Đừng nhầm lẫn giữa "hà khắc" và "nghiêm khắc".
Đừng nhầm lẫn giữa “hà khắc” và “nghiêm khắc”, giữa “kiên nhẫn” và “nuông chiều”.

Sự kiên nhẫn cần đến từ sự thấu hiểu. Thấu hiểu rằng ở mỗi độ tuổi, khả năng tiếp thu, ghi nhớ của con có giới hạn, đâu là những kỳ vọng quá sức với đặc điểm sinh học và tính cách riêng của trẻ. Có vậy, sự kiên nhẫn mới mang lại hiệu quả.
Kiên nhẫn không bao giờ đồng nghĩa với nhẫn nhịn. Bạn nhẫn nhịn và cố gắng không bùng lên sự tức giận khi con ăn vạ là điều đáng được ghi nhận. Nhưng sự kiên nhẫn ở đây cần được hiểu là sự kiên nhẫn đường dài. Kiên nhẫn đợi con phát triển, qua thời gian con sẽ đủ khả năng tiếp thu, ghi nhớ được những lời dạy bảo.
Kiên nhẫn lại càng không bao giờ đồng nghĩa với bỏ mặc. Con chưa hiểu không có nghĩa là không cần hướng dẫn. Sự hướng dẫn và bảo ban của bạn lúc nào cũng cần thiết. Trẻ càng được hướng dẫn sớm càng nề nếp sau này. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng một em bé 3 tuổi có thể tự lập và hiểu chuyện như em bé 7 tuổi sau những nỗ lực dạy dỗ. Điều đó là không thể!
Em bé 3 tuổi của bạn có thể hứa với bạn rất nhiều điều ngày hôm nay rồi ngay lập tức quên sạch.
Em bé 3 tuổi của bạn hôm nay có thể hiểu rằng cháo là của em, nhưng hôm sau lại vẫn nằng nặc khóc đòi ăn.
Em bé 3 tuổi của bạn có thể leo lẻo “đánh người khác là xấu” nhưng khi vào cơn tức giận vẫn sẽ không kiểm soát được mà đánh mẹ, đánh anh. _________
Vậy cha mẹ có thể làm gì để vừa dạy con, vừa kiên nhẫn, bình tĩnh?

1. Bạn cần biết chấp nhận. Chấp nhận rằng ở mỗi độ tuổi, nhận thức của trẻ có giới hạn nhất định.
2. Bạn cần có sự kiên định trong các quy tắc mình đã đặt ra, không nên để cảm xúc lấn át dẫn đến hành xử với con không thống nhất. Con sẽ không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tại sao lúc dịu dàng, lúc gay gắt? Tại sao lúc đồng ý, lúc không? Tại sao với bố thì được, với mẹ thì không? Bé không cảm nhận được sự rõ ràng của quy tắc thì sẽ có xu hướng ăn vạ nhiều hơn để đạt được điều mình muốn. Bạn không cần phải trừng trị bé một cách hà khắc, chỉ cần nói “không” với thái độ kiên định.
Ví dụ: Nhà có quy định không ăn bánh ngọt trước giờ cơm thì dù bé khóc cỡ nào cũng không thay đổi được quy tắc. Không nên vì hôm nay bé khóc dữ quá hay sợ bé bỏ ăn một bữa mà chiều theo bé. Bỏ ăn một bữa hôm sau ăn bù là được. Quy tắc vi phạm rồi sẽ rất khó thiết lập lại.
3. Thái độ của bạn cần cứng rắn khi bé có hành vi chưa phù hợp. Dịu dàng và nhẹ nhàng cũng được, nếu điều đó phù hợp với tính cách của bạn và bé. Cứng rắn không có nghĩa là phải phạt, dùng đòn roi hay quát tháo. Cứng rắn chỉ đơn giản là nét mặt, giọng nói, thái độ của bạn thể hiện rằng bạn không hài lòng và không chấp nhận hành vi đó. Bạn cũng cần hướng dẫn cho bé nên làm gì tốt hơn vào những lần sau, thay vì chỉ dạy bé điều gì là không được.
4. Đừng mang tình yêu ra để trao đổi. Con có hành vi chưa phù hợp, bạn không đồng tình với hành vi đó và cần uốn nắn con, nhưng không có nghĩa là con không xứng đáng được yêu thương nữa. Đừng hù doạ bé về việc bạn sẽ lấy đi tình yêu của mình nếu bé “không ngoan”, “không nghe lời”. Hãy tách bạch giữa hành vi và tình yêu.