Đừng để đứa trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Bài đăng của thành viên Ngoc Bao Tra My trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Khi còn nhỏ mình đã thèm khát được ở bên bố mẹ mỗi tối biết bao nhiêu.
Ban ngày đi học thì không để ý, nhưng chiều tối, mỗi khi ánh đèn sáng lên, cảm giác trống vắng lại xâm chiếm, khiến mình cứ bồi hồi ngó ra cổng, mong ngóng tiếng xe máy quen thuộc trở về.
Lúc ấy, một đứa trẻ mấy tuổi đã biết cô đơn là gì.
Thậm chí có lúc, mình từng ước được là con nhà hàng xóm. Dù có ngày bọn trẻ hàng xóm ăn roi thay cơm, mình vẫn ước, chỉ bởi vì dù có bị đánh, thì ít nhất còn được nghe tiếng người thân quen. Vì bố mẹ đi làm xa, mình luôn ước mong được có ai đó ở bên.
Và bây giờ…
Không phải không có những gia đình bố mẹ con cái ở xa nhau, vì miếng cơm manh áo.
Không phải không có những gia đình bố mẹ ở nhà, nhưng bận đi làm từ sáng tới tối, về lại tiếp tục làm việc. Thế là việc ai nấy làm, con học bài, xem tivi, chơi điện tử…. Những chủ đề nói chuyện giữa các thành viên hầu như không có. Dù đơn thuần trong những câu chuyện chỉ là con hớn hở kể với bố mẹ hôm nay con được cô khen con vẽ đẹp, bố mẹ chú ý sẽ thấy ánh mắt trẻ vô cùng rạng rỡ. Hay chỉ là hôm nay con đã làm được việc tốt, hôm nay con được đi xe đạp ở sân trường, hôm nay bạn A sinh nhật, chúng con được ăn bánh ăn kẹo... Những câu chuyện tưởng như không đầu không cuối nhưng chất chứa bao tâm tư của trẻ.
Không thiếu những gia đình thường xuyên bố mẹ đánh, mắng trẻ vì những lỗi nhỏ nhặt, thậm chí chỉ vì chúng lỡ làm vỡ cái đĩa mà mẹ mới mua hay hôm nay bị điểm kém… Trong gia đình, trẻ hiếm khi được lắng nghe ý kiến, rồi sau đó chúng tự lựa chọn im lặng, chứ không phải bảo vệ chính quan điểm của mình.
Và khi lớn lên, có bất cứ điều gì, khi con cần giải quyết vấn đề, thì người đầu tiên con nghĩ đến chắc chắn không phải bố mẹ. Vậy trước bao nhiêu thứ lạ lẫm, dụ dỗ ngoài kia, khi chúng còn non nớt, chúng biết dựa vào đâu để trưởng thành?
Trẻ mất thói quen tương tác, tâm sự với bố mẹ từ lâu, nhỏ không quen thì sao lớn lại tâm sự để giải đáp khúc mắc được?
Kể từ khi mang thai bạn lớn, mình đã chuẩn bị tâm lý cho việc sinh nở và dành thời gian quan tâm cho bạn. Ngoài việc bình thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, thì việc chơi của bạn, xem tivi hay tương tác với bố mẹ, mình cực kì để ý.
Mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi mình sinh em thứ 2 quá gần bé đầu do lỡ kế hoạch. Gọi là lỡ, vì mình chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho bạn lớn Bảo Nhi.
Bận rộn vì bạn bé, thêm phần mệt vì mới sinh xong, thời gian mình dành cho Nhi không còn nhiều như trước. Và hình như đâu đó người ta thường hay nói: có em thì con sẽ bị cho ra rìa. Chính việc bố mẹ bận rộn với em, và Nhi cũng cảm thấy thời gian mình được quan tâm không còn nhiều. Nên bạn thường xuyên hờn dỗi, khóc, đòi hỏi rất nhiều thứ..
Dù có những ngày hút sữa thật sự oải, muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến con lại cố, không cố thì tắc sữa.
Có những ngày mình bất lực vì con tự dưng lăn ra khóc vô cớ, mặc kệ mình dỗ ngon ngọt, bế ẵm, dụ bằng quà các kiểu….
Có những ngày em ốm, một tay mẹ bế em, tay mẹ dỗ chị vì chị thèm mẹ, nằng nặc đứng ôm chân.
Và mình biết mình cần cố gắng, sắp xếp lại thời gian dành cho con.
May mắn là mình có một ông xã thương vợ thương con, sẵn sàng giúp đỡ mình rất nhiều. Trong khi chồng chăm em bé thì mình sẽ dành thời gian cho Nhi. Dành thật nhiều thời gian chăm sóc: đưa đón con đi học, chủ động tâm sự, lắng nghe chuyện con kể, tối đọc sách, tham gia hoạt động vẽ cùng con.
Mình cũng tận dụng triệt để cơ hội để Nhi có thể tiếp xúc, chơi cùng em, giúp đỡ mẹ chăm em, để khiến bạn không còn cảm thấy em xa lạ, và nghĩ em là người tranh giành mẹ với mình nữa. Ngược lại, cảm giác được giúp đỡ mẹ, giúp em sẽ khiến con gần gũi hơn.
Rồi tất cả cũng qua…
Hai em bé bây giờ đã lớn, hiểu chuyện và yêu thương nhau hơn.
Vợ chồng mình công việc đều bận, đi từ sáng đến tối mới về. Tuy nhiên, nhà mình đã thống nhất rõ: dù buổi tối bận đến mấy thì ít nhất cũng có một người “rảnh” để bên con. Công việc đều có thể sắp xếp được, thậm chí bận thì sau khi con đi ngủ bố mẹ dậy làm tiếp.
Mình nhớ giai đoạn cách đây 2 năm bắt đầu cho Nhi tiếp xúc tiếng Anh, bạn ấy thích hoạt động vẽ tranh, cắt dán hay chơi trò chơi tiếng Anh. Dù biết rác nhà và khâu dọn dẹp mệt lắm, nhưng hai vợ chồng đều cố gắng dành hết mức thời gian có thể để hỗ trợ con tốt nhất, vì mình biết quãng thời gian vàng để con học và khám phá mọi thứ không phải cứ trôi qua là sau vẫn lấy lại được.
Có hôm thì chỉ nghe loa đài, trong lúc mẹ dọn thì bố chơi với con, mẹ đi tắm thì bố đọc truyện con nghe. Đọc sách cùng nhau, rồi kể chuyện hàng ngày là một điều mà chắc chắn bất cứ đứa trẻ nào cũng thích, nhất là được nghe giọng truyền cảm của bố mẹ, và qua đó chúng cảm nhận sự ấm áp, được lắng nghe.
Dành thời gian cho con: Nhiều hay ít không quan trọng bằng chất lượng!
Đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong tất cả hành động của hai vợ chồng mình. Nhưng bản thân mình cũng có lúc bận mà quên thực hiện lời hứa với con. Có lúc nóng tính, con không hợp tác mẹ sẽ bảo: “mẹ đang bực” rồi quay đi, sau đó mới quay lại thủ thỉ.
Có những lúc vì tham công việc mà ỉ lại con đã lớn, đã biết tự chơi tự học, tự ngủ, mà chạy sang phòng khác làm việc, mặc kệ con đang hào hứng nói nốt câu chuyện còn dang dở trước khi đi ngủ.. để sáng hôm sau con vẫn nhắc mẹ lần sau đừng bỏ đi như thế.
Khi nào thấy bản thân đang đi chệch hướng, mình lại cố gắng chỉnh cho nó về đúng tiêu chí đó. Mình tin rằng chỉ cần tâm bố mẹ luôn sáng, sẽ không thiếu cách để con có thể cảm nhận được yêu thương. Có thể nếu thiếu tình thương, hoặc tình thương “đặc biệt” như kiểu cho roi cho vọt, thì bao đứa trẻ vẫn lớn, vẫn trưởng thành. Nhưng ít ai kiểm chứng được, liệu rằng chúng có thực sự hạnh phúc đủ đầy hay không. Hay là chúng vẫn thèm khát, tiếc nuối một điều gì đó và vẫn mòn mỏi đi tìm câu trả lời. Họ sẽ tìm thấy, hay không thấy, và tới lượt mình, họ sẽ áp dụng cho cho con cái của họ như thế nào?