng nhiều càng tốt. Có thể nói : “Em hỏi ngày hôm nay của con thế nào đó?” hoặc “Con dịch giúp mẹ em bé đang nói gì vậy?”

  • Đọc sách cho các con cùng nghe trước khi đi ngủ

  • Hát, kể chuyện cho các con, có thể tạo ra các mẩu chuyện có các nhân vật là các con

  • Trong lúc hát, kể chuyện có thể xoa đầu bé lớn, đặt tay con lên bụng mẹ để xoa đầu em nhỏ (không áp dụng cho các tuần đầu thai kỳ để tránh kích thích tử cung)

  • Cùng theo dõi sự chuyển động của em bé trong bụng mẹ, xem em bé đạp, bàn chân em bé,… (các tháng cuối thai kỳ)….

4. Cho con cùng đi khám thai với bố mẹ. Bé lớn và bố có thể nhìn thấy hình ảnh em bé chuyển động trên màn hình siêu âm rồi cả nhà cùng nhau xem ảnh siêu âm để con hình dung ra em bé trông như thế nào.


5. Để con cùng tham gia vào việc đặt tên ở nhà cho em, con sẽ thấy em bé gần gũi với mình hơn thông qua một cái tên yêu thích.


6. Thể hiện em bé là một thực thể sống, hữu hình và giúp con làm quen dần với việc có em.

Có thể mua cho con một bạn búp bê, nói đây là bạn của em bé trong bụng. Chúng ta cùng chăm sóc cho em búp bê, rồi sau này khi em bé ra đời, con sẽ chăm sóc em như vậy.


7. Lúc mẹ nghén, mẹ mệt, hãy tâm sự thật lòng với con: “Có những lúc mẹ mệt, em mệt, cần nghỉ ngơi, mẹ sẽ xin phép con nghỉ một thời gian ngắn để lấy sức, con sẽ chơi với bố nhé. Mẹ vẫn luôn yêu con”.


Hoặc những lúc bạn bận, không thể quan tâm con toàn bộ sức lực, thời gian như trước đây, hãy giải thích để con không hiểu nhầm là mẹ có em nên mẹ bỏ rơi mình. Đừng bao giờ nói là “Con không thấy mẹ đang mệt chết đi đây à. Mẹ mang bầu em mệt lắm đấy, con đừng làm mẹ mệt thêm nữa”. Rất có thể con sẽ ghét em thêm vì nghĩ là có em làm mẹ mệt thêm, rồi làm mẹ bực cả mình nữa.


8. Khi bụng to, bạn không thể bế con đứng như trước, hãy giải thích với con điều đó, và thay thế bằng việc bế ngồi, ôm ấp, cưng nựng con càng nhiều càng tốt.


9. Để con tham gia cùng vào các hoạt động chuẩn bị chào đón em bé chào đời.

Trong lúc chờ em ra đời, chúng mình cùng nhau chọn đồ xem, con có món đồ nào muốn cho em, quần áo nào có thể cho em, đồ chơi nào cho em, cùng đi mua đồ, chọn đồ cho em (đừng quên mua cho con một món đồ nho nhỏ gì đó để con không cảm thấy tủi thân vì em được mua nhiều đồ còn mình thì không), rủ con giặt đồ, phơi đồ cho em, đóng cũi, trang trí góc chào đón em, con sẽ nằm góc nào, em nằm góc nào,…


10. Trả lời các thắc mắc của con một cách đơn giản (với các bé nhỏ) và rõ ràng, khoa học hơn


(với các bé lớn, đã hiểu về cách hình thành em bé, giới tính,..): *“*Em bé đang trong bụng mẹ, ở một vị trí đặc biệt gọi là tử cung. Em được kết nối với mẹ qua một cái dây gọi là dây rốn, để chuyển thức ăn, chất dinh dưỡng cho em,… Em bé đang lớn dần lên, tuần trước em bằng quả nho, tuần này em đã bằng quả cam rồi nè, … Bụng mẹ cũng to lên rồi nè, vòng bụng của mẹ tăng lên từ … lên … rồi nè (chỉ cho con thấy trên thước dây)…”


11. Nếu con chưa thể chấp nhận ngay việc có thêm một người em, bạn hãy hít thở sâu bởi điều đó cũng là một điều bình thường thôi, không phải chỉ con bạn mới như vậy đâu.

Điều bạn cần làm là bình tĩnh, lắng nghe suy nghĩ của con, nhẹ nhàng tâm sự với con: “Có vẻ như con đang lo lắng về việc có em. Nhưng con yên tâm, bố mẹ có thêm em bé không có nghĩa tình yêu của bố mẹ bị chia ra cho con với em mà tình yêu của bố mẹ sẽ nhân lên gấp đôi, cho con và cho em. Dù bố mẹ có thêm bao nhiêu em đi chăng nữa, con mãi mãi là tên con_Cam độc nhất của bố mẹ. Bố mẹ vẫn luôn luôn quan tâm, yêu thương con. Nếu con có điều gì băn khoăn, lo lắng hay con đang cảm thấy như thế nào, con nói cho bố mẹ biết để bố mẹ giúp con nhé con yêu”.


12. Điều quan trọng mà mình vẫn nhắc với các bố mẹ là: Lặp đi lặp đi nhiều lần, khẳng định “bố mẹ mãi yêu con, vô điều kiện, dù cho chuyện gì xảy ra”.


13. Nếu có bất kỳ ai nói, nhắc đến cụm từ “Con ra rìa” hãy nói thẳng với họ, điều đó sẽ tổn thương đến trẻ. Và nhắc lại với con điều 11,12.


14. Đôi khi, nhà chúng ta vẫn chưa có gì thay đổi, khi em bé chưa ra đời. Đừng cái gì cũng em bé. Có thể có lúc nào đó, con chưa cảm nhận được hoặc quên đi sự có mặt của thai nhi cũng là điều bình thường.


15. Nếu hai con quá gần nhau, mẹ mang thai bé sau khi bé lớn còn chưa cai sữa **(giống như Cam – Dứa nhà mình), có một điều quan trọng mà bạn cần tìm hiểu: Nuôi bú song song hay cai sữa?


Đây sẽ là một vấn đề cần cân nhắc đến nhiều yếu tố: Sức khỏe của mẹ, lượng sữa của mẹ, niềm tin của mẹ,… Cá nhân mình sau khi nghe tư vấn của các bác sĩ sữa mẹ thì có ý định nuôi bú song song, tuy nhiên trên thực tế, lượng sữa của mình cũng giảm rõ rệt (tự nhiên) và mình cũng không đủ sức khỏe để hút sữa, cho con bú thêm nên mình tập cho con uống sữa công thức và cai dần.

Song Cam ban đầu không hợp tác sữa công thức và có tiền sử dị ứng nên mình phải test sữa cho con và pha chung với sữa mẹ, lượng tăng dần lên để con làm quen. Và mình cũng nhắc lại, đây là một vấn đề tùy thuộc nhiều yếu tố, các quyết định cũng sẽ mang tính cá nhân tuy nhiên, dù bạn nuôi con sữa mẹ hay sữa công thức, hãy cứ thoải mái với quyết định của mình. Bạn luôn yêu con. Sữa mẹ được khuyến cáo và khuyên cho con bú đến 2 tuổi, song nếu bạn không đủ điều kiện đảm bảo điều đó, cũng chẳng sao cả, đừng vì không thể cho con bú lâu hơn mà tự dằn vặt, tự trách mình hoặc cố gắng một cách quá sức.


16. Ngoài ra, vấn đề ngủ cho bé lớn cũng cần được chú ý: Bạn sẽ để con ngủ riêng phòng, hay chung phòng – riêng giường/cũi, hay chung giường?

Điều này sẽ hoàn toàn phù thuộc vào gia đình bạn. Song nếu ngủ chung, hãy chú ý đến an toàn ngủ cho trẻ sơ sinh. Nếu bây giờ mới bắt đầu tách ngủ riêng, hãy chú ý chuyển giao từ từ, bình tĩnh, không ép trẻ ngay. Nếu con sẽ chuyển từ ngủ với bố mẹ sang ngủ với ông/bà hoặc anh chị, cũng cần nói chuyện, giới thiệu với con và để con chuyển dần dần.


17. Bố đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm nhạy cảm này.

Bố và mẹ cần đồng hành cùng nhau trong việc kết nối các con cũng như cả gia đình với nhau. Đặc biệt trong những giai đoạn đầu, khi mẹ nghén mệt và giai đoạn cuối thai kỳ, khi thai đã lớn dần lên, mẹ không thể bế con nhiều thì bố tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hàng ngày của con như ăn, ngủ, nghỉ, chơi, tâm sự,.. để giảm thiểu các áp lực tâm lý cũng như sức khỏe cho mẹ.


18. Tìm và liên hệ người hỗ trợ nếu cần, trường hợp sau khi sinh em bé, em bé sẽ chuyển sang sinh hoạt với ông bà hoặc giúp việc (dù là bất kỳ công đoạn nào trong việc ăn – ngủ - chơi ) cũng cần thông báo và cho con thời gian làm quen.


19. Lúc chuẩn bị đến thời gian sinh em bé, thường xuyên tâm sự với bé lớn: “Mẹ sắp đi đón em ra chơi với con rồi. Mấy hôm nữa, mẹ sẽ vào viện trước để đón em. Con đi học, ở nhà với bố/ông bà. Khi nào em chào đời thì con vào viện cùng mẹ đón em về nhé”.


20. Đến ngày đi sinh theo lịch, nhớ thông báo cho con: *“Hôm nay, mẹ sẽ sinh em bé”. *Nếu bố là người thông báo trong trường hợp mẹ trở dạ nhanh hoặc mổ cấp cứu, có thể nhấn mạnh thêm rằng: “Mẹ và em đã rất kiên cường, con cũng rất hợp tác trong suốt những tháng qua. Giờ mình cùng cầu nguyện để mẹ và em cùng bình an, khỏe mạnh nhé.”


Khi em bé chào đời là một chặng đường khác nên mình sẽ có một bài viết khác nhé.

Bài viết này hơi dài (hơn 2000 chữ lận) vì là những việc cần làm trong suốt gần một năm hoặc dài hơn mà. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến cuối. Nếu bạn thấy hữu ích, hãy chia sẻ cho những ai cần đến nó và cũng là vì nó miễn phí ^^. Share không cần hỏi nhưng đừng copy bài viết rồi cắt tên tác giả. Điều đó thật chẳng văn minh tí nào.

4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page