5 công cụ duy trì kết nối tình cảm với con

Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Cách đây khoảng 5 năm, thứ mình chú trọng với con là một ngày chơi trò gì, học được gì, dạy theo phương pháp nào, các tình huống xử lý ra sao.
Cách đây hơn 2 năm, mình nhận ra một điều quan trọng, thay đổi toàn bộ hành trình làm mẹ đó là con chơi trò gì, học được gì, tình huống đơn lẻ hàng ngày là gì không quan trọng như thế. Điều ẩn giấu đằng sau đó - CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG CỦA BẢN THÂN mẹ và SỰ KẾT NỐI trong mối quan hệ giữa mẹ và con - mới là câu trả lời cho tất cả.
Bài này mình chỉ nói tới sự kết nối trong mối quan hệ với con cái, đó là điều mình ưu tiên, dành nhiều thời gian và công sức nhất để xây dựng. Sự kết nối cho con cảm giác an toàn về mặt tinh thần, biết mình là người có giá trị, quan trọng và luôn được yêu thương bất kể điều gì.
Để duy trì kết nối tình cảm với con mình không làm việc gì to tát, cao siêu. Bất kỳ ai cũng có thể làm được, chỉ là mình có ưu tiên cho nó hay không. Nếu đã ưu tiên, mình làm nó với tần suất ra sao, với sự chú tâm và tinh thần nào. Sau đây là 5 công cụ:
1. Ôm con từ 2-4 lần mỗi ngày, nhiều hơn càng tốt.
Nhu cầu được ôm ấp, chạm, thể hiện tình cảm là nhu cầu của tất cả mọi người, từ trẻ tới già. Tác dụng của những cái ôm được nói tới rất nhiều như là tăng nồng độ oxytocin và serotonin; giảm căng thẳng, cảm giác cô đơn, giảm sự tức giận; khỏe hơn; ngủ tốt hơn; truyền thông điệp: con quan trọng với mẹ, mẹ yêu con, mẹ quan tâm tới con, mẹ luôn ở đây sẵn sàng giúp con.
Lý tưởng nhất là có giờ ôm nhau trong ngày cho cả gia đình. Việc này tùy vào sự tự nguyện của bố nữa nhé.
Quan trọng:
Kết nối sâu sắc thực sự chỉ xảy ra trong các tình huống khó. Khi vui vẻ mình có thể rất thoải mái, dễ chịu với con, nhưng mình phải tập để có chừng mực khi con hay mình khó chịu. Đừng chỉ ôm con khi vui, hãy ôm con cả những lúc con buồn, giận, khóc, thất vọng, sợ hãi, ốm đau hay mệt mỏi.
Nhà mình có hai bạn lớn đang ở tuổi chơi cùng và hay xung đột với nhau. Mình mất một thời gian đau đầu xử lý nhiều tình huống. Thế nhưng bây giờ dù chuyện có là gì, căng thẳng đến đâu, chỉ cần mẹ con cùng ngồi lại, ôm và lắng nghe nhau nói, là mọi chuyện đều được hoá giải.
Nghe thì đơn giản phải không? Nhưng đằng sau đó là một quá trình dài mình vật vã giải quyết những tổn thương quá khứ và đấu tranh với cái tôi để thay đổi và điều chỉnh bản thân.
2. Xin lỗi và cảm ơn.
Mình nghĩ bây giờ mọi người đều chú trọng và hiểu tầm quan trọng của việc này rồi.
Nói cảm ơn thì dễ, với nhiều người ban đầu thực ra cũng khó nói xin lỗi, nhất là sau khi vừa xung đột nảy lửa xong. Mình thấy tập dần cũng quen.
Nếu vừa nhận ra mình quá lời, có thái độ gay gắt hơn bình thường một chút, mình thường dừng mọi thứ lại ra xin lỗi và kết nối với con trước khi bắt đầu làm gì tiếp. Các bạn nhỏ rất dễ bỏ qua, tuy nhiên đừng nghĩ vậy là xong nhé, cảm xúc tiêu cực tích tụ không được đối diện và giải toả sẽ dần lớn lên và chi phối hành vi của con. Mình cần giúp con nhận biết và xử lý chúng.
3. Mỗi ngày chơi cùng nhau một trò chơi.
Có ngày mình chơi riêng với mỗi bạn một lần, có ngày chơi chung, có ngày kết hợp. Mình chú ý cả sự khác nhau giữa trẻ trai và trẻ gái. Con trai lớn thích chơi trò vận động nhiều hơn.
Trong cuốn Raising Boys, tác giả có viết: để kết nối với một trẻ trai, bạn chỉ cần chơi vật nhau với trẻ. Nếu mình để ý sẽ thấy đến độ tuổi nhất định, trẻ trai thích chơi đánh nhau, vật nhau với bố nhiều hơn.
Vì mỗi bạn một độ tuổi nên khi chơi riêng mình thường hỏi ý kiến xem con muốn chơi gì, cũng có lúc mình gợi ý. Nguyên tắc khi chơi cùng con là: dành sự có mặt toàn bộ, không cầm điện thoại, không mở các thiết bị điện tử trong nhà, chơi trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng.
4. Đọc sách đều đặn mỗi tối.
Nếp đọc sách mỗi tối trong gia đình mình đã có 7 năm nay, kể từ khi con đầu bắt đầu tập nói. Trước đây mình đọc với tâm thế: Để cho con thích sách. Bây giờ mình đọc với tâm thế: Sách là một công cụ để giúp mẹ con mình có được niềm vui và sự gắn kết với nhau.
Chưa kể, nhiều thông tin trong sách cũng rất bổ ích và thực tế. Mình đọc và giải thích lại cho con về quyền, trách nhiệm, ranh giới, tình yêu, sự quan tâm, lòng biết ơn, nguyên nhân-kết quả, vân vân. Khi đọc mình có thể lồng vào các ví dụ thực tế để con hiểu.
5. Nói chuyện và lắng nghe tích cực.
Nói chuyện và lắng nghe cũng là kỹ năng cần phải tập. Cách nói chuyện thông thường của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi các thói quen tiếp nhận trong quá khứ. Mình từng mắc lỗi khi con mới kể về chuyện gì đó hay mới nêu ý kiến là mẹ ngay lập tức đón đầu, uốn nắn, điều chỉnh để con vâng, dạ theo ý mình. Dần mình thấy con không muốn hoặc không dám nói thật lòng nữa.
Sau này mình tập nghe và đặt câu hỏi nhiều hơn là nói. Nếu có nói mình sẽ nói về bản thân, về cái thấy của mình chứ không nói theo kiểu áp đặt nữa. Điều quan trọng nhất có lẽ là con thấy mình được chú ý lắng nghe, câu hỏi của mình quan trọng. Kể cả là mình không biết câu trả lời đi chăng nữa thì lắng nghe để biết con đang thắc mắc điều gì, sau đó hẹn một hôm cùng nhau tìm hiểu về điều đó cũng là ý nghĩa với con lắm rồi.
Nếu cả nhà muốn hiểu hơn về cách giao tiếp với con có thể tìm đọc cuốn: Giao tiếp với con trẻ như thế nào của một tác giả là nhà tâm lý học người Nga, rất cụ thể, dễ hiểu, có bài tập, bài thực hành để áp dụng ngay với các tình huống thực tế.
CUỐI CÙNG:
Điều khó nhất là tất cả những công cụ trên cần thực hiện kiên trì, đều đặn mỗi ngày, bất kể tâm trạng bạn đang ra sao (trừ những ngày quá mệt, sức khỏe không cho phép).
Mình cần tách bạch các vấn đề cá nhân với công việc duy trì kết nối tình cảm với con. Tinh thần của mình không ổn định, nay lên cao mai xuống thấp, nếu dựa vào đó để thực hiện các việc này thì sẽ có những hôm mình chú tâm tới con trong khi những hôm khác lại thờ ơ, bỏ mặc. Việc đó gây cho con bất an và cảm giác không được chú ý, không quan trọng.
Để làm được việc đó lại cần quay về khả năng làm chủ bản cảm xúc và tâm trạng bản thân của bố mẹ. Khả năng này lại phụ thuộc rất nhiều vào các vấn đề cá nhân mà bố mẹ chưa giải quyết xong. Vậy nên xét tới cùng, bố mẹ vẫn không thể né tránh đối diện với việc học của mình, nhất là về lâu về dài khi con ngày càng lớn.
Chỉ cần có sự kết nối, kiên nhẫn, thấu hiểu và tình yêu (với ranh giới và kỷ luật), mình tin không có khó khăn nào trong mối quan hệ với con mà mình không thể vượt qua.