DẠY CON BIẾT CHIA SẺ, KHÔNG ÍCH KỶ
Bài đăng của thành viên Kim Văn Chung trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Nhà mình ngày xưa có một thói quen: có gì ngon cũng nhường cho con, có gì tốt đều cho con dùng, cho ăn thoải mái rồi con chán con mới để lại cho bố mẹ. Rồi ở với ông bà cũng vậy, gì ông bà cũng cất phần, cái gì ngon cũng cho cháu trước tiên.
Đến khi con lớn hơn, con không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì với người khác, thậm chí là bố mẹ. Thế là bị mọi người nói “tham ăn” “ích kỉ”.
Nếu nghĩ vì sao con lại như vậy, thì hoá ra vì trước đây cái gì con cũng đc mọi người ưu tiên, dần dần con mặc định rằng tất cả mọi thứ đều là của mình, không có ý thức chia sẻ với mọi người.
Sau một thời gian thay đổi cách đối xử với con thì giờ Gấu đã biết chia sẻ và vui vẻ với các bạn, biết mượn đồ bạn và chấp nhận nếu bạn không đồng ý. Con biết cho bạn mượn đồ chơi và chia bánh với bạn, luôn vui vẻ hòa đồng thay vì thói quen ăn vạ hay cau có trước kia.
Mình đã làm gì để có được kết quả này?
Thứ nhất, mình tạo môi trường “công bằng” trong gia đình. Mình không vội nhường con hết mà tạo cho con cơ hội được sẻ chia với mọi người. Không dành sự “đặc biệt” cho con vì đây là nguyên nhân lớn khiến con trở nên ích kỉ. Mỗi lần có món con thích hay bánh kẹo, mình sẽ hướng dẫn con chia phần đều cho mọi người, sau đó mới ăn phần mình. Dù bố mẹ không ăn nhưng khi con đưa cũng sẽ nhận lấy.
Thứ hai, mình đọc cho con những quyển sách về sự sẻ chia, thói quen tốt, tình bạn,….và tâm sự với con mỗi đêm trước khi ngủ
Thứ ba, mình hỏi con về việc diễn ra trong ngày, và nói với con về niềm vui khi giúp đỡ người khác, giúp con hiểu được “Chia sẻ không phải mất đi mà là cùng có lợi”. Con hiểu rằng nếu mình chia sẻ với người khác thì người khác mới quan tâm chia sẻ lại mình. Có như vậy, mọi người mới quan tâm nhau và cùng chơi vui.
Thứ tư, khi con chưa làm được, mình cũng không dán nhãn cho con rằng “sao con ích kỷ vậy”. Thay vào đó, thông qua việc kể chuyện, mình sẽ đưa ra những câu hỏi để con tự trả lời. Chẳng hạn:
Mẹ: Con biết tại sao chị Mun không cho con mượn bút màu không?
Gấu: im lặng
Mẹ: Lúc nãy, con không cho chị mượn sách phải không nhỉ?
Gấu: dạ
Mẹ: Nếu con cho chị mượn sách, thì có khi chị Mun đã cho con mượn bút rồi, đúng không?
Thế là lúc sau chị sang chơi, Gấu chủ động đưa sách cho chị Mun mượn.
Thứ sáu, mình tôn trọng ý kiến của con. Khi có bạn lạ đến mượn đồ chơi của con, mình luôn hỏi ý kiến con trước:
Bạn muốn mượn xe của con đấy, con có muốn cho mượn không?
Bạn sẽ rất vui nếu được chạy xe của con một chút đấy, con thấy thế nào?
Bạn đang có chiếc xe tải màu đỏ đẹp chưa, con có muốn mượn bạn không, con có muốn trao đổi đồ chơi với bạn không?
Nếu con đồng ý, mẹ hướng dẫn con trao đổi. Nếu con không đồng ý thì mẹ tôn trọng ý kiến của con.
Nuôi con nhiều khi tưởng đã có kiến thức đủ vững, nhưng đến khi gặp tình huống lại loay hoay không biết áp dụng thế nào. Để làm được, cần rất nhiều kiên quyết và quan sát tinh tế. Nhưng đổi lại, chúng ta sẽ sớm có được những em bé tử tế thay vì hối hận sau này.