top of page

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI CƠN MÈ NHEO/ĂN VẠ Ở TRẺ?

Bài đăng của thành viên Thu Trang Vũ trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Mè nheo/ăn vạ có thể nói là một “đặc sản” của các bé ở độ tuổi từ 2-5 mà các bậc cha mẹ chắc hẳn ai cũng phải “nếm” qua “đặc sản” này trên hành trình làm cha mẹ của mình. Tuy nhiên, thực sự không bố mẹ nào muốn phải thường xuyên phải “chịu đựng” những cơn mè nheo/ăn vạ của con mình và đều muốn tìm được cách để “chế ngự” những cơn mè nheo/ăn vạ ấy.


Nghe thì có vẻ khó khăn, nhưng thực ra nếu hiểu đúng bản chất của vấn đề, chúng ta có thể dễ dàng xử lý và đối phó với việc trẻ mè nheo/ăn vạ một cách thật nhẹ nhàng mà không cần phải tốn nhiều calo để quát tháo con, bức xúc tinh thần, dẫn đến sứt mẻ tình cảm mẹ/con, bố/con.


HIỂU RÕ BẢN CHẤT CỦA MÈ NHEO/ĂN VẠ Nhiều người lớn thực sự rất “dị ứng” với các thể loại mè nheo/ăn vạ ở trẻ, tuy nhiên, phải nhìn nhận một sự thật rằng đây hoàn toàn là điều BÌNH THƯỜNG trong quá trình trưởng thành của con trẻ.


Bố mẹ đừng vội nghĩ rằng con mình là “bé hư”khi có các biểu hiện mè nheo/ăn vạ (khóc lóc, giãy giụa, lăn ra đất, kêu gào... để đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu). Bởi vì các bé trong độ tuổi này còn chưa có nhận thức rõ ràng, chưa biết diễn đạt tất cả mọi mong muốn của mình cũng như chưa hiểu rõ việc nào nên và không nên, do đó, những biểu hiện như trên chỉ là cách mà bé phản ứng với cha mẹ để đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu của mình.


Vậy nên, nếu như gặp phải những tình huống mè nheo/ăn vạ của trẻ, điều cần thiết đầu tiên là cha mẹ nên BÌNH TĨNH để xử lý vấn đề. Bởi chỉ cần bạn nóng nảy mà quát tháo hay tệ hơn là sử dụng đòn roi với con trẻ thì mọi sự giáo dục lúc này đều trở nên vô nghĩa. Do vậy, hãy coi những biểu hiện, hành vi của trẻ là hoàn toàn bình thường, bố mẹ mới có thể bình tĩnh để giải quyết vấn đề.


THỂ HIỆN THÁI ĐỘ KIÊN QUYẾT VÀ NHẤT QUÁN

Khi trẻ có biểu hiện mè nheo/ăn vạ để đòi hỏi bố mẹ đáp ứng nhu cầu của bản thân, bố mẹ nên thể hiện thái độ kiên quyết và nhất quán với quyết định của mình để trẻ hiểu rõ.


Nếu con đòi hỏi những điều vô lý hay không đúng với quy tắc của gia đình (ăn kẹo trước bữa ăn, đòi mua đồ chơi ở siêu thị, đòi ở lại chơi không muốn về...), bố mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích ngắn gọn lý do mình không đồng ý với yêu cầu của con và cố gắng kiên quyết, không lung lay trước những giọt nước mắt hay tiếng gào khóc của trẻ. Lúc này, với những gia đình đã thiết lập quy tắc rõ ràng với con từ đầu (không ăn kẹo trước bữa ăn, không được mua đồ chơi nếu không phải dịp đặc biệt hay được thưởng...) thì trẻ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận và nghe theo lời bố mẹ.


Tuy nhiên, với những gia đình không thiết lập quy tắc ngay từ đầu, sẽ khó khăn hơn để trẻ chấp nhận điều đó (bởi trẻ sẽ không hiểu được rằng tại sao lần trước mình đòi bố mẹ thì được mà lần này lại không). Bởi vậy, điều quan trọng là cần có quy tắc trong gia đình và bố mẹ cũng nên nhất quán, thống nhất quan điểm của cả hai.


KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI TRẺ VƯỢT QUA SỰ BÙNG NỔ CẢM XÚC

Tantrum hay còn gọi là sự bùng nổ cảm xúc ở trẻ xảy ra khi trẻ thể hiện cảm xúc giận dữ, la hét, gào khóc... trước những vấn đề mà trẻ không hài lòng hay mong muốn. Nếu như cha mẹ tìm hiểu kỹ, có thể biết rằng tantrum trải qua 5 cấp độ và sự can thiệp của cha mẹ vào các thời điểm khác nhau của những cấp độ khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Để trẻ trở nên hợp tác hơn, cách tốt nhất là cha mẹ không nên can thiệp vào quá trình bùng nổ cảm xúc (tantrum) của trẻ.


Khi trẻ đang giận dữ, khóc lóc, la hét.... điều tốt nhất là bố mẹ nên đứng sang một bên quan sát và để trẻ tự do bộc lộ hết cảm xúc của mình. Lúc này, mọi sự can thiệp như cố gắng dỗ dành hay thỏa hiệp đều là sai lầm và khiến trẻ không thể điều chỉnh được hành vi, cảm xúc của mình. Tùy thuộc ở mỗi đứa trẻ, khi giai đoạn gào khóc, la hét qua đi, trẻ có xu hướng được ôm ấp, vỗ về (tiếng khóc giảm nhẹ hơn, hướng tới sự chú ý của cha mẹ) thì lúc này bố mẹ mới nên lại gần, ôm trẻ và nhắc lại thông điệp của mình.


Trong trường hợp trẻ ăn vạ ở chỗ đông người hoặc có thể có sự can thiệp của người khác, bố mẹ có thể đưa con đến nơi chỉ có riêng trẻ và bố mẹ (phòng riêng) để tránh những sự tác động của mọi người xung quanh. Còn nếu như không thể làm vậy, bố mẹ cũng yên tâm rằng thái độ của bố mẹ mới là quan trọng nhất, trẻ chỉ nhìn vào thái độ của bố mẹ để thể hiện hành vi của mình.


MỘT CÁI ÔM VÀ XOA DỊU TRẺ

Sau khi trẻ vượt qua sự bùng nổ cảm xúc của mình, con hiểu sự đòi hỏi của mình không thể được bố mẹ đáp ứng, lúc này trẻ sẽ chấp nhận và không mè nheo/ ăn vạ nữa. Điều mà cha mẹ cần nhất lúc này là hãy lại gần dành tặng cho con một cái ôm và xoa dịu trẻ bằng cách thừa nhận cảm xúc của trẻ.

VD: “Mẹ biết là con rất thích món đồ chơi này đúng không? Mẹ cũng thấy nó rất đẹp đấy. Con hãy cố gắng hợp tác để được thưởng (hoặc con hãy cố gắng chờ đến dịp sinh nhật nhé)


Điều cấm kỵ lúc này là tuyệt đối không nên nói những lời dạy dỗ như con không nên làm vậy, mẹ đã bảo là không được mà, bla bla... bởi điều đó chỉ khiến trẻ bức xúc thêm và phản tác dụng. Trẻ con rất thông minh, các bé sẽ nhận ra bài học cho mình nếu như cha mẹ nhất quán và kiên định với thái độ của mình.


Còn một điều nữa là nhiều cha mẹ lựa chọn việc nhốt trẻ vào phòng riêng để trẻ khóc một lúc hoặc bỏ mặc trẻ khóc chán thì thôi. Quan điểm của mình là không ủng hộ cách làm này bởi việc để con tự do vật lộn với cảm xúc của mình hay con gào khóc nhưng vẫn yên tâm là cha mẹ vẫn luôn ở bên mình là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc còn non nớt của con. Cũng giống như khi bạn lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác nhưng biết chắc rằng có người luôn dõi theo ủng hộ mình, khác với việc tự mình dò dẫm tìm đường và không nhận được sự ủng hộ của bất kỳ ai phải không nào?


Chia sẻ thực tế là bạn Sóc nhà mình cũng đã từng trải qua rất nhiều lần ăn vạ/mè nheo như thế nhưng mình luôn kiên định áp dụng các bước thực hiện như trên, nhờ vậy, những cơn ăn vạ/mè nheo của con cũng diễn ra nhanh hơn và tần suất giảm dần. Giờ bạn Sunny đã ngoài 2 tuổi, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của tuổi “khủng hoảng” nên những cơn ăn vạ/mè nheo chắc chắn tới đây sẽ không thể tránh khỏi.

Nhưng mình tin rằng, việc bố mẹ đồng hành cùng con trải qua những sự bùng nổ cảm xúc đấy cũng là sự cần thiết cho quá trình phát triển của con.

35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page