top of page

Đằng sau một em bé "nhút nhát".

Khi có tranh chấp xảy ra giữa những đứa trẻ, bố mẹ lo lắng khi có đứa con bạo lực thì những bố mẹ có con bỏ chạy, đứng đơ ra, khóc, cầu cứu người lớn cũng lo lắng không kém. Những đứa trẻ “nhút nhát” như vậy có thật sự đáng lo không? Liệu cách phản ứng của chúng trước tranh chấp và xô xát có khiến cho chúng trở thành đối tượng dễ bị bắt nạt trong tương lai?



Khi rơi vào trạng thái nguy hiểm, bản năng sinh tồn trong tự nhiên khiến chúng ta rơi vào một trong 3 trạng thái: Chiến Đấu, Bỏ Chạy hoặc Đóng Băng. Việc một đứa trẻ rơi vào trạng thái đứng đơ ra hay bỏ chạy trước nguy hiểm không nên được coi là thước đo để đánh giá về sự can đảm. Đó là cơ chế phòng thủ hoàn toàn tự nhiên của con người. Chúng ta đều từng được nghe câu chuyện gặp gấu hãy nằm im giả chết (Đóng Băng) hay “tránh voi chẳng xấu mặt nào” (Bỏ Chạy). Những bản năng này là cách thô sơ nhất trẻ có thể dùng để bảo vệ chính mình. Việc lên án hay cố gắng xoá bỏ bản năng này của trẻ khi trẻ chưa sẵn sàng, đều mang lại nhiều hệ luỵ tiêu cực:


1. Giảm sự nhạy cảm khi đánh hơi thấy nguy hiểm:


Khi một đứa trẻ liên tục bị nói rằng cách chúng đang làm là sai, chúng sẽ dần nghi ngờ điều đó và chính bản thân mình. Khi bố mẹ liên tục phê phán hành động bỏ chạy của con là “nhút nhát”, con sẽ mất dần lòng tin vào trực giác của mình trước nguy hiểm. Không phải lúc nào chiến đấu lại cũng là khôn ngoan và chiến thắng. Bỏ chạy, cầu cứu người lớn hay thậm chí là đứng đơ ra hoặc khóc, đều là những phản ứng đáng được thừa nhận và giúp đỡ.


2. Cảm thấy bị chối bỏ, thua cuộc, đáng xấu hổ:


Với nhiều em bé, bỏ chạy hay đứng khóc khiến chúng cảm thấy dễ chịu hơn so với việc chiến đấu hay đánh lại bạn. Có những em bé chấp nhận bị em đánh chứ không đánh lại em vì chúng cảm thấy không thoải mái khi làm thế, ngay cả khi bố mẹ cho phép. Thay vì gượng ép con phải thay đổi, hãy gợi ý và hướng dẫn từ từ. Con sẽ tiếp nhận thông tin mà bố mẹ đưa và có quyền quyết định có làm theo lời khuyên hay không. Việc dùng những lời lẽ khắc nghiệt để ép con thay đổi chỉ làm cho chúng thấy bản thân thật vô dụng và đáng xấu hổ khi không thể làm được những gì bố mẹ kỳ vọng.


Chìa khoá để nuôi dạy một đứa trẻ kiên cường không phải là sự rèn luyện khắc nghiệt. Ngược lại, chìa khoá đó là khiến cho trẻ cảm thấy được an toàn và được chấp nhận, được tự do phát triển theo tính cách của mình.


Có lẽ ai nuôi con cũng mong con mình bạo dạn, tự tin, thân thiện, thậm chí hơi gai góc càng tốt. Mình cũng là một người mẹ như thế. Mình đã kỳ vọng sẽ có một em bé với cá tính mạnh như mẹ. Thế mà em bé của mình lại không như vậy.


Từ nhỏ mình đã nhận ra con thuộc tuýp hướng nội điển hình, tính cách rất ôn hoà và (như các bà ở VN hay gọi) “nhút nhát”. Mình chưa bao giờ thấy con tranh giành thứ gì của ai hay làm đau người khác dù vô tình. Nếu ai có dấu hiệu hung hãn, con đánh hơi rất nhanh và ba chân bốn cẳng… chạy. Ra sân chơi đang xếp hàng mà bị bạn chen, con cũng nhường luôn hoặc bỏ đi chơi trò khác chứ không có ý định tranh giành hay chiến đấu lại.


Nỗi lo lắng lớn nhất của mình chính là nhỡ sau này đi học con bị bạn bắt nạt thì sao? Chẳng lẽ con phải chịu ấm ức mãi chỉ vì tính cách “không bon chen” này?


Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, con lại kể cho mình một ngày đi học ở trường thế nào. Con đã chơi với ai, chơi những gì, có tai nạn nào xảy ra không. Một hôm con kể cho mình về một bạn gái ở lớp đã tranh đồ chơi và còn vô tình làm đau con nữa.


Mình hỏi:


- Khi bạn làm thế, con cảm thấy thế nào?

- Con sợ. Con không thích bạn ấy.

- Bạn tranh đồ con đang cầm là bạn sai rồi nhỉ. Mẹ cũng không đồng tình với hành vi ấy.

- Con không chơi với bạn ấy nữa đâu mẹ.

- Ừ, nếu bạn nào khiến mình không thoải mái thì thôi, chơi với bạn khác. Thế con có muốn mẹ nói cho con biết mình có thể làm gì khác không?

- Con có.

- Khi bạn giật đồ từ tay mình mà chưa xin phép là bạn chưa đúng. Con có thể hướng dẫn bạn chờ đợi. Con nói là “Tớ đang chơi, cậu chờ tới lượt cậu nhé”. Có thể bạn chưa biết là phải chờ đợi thôi, chứ bạn không cố ý.

- Nhưng mà con sợ bạn đánh.

- Nếu con nói vậy rồi mà bạn vẫn cố tình làm đau con để giành đồ thì tốt nhất là cho bạn. Còn rất nhiều đồ chơi khác để chơi. Mình không cần phải để bản thân bị đau chỉ vì mấy món đồ chơi. Còn nếu con thích đồ chơi ấy quá mà không muốn nhường thì cứ hét thật to lên, cô giáo sẽ chú ý và giúp con. Tất nhiên là mẹ chỉ gợi ý thế, con thấy bỏ chạy và nhường bạn thoải mái hơn thì con cứ làm, không sao cả.


Cuối cùng, con mình vẫn lựa chọn bỏ chạy vì con chưa sẵn sàng để thương lượng hay chiến đấu lại. Việc bỏ chạy khiến con thoải mái hơn. Không sao cả, về nhà toàn vẹn không sứt mẻ gì là được rồi.


Trong quá trình lớn lên, mỗi em bé sẽ học được cách đối phó với tranh chấp rất riêng tuỳ vào cá tính của mình.


Mạnh mẽ là tốt, nhưng đồng thời ôn hoà cũng tốt.


Không để bị bắt nạt là tốt, nhưng đồng thời không làm đau người khác cũng tốt.


Nếu con bạn chọn cách bỏ chạy hay đóng băng trước tranh chấp, đừng quá lo lắng. Khi con lớn dần lên, tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, cộng với sự nhạy cảm được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ, con sẽ đủ khả năng nhận biết khi nào cần chiến đấu và khi nào nên bỏ chạy. Sự nhạy bén và hoạt trong mọi tình huống vẫn luôn tốt hơn việc chiến đấu trong mọi hoàn cảnh.

Alicia Vu (Quỳnh)

10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page