top of page

Con trai không được khóc?

Những năm gần đây, mạng xã hội rộ lên câu châm ngôn “dùng giàu có nuôi con gái, dùng nghèo khó nuôi con trai". Ngụ ý muốn nói con gái cần được nuôi dạy trong sự đầy đủ về vật chất và tinh thần để lớn lên không bị choáng ngợp trước hư vinh, còn con trai cần được rèn luyện trong khó khăn và thiếu thốn để sau này không lười biếng, ỷ lại.


Bài viết này sẽ không đi sâu vào ý nghĩa văn học sâu xa. Bài viết này chỉ tập trung phân tích về những định kiến giới mà các nhà khoa học đang ngày ngày tìm cách phá bỏ. “Đặc tính giới”“định kiến giới" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn thường xuyên bị nhầm lẫn.


Đặc tính giới: Là đặc điểm sinh học vốn có của từng giới tính được tự nhiên ban tặng. Đặc tính giới thường hiếm khi dịch chuyển hoặc thay đổi ngay cả khi ở trong các cộng đồng khác nhau, sắc tộc khác nhau, ở các thời điểm khác nhau.

Ví dụ:

  • Chỉ phụ nữ mới có khả năng mang thai và cho con bú.

  • Đàn ông thường có đặc điểm sinh học nhiều cơ bắp và khung xương to hơn phụ nữ.

  • Não bộ của phụ nữ thường suy nghĩ đa chiều và phức tạp hơn đàn ông.


Định kiến giới: Là những định kiến thường được xây dựng dựa trên định kiến xã hội. Định kiến giới không dựa vào những đặc điểm sinh học vốn có của con người mà dựa vào cách một quần thể được xây dựng và phát triển. Định kiến giới có thể phù hợp với phần lớn cá nhân ở một thời điểm hoặc xã hội nhất định. Nhưng hoàn toàn có thể không phù hợp khi đưa sang một xã hội khác với những cá nhân khác.

Ví dụ:

  • Con trai không được mặc màu hồng.

  • Con gái phải biết nấu nướng, thêu thùa.

  • Con trai phải mạnh mẽ, cứng rắn, không được khóc.


Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này đến từ đâu? Nó có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của từng cá nhân, từng gia đình và xã hội? Hãy thử phân tích một vài ví dụ:


1. Tự nhiên ban tặng phụ nữ thiên chức sinh nở. Phụ nữ sẽ có lợi thế hơn đàn ông trong việc hình thành kết nối với con ngay từ khi con chưa chào đời. Vì vậy, phần lớn những người mẹ sẽ có bản năng bảo vệ con và hi sinh vì con mạnh mẽ hơn người cha, mẹ cũng luôn là người con cần nhất trong ít nhất 1 năm đầu đời.


Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng việc sinh nở và chăm sóc con cái là nghĩa vụ của phụ nữ và lấy đó làm thước đo cho phẩm hạnh cũng như thành công của họ. Càng sai lầm hơn khi cho rằng đàn ông có quyền bỏ bê con cái, phó mặc cho người vợ và tệ hơn, tự cho mình quyền ngoại tình, lang chạ. Đúng! Trong tự nhiên giống đực là kẻ săn mồi và gieo giống. Nhưng loài người khác động vật ở chỗ có thể kiểm soát tư duy và được giáo dục văn hoá, đạo đức. Việc một cá nhân lựa chọn lối sống lang chạ không phải do đặc tính giới. Nếu là do đặc tính giới thì sẽ không ai tranh cãi về nó cả. Nhưng đằng này nó là việc làm không được chấp nhận ở phần lớn các quốc gia, thậm chí còn là vi phạm pháp luật. Việc một cá nhân ngoại tình là do bản thân anh ta/ cô ta đồng ý với tư duy và lối sống đó, chẳng liên quan gì đến đặc tính giới cả.


2. Đàn ông thường có khung xương lớn và nhiều cơ bắp hơn phụ nữ. Vì vậy, phần lớn đàn ông có thể làm tốt hơn phụ nữ trong các công việc đòi hỏi sức mạnh. Ngược lại, phụ nữ có xương bàn tay nhỏ, chuyển động khéo léo hơn đàn ông. Vì vậy, phần lớn phụ nữ sẽ làm tốt hơn đàn ông trong các công việc cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Tương tự, não bộ của đàn ông hoạt động cũng khác với não bộ của phụ nữ. Họ chỉ có thể tập trung vào 1 việc ở 1 thời điểm, cũng ít khi suy diễn mà chỉ nhìn vào sự việc đang diễn ra. Vì vậy, đàn ông thường nảy số khá chậm trong các cuộc tranh cãi, ít khi bị cảm xúc chi phối, cũng ít drama hơn phụ nữ.


Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu lấy sức mạnh và sự cứng rắn làm cái đích để nuôi dạy những bé trai, cũng như lấy sự dịu dàng, khéo léo làm cái đích để nuôi dạy những bé gái. Đặc tính giới là cái có trước, tuy nhiên không phải cô bé nào cũng khéo léo, dịu dàng, cũng như không phải cậu bé nào cũng mạnh mẽ và cao lớn. Đừng dựa vào đặc tính giới chung chung để đánh giá một đứa trẻ, càng không nên lấy định kiến giới như “đàn ông phải mạnh mẽ", “phụ nữ phải dịu dàng" làm thước đo.


Hiểu về đặc tính giới để có cái nhìn bao dung và thấu hiểu hơn với giới tính khác. Hiểu về định kiến giới để có thể chủ động gỡ bỏ những gông cùm. xiềng xích trong tư tưởng.


CON TRAI KHÔNG ĐƯỢC KHÓC?


Con trai hay con gái, đàn ông hay phụ nữ, giới tính thứ ba hay thứ tư cũng đều có quyền giải tỏa tâm lý và cảm xúc của mình. Phụ nữ dễ khóc hơn đàn ông, không có nghĩa khóc là đặc quyền của riêng phụ nữ.


Trẻ em không có nhận thức rõ ràng về giới tính cho đến khi chúng khoảng 3 tuổi. Não bộ con người cũng không hoàn thiện trước năm họ 25 tuổi. Vì vậy, việc phân biệt đối xử, phân biệt cách giáo dục giữa con trai và con gái dựa trên định kiến giới là cách giáo dục sai lầm. Trẻ em cần được đối xử và giáo dục bình đẳng, không phân biệt giới tính.


Những bé trai 4 tuổi không được khóc năm xưa, giờ trở thành những người đàn ông vô cảm và lúng túng trước nước mắt của mẹ và vợ, sợ hãi trước nước mắt của con. Họ chưa từng được đồng cảm và chấp nhận khi họ khóc, vì vậy họ cũng không có khả năng làm điều này với người khác. Tệ hơn, nếu từng bị đánh vì khóc, nước mắt có thể khơi dậy nỗi sợ trong tiềm thức khiến những người đàn ông này tiếp tục xuống tay đánh vợ con khi thấy họ khóc.


Ở những thế hệ trước, việc bỏ bê trong giáo dục cảm xúc được chia đều cho tất cả các giới tính. Tuy nhiên các bé gái vẫn có một đặc quyền may mắn hơn là ít ra chúng vẫn được khóc. Ngay cả khi bị bỏ mặc cho khóc, cảm xúc vẫn có thể theo nước mắt tuôn ra mà dịu bớt đi. Được khóc đã là tốt rồi. Khi khóc người ta ít nhất cũng có thể dành thời gian nhìn thấu nỗi buồn của mình.


Các bé trai thì sao? Ngay cả khóc cũng là một điều sai trái. Cảm xúc bị đè nén không khiến người ta mạnh mẽ và kiên cường hơn. Nó khiến người ta trở nên trơ lỳ và vô cảm.


Không khó để tìm thấy các số liệu thống kê về tỷ lệ tội phạm giữa hai giới tính. Tất cả các thống kê trên thế giới đều cho thấy tỷ lệ tội phạm bị bắt và phạm những tội nguy hiểm đều phần lớn là nam giới (xấp xỉ 85%). Không có nghiên cứu nào nghiên cứu chính xác việc không được khóc dẫn đến tỷ lệ phạm tội ở đàn ông cao hơn phụ nữ. Nhưng có vô vàn nghiên cứu về việc bạo lực và đòn roi khi còn nhỏ dẫn đến tỷ lệ phạm tội cao khi trưởng thành. Tỷ lệ bé trai bị đòn roi cũng cao hơn và dã man hơn nhiều so với các bé gái. “Không được khóc" chỉ là một trong những lý do để bọn trẻ bị đánh thôi. Ngay cả khi không bị đòn, những câu nói của người lớn cũng dễ dàng hình thành nên nhận thức lệch lạc của đứa trẻ.



Xin đừng tiếp tục nói với các bé trai rằng:

Sao mày là con trai mà hay khóc quá vậy?
Con trai gì mà suốt ngày ôm ghì lấy mẹ?
Con trai mà chơi búp bê hả?
Con trai gì mà bị bạn gái lấy đồ không biết đánh lại?

Kẻ mạnh không phải là kẻ bạo lực, càng không phải kẻ vô cảm. Kẻ mạnh thật sự là kẻ dám đối diện với chính mình và chấp nhận, bao dung cả những điều chưa tốt ở người khác. Chúng ta đã “bạo hành" các bé trai đủ rồi. Dừng lại đi!

Alicia Vu (Quỳnh)

45 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page