top of page

DẠY CON KHÔNG ĐÒN ROI, CÓ THỂ KHÔNG?


Bài đăng của thành viên Thuy Linh Tran trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Bông nhà mình là một cô bé hiểu chuyện và khá ý tứ. Tuy nhiên, con có một điểm cần cải thiện đó là khá nóng tính, chưa bình tĩnh được trước những điều bất ngờ xảy đến không như ý muốn. Ví dụ, khi con đang tập trung chơi 1 đồ chơi nào đó, nếu em Bin đến và giật đồ của chị, chị Bông sẽ có thể ko giữ được bình tĩnh và đánh em.


Trong gia đình mình, mình và chồng thỏa thuận là sẽ không sử dụng đòn roi. Trước đây chồng mình cũng có 1 số lần mất bình tĩnh, nhưng mình đã nhẹ nhàng nói chuyện với anh để anh hiểu điều đó không mang lại điều tốt cho con, mà còn có nhiều tác hạdạy-con-không-đòn-roi-có-thể-khôngi nữa.


Vậy nếu không sử dụng đòn roi, gia đình mình áp dụng như thế nào? Với ví dụ tình huống ở trên, mình đã thực hiện như thế này:


Mẹ: Bông có thể kể lại cho mẹ tình huống vừa rồi được ko?


Bông (vẫn đang rất bực tức): Nhưng mà con đang chơi mà, Bin giật của con.


Mẹ: À thế à, vậy sau khi Bin giật thì con đã làm gì?


Bông (không nói gì, mặt hằm hằm và ngồi khoanh tay, không trả lời mẹ)


Mẹ: Mẹ hiểu con đang rất tức giận. Nhưng mẹ cần biết chuyện gì để có thể giúp con. Mẹ đang giúp con đấy...Mẹ có nghe thấy con đánh em 1 tiếng rất đau, em vẫn còn đang khóc, nếu người khác làm với con như con vừa làm với em thì con sẽ thế nào? Con có đau không?


Bông (bạn ấy biết mình sai nhưng sẽ không muốn nhận lỗi): Nhưng mà con đang chơi… Bông quát lớn lên với mẹ.

Lúc đó đang chuẩn bị đến giờ ngủ nên mình nói "Mẹ thấy con chưa bình tĩnh nên con sẽ ngồi đây (ngoài phòng chơi) để mẹ đưa các em đi ngủ"


Lúc này, bạn bắt đầu muốn được vào đi ngủ, nên bạn khóc oà lên, sợ bị ở ngoài. Mình ngồi bên cạnh và chờ con khóc 1-2 phút, sau đó mình nói "Đến giờ mẹ vào cho em ngủ rồi, con sẽ ngồi đây đến khi bình tĩnh mẹ sẽ ra nói chuyện cùng con nhé".


Lúc đó con mới kéo tay mẹ xuống và nói “Mẹ ngồi đây, con nói”. Tuy nhiên hành động đó chỉ là vì con sợ phải ở ngoài nên mới giữ mẹ, nhưng khi mẹ ngồi thì con không nói gì nữa.


Mình hiểu là khi đang bực tức như vậy, con cũng chưa muốn nhận lỗi và chưa muốn nói, nên mình chủ động chia sẻ luôn: “Mẹ biết con rất bực khi em giật đồ của con. Nhưng không vì thế mà mình làm đau em. Trong gia đình mình hay bất cứ nơi đâu, mẹ không bao giờ đánh các con. Khi đi ra ngoài cũng ko làm đau ai cả. Bây giờ mẹ chia sẻ với con 2 cách nhé: Cách thứ 1 là con nói “Chị đang chơi, một chút nữa em chơi nhé, sau đó con đi tìm cho em một đồ khác để em chơi thay thế. Cách thứ 2 là con có thể nhờ mẹ hỗ trợ và giúp con để con biết nên làm gì. Còn việc làm đau người khác là việc tuyệt đối sẽ không có trong gia đình mình cũng như khi ở ngoài”


Sau đó mình hỏi lại con. “Con nói cho mẹ biết NẾU EM GIẬT ĐỒ CHƠI KHI CON ĐANG CHƠI, CON SẼ LÀM GÌ?” với một thái độ dứt khoát và nghiêm khắc. Bạn ấy trả lời lại và cuộc nói chuyện đến đây là kết thúc. Hai mẹ con ôm nhau đi ngủ bình thường, mình không nhắc lại việc này một lần nào nữa.


Hai hôm sau, bạn Bông chạy ra vui mừng nói với mẹ “Mẹ ơi, con vừa làm như mẹ nói đấy, em Bin nghe ngay mẹ ạ. Con đang vẽ xong em Bin muốn lấy bút của con tô, con bảo em ơi ra ngoài cho chị vẽ. Rồi em ra luôn ạ”


Và trẻ con mà, tất nhiên sẽ còn lặp lại những tình huống như thế này, nhưng lần nào xảy ra mình cũng giải quyết như vậy, thì con sẽ ghi nhớ vào tiềm thức và tạo thành thói quen.


Mình rất tâm đắc câu này “GIEO HÀNH ĐỘNG, GẶT THÓI QUEN. GIEO THÓI QUEN, GẶT TÍNH CÁCH”. Với mình, “cha mẹ sinh con trời sinh tính” cũng đúng nhưng chỉ đúng phần nào thôi, quan trọng là gia đình và môi trường xung quanh rèn luyện chúng ta trở thành người thế nào. Bản thân mình cũng là người bản tính nóng tính, nhưng tính chất công việc, gia đình, môi trường cùng nỗ lực thay đổi và kiểm soát bản thân đã giúp mình trở nên điềm tĩnh hơn trước mọi việc như ngày hôm nay. Cố gắng đồng hành cùng con, và cả chính bản thân mình, bố mẹ nhé!


35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page