Ranh giới giữa định hướng và áp đặt
Đã cập nhật: 6 thg 3

Bài đăng của thành viên Chi Linh Bui trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
- M, con đang khiến mẹ xấu hổ, con đừng có hét lên trên xe buýt như vậy
- Đừng có ngớ ngẩn thế A, con có im đi không. Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại. Không khóc nữa. Mọi người đang nhìn kìa!
- Mày bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ, người ngoài người ta đang cười vào mặt vì tao không biết dạy con. Mày sung sướng hả hê chưa?
Tôi không biết bao nhiêu đứa trẻ cảm thấy “mãn nguyện” vì làm “bẽ mặt” bố mẹ chúng, và đôi khi tôi tự hỏi rằng: “liệu chúng làm thế chỉ vì mục đích để cho thiên hạ họ cười vào mặt bố mẹ chúng không?”
Trớ trêu thay, không ai nghĩ về hành động của trẻ chỉ là một hành động, mà họ dồn hết định kiến, suy nghĩ của mình vào để đánh giá hành vi của nó! Có khi nào bạn THỬ chủ động dừng lại để cho mọi việc diễn ra đúng theo cách của nó (hãy cân nhắc độ an toàn), và KHÔNG can thiệp chưa?
Ý nghĩ này với tôi có lúc thật điên rồ! Bố mẹ là phải có trách nhiệm nuôi nấng, dậy bảo, đảm bảo con theo những quy tắc cơ bản của xã hội.
-Làm sao lại không can thiệp được, nếu không uốn nắn từ bé sau này ra đời thì nó khổ à?
- Trẻ em như tờ giấy trắng, chẳng lẽ để nó vẽ nguệch ngoạc bẩn thỉu lên tâm trí của nó chắc?
- Người ngoài nhìn vào thì xấu hổ lắm, “con cái kiểu gì mà hoang dại, thích làm gì thì làm”, cô giáo con nói, cô hàng xóm nói, mọi người nói…”
Có câu trả lời chắc chắn nào cho những hoài nghi bên trên của bạn không? Có chắc là khi bạn CAN THIỆP vào cuộc đời của con, uốn nắn chúng theo cái “nguyên tắc đạo đức” của xã hội thì đời con sau này sẽ SƯỚNG hơn? Đó là chuyện của đời con bao nhiêu năm về sau, bạn có nghĩ mình thực sự là người sẽ quyết định điều đó? Liệu những nguệch ngoạc trên trang giấy tâm hồn con có thực sự “bẩn thỉu” như bạn từng mang định kiến. Và tại sao ý kiến của xã hội, người ngoài, hàng xóm, giáo viên… tất cả lại quan trọng hơn “con của bạn”?
“Con cái không là gì ngoài việc nhân cách hóa tham vọng của bạn” – Tôi từng đọc đâu đó câu nói này, một câu nói khiến tôi không khỏi bẽ bang.
Mọi người thường hay quan tâm, hỏi han đến “tương lai” của một đứa trẻ: Bạn muốn con mình lớn lên sau này sẽ như thế nào
-Sau này cho con nó đi làm MC, xinh thế kia mà hoạt ngôn nữa thì còn gì bằng
- Đã chọn được trường cho con chưa? Nghe nói tỉ lệ học sinh giỏi trường đó cao lắm…
- Bố nghĩ là con nên tập trung vào việc học, sau này có cái bằng rồi làm gì cũng dễ.
- Tôi muốn con mình hạnh phúc, bình an, là chính nó (đây có lẽ là câu nói nghe rất hợp lí, nhưng xin hãy cẩn thận)
Có rất nhiều những ý kiến, suy nghĩ, định hướng cho con cái mà bố mẹ “nghĩ” rằng họ đang làm điều tốt nhất cho con. Tôi không hề phản đối, vì tôi đã và vẫn đang giam cầm ý kiến của mình về người khác trong tâm trí. Tôi đang nuôi một “hi vọng” về cuộc sống sau này của một con người khác – người mà có thể khả năng sẽ làm tôi tự hào hoặc bẽ mặt.
Và đúng lúc đó tôi dừng lại để hỏi bản thân một điều rằng: Tôi là ai mà dám cho mình cái quyển quyết định một người sẽ trở nên như thế nào? Tôi là ai mà dám đưa ra ý kiến về hành vi của một người (mặc dù tôi chẳng thể biết được tại sao họ lại làm thế). Tôi là ai mà lại lên án tất cả mọi thứ đang diễn ra? Tôi là bố mẹ, là người lớn, là cả xã hội?
Nhưng kể cả tôi có là ai đi chăng nữa, thì tôi cũng không có quyền làm vậy. Khoảnh khắc tôi đưa ra ý kiến trong đầu mình về một ai đó chính là thời điểm tôi nhảy xuống giếng và bắt đầu kêu như một con ếch, rất to, triết lí, cao thượng và đầy lí tính.
“Vậy lẽ nào cứ để mọi thứ diễn ra một cách ngẫu nhiên, không kiểm soát?” Có những việc đương nhiên ta hoàn toàn có khả năng điều khiển, nhưng đôi khi có những sự việc xảy ra ngoài tầm đến mức “bất ngờ chưa mấy má”. Chính suy nghĩ lí tưởng hóa mọi việc khiến chúng ta vô tình rơi vào trạng thái kiểm soát, can thiệp. Bạn không thể biết việc gì sẽ xảy ra trong 5 phút nữa, nên đừng cố gắng vẽ ra một tương lai xa vời, đừng hi vọng một đứa con khiến ta tự hào!
Hãy để cho con là chính với con người của con một cách trọn vẹn, ta yêu con, yêu mọi sự tốt đẹp, mọi điều hạn chế của con.
Bạn cần giải phóng suy nghĩ của mình một cách rộng hơn, đừng chỉ đọc những gì tôi viết rằng: Hãy buông tay, hãy để con muốn làm gì thì làm, nhưng xin đừng từ chối con: Cứ để con giận dỗi, để con la hét, hãy cho con được khóc, hãy để cho con được là đứa trẻ “hư”, hãy để cho con được học.
Hãy để cho con và ta sống trong từng giây phút, hiểu những gì chúng ta đang làm. Khi ta hiểu ra rằng, à cuộc sống có nhiều cách để nhìn nhận, thì tự khắc ta sẽ hiểu phải cần và không cần làm gì! Đừng mang từ “DẬY DỖ” vào cuộc sống hàng ngày vì ta vô tình mang cái BIẾT của mình và định kiến của xã hội để cấm cản con. Điều đó dường như chỉ để thể hiện rằng ta tốt, ta vô tình che dấu con người thật của con và có khả năng che dấu chính con người ta. Ta thể hiện quyền lực của mình lên người khác chỉ với mục đích “người ngoài nhìn vào họ không đánh giá”. Ta sợ sự phán xét rằng mình không đủ tốt nhưng ta luôn luôn phán xét mọi người!
Một hành trình dài không thể bắt đầu nếu không đặt bước chân đầu tiên. Tôi cũng đã từng rất sợ hãi, lúng túng trong quá trình buông tay con, nhưng tôi đã dũng cảm hơn, dám đi và đi rất chậm trên con đường đó. Tôi tự nhắc nhở bản thân: Liệu trong tình huống này mình có thể KỆ nó không? Nhưng hãy DÁM thử dù 1 lần, 2 lần bạn sẽ cảm thấy có lẽ sẽ không khó lắm, và điều quan trọng là bạn KHÔNG phải dồn năng lượng của chính mình để điều chỉnh hành vi của người khác. Hãy dành năng lượng đó để hiểu, và xem xét liệu ta có cách phản ứng tốt hơn với hành vi đó không.
Xin hãy ghi nhớ: Chỉ làm bất kì điều gì cần làm, và đừng làm bất kì điều gì không cần làm!