Làm thế nào để con thích đọc sách

Bài đăng của thành viên Thân Thuỳ Trang trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một chút kinh nghiệm cá nhân về việc đọc và chọn sách cho con. Trộm vía con trai mình - bạn Dưa 1 tuổi đã biết tự bê chồng sách ra nhờ mẹ đọc, và 15 tháng bạn đã biết lựa chọn cuốn sách nào yêu thích để đọc, khả năng thẩm định sách cũng khá tốt. Bạn cũng có thể tập trung được đến 30 phút mỗi ngày cho việc đọc.
Đọc thế nào để con thích sách?
Việc đầu tiên, theo mình quan trọng nhất và cũng khó nhất là cha/mẹ cũng phải thích sách. Mình biết, việc bỏ chiếc điện thoại/ipad xuống cũng cực kỳ khó với cha mẹ sau 1 ngày làm việc căng thẳng. Thật sự nhiều ngày đi làm về mệt quá, nấu nướng ăn uống xong, mình chỉ muốn nằm bẹp, ko nói năng gì. Nhưng nhìn con tròn xoe mắt đưa cuốn truyện nhờ mẹ đọc, mình lại cố dồn hết năng lượng để đọc cho con 1 lèo lúc thì 8, lúc thì 10 cuốn truyện. Do vậy, quan trọng là cha mẹ phải kiên trì và quyết tâm.
Đọc sách cho con từ khi nào?
Mình đọc cho con từ khi con ở trong bụng mẹ. Mình tin là có sợi dây kết nối giữa mẹ và con khi còn ở trong bụng. Ngay khi con chào đời, những lúc nằm chơi, ngày nào mình cũng đọc cho con một mẩu truyện hoặc đọc thơ cho con cố gắng vào một giờ nhất định. Càng lớn thì thời gian đọc càng tăng lên. Bạn Dưa đã có thói quen và sở thích đọc sách từ tấm bé là vậy. Với những bạn ko có thói quen đọc từ nhỏ, còn quen xem ipad điện thoại thì dĩ nhiên khi đọc các bạn ko hào hứng, ko tập trung. Nhiều cha mẹ nản, nghĩ con ko thích nên cũng bỏ cuộc từ rất sớm.
BÍ QUYẾT Ở ĐÂY LÀ GÌ? Hãy cứ tiếp tục đọc, kiên trì và kiên trì, dù con có thờ ơ đến đâu. Thực tế là bạn Dưa có những lúc mải chơi, thậm chí quẳng sách đi. Mặc kệ bạn, mình vẫn cứ đọc, đọc say mê là khác. Và bạn tò mò, hôm sau bạn lại hứng thú như thường.
Đọc sách thế nào để con hứng thú?
Trẻ rất hứng thú với những giọng đọc diễn cảm, nhấn nhá, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể của cha mẹ. Hãy đọc nhập tâm như thể mình là nhân vật trong truyện.
Bên cạnh việc đọc đơn thuần, bạn cũng có thể tương tác với trẻ bằng cách chỉ trỏ, nhận xét, hỏi con trong khi và sau khi đọc.
Chẳng hạn, truyện của bạn Dưa có khá ít chữ, thường thì chỉ 1 câu/ 1 trang truyện. Mình thường hay tự bịa hoặc miêu tả thêm, rồi hỏi: “Con thích bạn lợn này ko? Con cảm thấy bạn lợn này thế nào? Chà, bạn í có gương mặt mới đáng yêu làm sao. Con chỉ cho mẹ xem mũ của bạn ấy là cái nào nhé,...”
Làm như vậy vừa kích thích trí tưởng tượng vừa kích thích óc quan sát của con. Điều này cực kì quan trọng, nhất là với các bạn trên 2 tuổi.
Tạo "môi trường sách" cho con
Hãy mua/sưu tầm thật nhiều sách, rải khắp nhà, để tụi nhóc có thể bắt gặp chúng thường xuyên. Hãy đọc và đọc trước mặt chúng thật nhiều. Con được "tắm" trong môi trường sách nhiều dần sẽ trở nên yêu thích sách.
Chọn sách cho con
Đừng lầm tưởng mang sách gì về con cũng đọc nhé. Với những bạn khó tính như Dưa, truyện nào ưng bạn mới xem. Những cuốn bạn yêu thích cứ xem đi xem lại thì hẳn là những cuốn sách rất hay.
Dưa lớn dần và mình có thói quen lang thang các nhà sách, hội sách để tìm sách phù hợp cho con. Theo mình, với các bạn nhỏ dưới 2 tuổi như Dưa, sách cần có hình minh hoạ ngộ nghĩnh, dễ thương, màu sắc sống động, ít chữ, nhiều từ láy, câu từ giản đơn, nhiều từ cảm thán. Yêu cầu này tưởng dễ mà khi tìm thì không dễ tí nào. Bạn cần mở thử cuốn truyện ra và đọc qua xem nội dung của nó có hấp dẫn ko, cách diễn đạt của người dịch/biên tập thế nào. Có những cuốn sách diễn đạt rất rối, làm mình toàn vừa đọc vừa phải "biên tập" lại cho rõ hơn. Sách thì nên chọn của những nhà xuất bản uy tín cho trẻ em như Kim Đồng, ADC books,...
Với các bạn ở lứa tuổi > 2 tuổi thì cần có sự tương tác, phản biện với cha mẹ sau khi đọc. Có rất nhiều cách thú vị để đọc sách với các bạn 3-6 tuổi. Chẳng hạn:
Đọc một nửa câu chuyện, nửa câu chuyện còn lại cho con đoán kết thúc.
Đọc xong, hỏi con nếu có thể sáng tác truyện này thì con tưởng tượng cái kết sẽ thế nào. VD: Cô bé bán diêm ko chết mà sống hạnh phúc với cha.
Đưa ra nhiều góc nhìn thú vị để con phản biện. VD: với truyện Lọ Lem, có điều nào phi lý ko? (chi tiết chiếc giày thủy tinh ko biến mất sau 12h đêm), hoặc góc nhìn từ bà mẹ kế (thực ra xuất phát từ việc rất yêu con mình nên mới hành động ác độc với Lọ Lem,...).
Tưởng tượng thêm diễn biến sau khi câu chuyện kết thúc. Chẳng hạn: câu chuyện về người anh trong truyện Cây khế sau khi ngã xuống biển sẽ dạt vào 1 đảo hoang, bắt đầu sinh tồn,...
Hi vọng sau những chia sẻ trên đây thì nhiều em bé sẽ chọn sách để chơi thay vì ngồi xem tivi, ipad. Mình tin là em bé nào cũng giỏi giang, chỉ là chúng ta có tâm "gieo cấy" không mà thôi.