top of page

Đừng nhân danh tình yêu để dạy dỗ trẻ bằng đòn roi!

1. Người ta chỉ nhân danh tình yêu để dạy dỗ trẻ bằng đòn roi, nhưng thực ra đó là sự bất lực trong giáo dục.


Có thể phụ huynh sẽ cảm thấy đụng chạm nhưng thực tế đúng là như vậy. Có một điểm cần làm rõ, đó là sự bất lực này không đến từ đứa trẻ. Hành động xuống tay đánh trẻ thể hiện nỗi sợ mất quyền kiểm soát tình hình của người lớn.


Chúng ta không đánh sếp, không đánh đồng nghiệp, không đánh hàng xóm nếu chúng ta tức giận hay nếu họ trái ý ta. Chúng ta đánh con, trút giận lên chúng vì chúng ta biết đó là đối tượng không có khả năng tự vệ, cũng không có khả năng rời bỏ mối quan hệ này. Nếu thật sự đòn roi thể hiện tình yêu, tại sao bạn không đánh cha mẹ để thể hiện tình yêu với họ?


Bạn thấy đấy, con trẻ không bao giờ muốn làm tổn thương cha mẹ mình ngay cả khi bất mãn với họ. Chỉ có cha mẹ luôn nhân danh tình yêu để làm tổn thương con cái thôi.

Người lớn luôn có quyền lựa chọn ra đi hay ở lại khi một mối quan hệ có dấu hiệu bạo lực, nhưng trẻ con thì không thể. Chúng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chịu tổn thương.

2. Chúng ta cần nhìn lại về khái niệm những đứa trẻ bị gọi là hư đốn, cứng đầu… như thế nào?

Các cụ có câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện", nghĩa là vốn con người sinh ra đều mang tính thiện và hướng thiện. Trẻ con đứa nào cũng mong mình trở thành trẻ ngoan, chẳng đứa nào cố tình "hư đốn" cả. Nếu trẻ có hành vi chưa phù hợp, đó là do nhận thức trẻ chưa hoàn thiện và chưa có đủ kinh nghiệm cư xử trong thế giới người lớn. Trẻ không cố tình trở nên hư đốn và cứng đầu để gây khó dễ cho cha mẹ.


Trước hết, chúng ta nên ngừng gắn nhãn trẻ là hư đốn, thay vào đó hãy hiểu rằng đó chỉ là hành vi chưa phù hợp. Hành vi chưa phù hợp thì điều chỉnh và hướng dẫn, không phải là trừng phạt. Giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với trừng trị. Cần tách bạch giữa hành vi chưa phù hợp và bản chất của một con người. Hành vi chưa phù hợp không có nghĩa là đứa trẻ hư đốn.


Thứ hai, từng cha mẹ hãy nghiêm túc định nghĩa lại "hư đốn" là như thế nào? Một đứa trẻ 2 tuổi khóc khi không lấy được món đồ mình muốn hay một đứa trẻ 8 tuổi không tập trung vào bài học không thể gọi là hư đốn mà ở tuổi đó, khả năng của chúng chỉ có như vậy. Sự trừng phạt chỉ gieo rắc nỗi sợ và uốn nắn hành vi bề nổi, chứ không thể giúp trẻ tốt lên từ tâm trí.



3. Giáo dục không bao giờ đồng nghĩa với trừng trị


Chúng ta không cần đánh đập con trẻ mà vẫn có thể thể hiện được cái uy và sự nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc đúng đắn phải xuất phát từ tình yêu và sự thấu hiểu, không phải từ mong muốn thuần phục hay để đạt được mục đích cá nhân.


Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh việc "đánh một hai cái có sao đâu" hay "lúc cần vẫn phải đánh". Vấn đề ở đây là nếu bạn cho mình quyền làm tổn thương trẻ khi trẻ sai, trẻ cũng cho người khác cái quyền đó hoặc cho phép bản thân làm tổn thương người khác khi họ sai (ví dụ như em nhỏ).


Sự nghiêm khắc đúng đắn thì không như thế. Nghiêm khắc chỉ đơn giản là thực hiện đúng những cam kết, quy định và thỏa thuận đã đề ra; dạy trẻ biết được hệ quả của hành động, đôi khi để trẻ tự lãnh chịu hệ quả đó, từ đó trẻ tự tìm cách điều chỉnh hành vi của mình, trao cho trẻ quyền quyết định và cơ hội sửa sai.

Sự nghiêm khắc đúng đắn dạy trẻ biết tôn trọng các giới hạn của bản thân, của người khác, của xã hội mà không mất đi sự tử tế.

Trong hầu hết tình huống dẫn đến xung đột cha mẹ - con cái, nguyên nhân phần lớn đến từ sự kỳ vọng chưa phù hợp và áp lực không cần thiết. Ví dụ, trong bối cảnh các cháu đều học online, việc phụ huynh kỳ vọng con sẽ tập trung, nghiêm túc, tiếp thu và hiểu bài như đi học trên lớp là những kỳ vọng chưa phù hợp. Hay như áp lực các cháu phải đạt thành tích tốt như khi đi học trên lớp cũng là những áp lực không cần thiết. Thực tế, học online ở nhà luôn khiến trẻ dễ mất tập trung, kết quả không cao như khi học trên lớp là điều bình thường. Hãy tin rằng cháu nào cũng thế, cháu nào không thế đều là số ít và là ngoại lệ xuất chúng thôi.

Chấp nhận thực tế và giảm bớt kỳ vọng sẽ tránh được những xung đột không đáng có.

4. Những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp trưởng thành rất khác


Bên cạnh những cá nhân bị hủy hoại cả cuộc đời mà xã hội dễ dàng nhìn thấy được, điều đáng sợ hơn là bên cạnh đó có vô vàn những đứa trẻ có tuổi thơ bị đòn roi, mắng chửi hay bạo hành tâm lý mà lớn lên có biểu hiện bề ngoài không khác gì những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp. Họ vẫn lớn lên, học hành giỏi giang, thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, họ có thể mắc những rối loạn hay lệch lạc về tâm lý mà bản thân họ còn không biết.


Hiện nay có một tranh cãi không hồi kết trong các hội nhóm nuôi dạy con, đó là: "Ngày xưa mình cũng bị đánh suốt có sao đâu". Vấn đề chính là ở chữ "có sao đâu" ấy. Khi một đứa trẻ bị đánh quá thường xuyên bởi người mà chúng yêu thương, chúng sẽ hình thành nên một nhận thức lệch lạc rằng bạo lực là biểu hiện của tình yêu, rằng chúng đáng bị như vậy, rằng những tổn thương của chúng là "chẳng sao cả".


Những đứa trẻ đó khi lớn lên có thể tiếp tục chấp nhận là nạn nhân của bạo hành, hoặc trở thành kẻ bạo hành trong gia đình mà vẫn coi đó là chuyện bình thường. Dễ thấy nhất là những phụ huynh có tuổi thơ bị đòn roi đó vẫn cho rằng họ có quyền đánh đập con họ, ngay cả khi pháp luật đã ngăn cấm, đơn giản vì họ chưa từng được trải qua cách dạy dỗ nào khác tốt hơn.


Theo công trình của hai nhà nghiên cứu Janet Currie và Erdal Tekin tại Đại học Cambridge, hoàn thành tháng 4 năm 2006, những đứa trẻ bị ngược đãi và bạo hành có khả năng phạm tội khi trưởng thành cao gấp 2 lần so với những trẻ không bị ngược đãi.


Có thể nhiều người sẽ tranh cãi dựa trên những trải nghiệm cá nhân của họ và những mối quan hệ xung quanh. Vấn đề là những mối quan hệ trong cả đời của một người vẫn chỉ là một mẫu rất nhỏ so với lượng mẫu được lấy cho một nghiên cứu. Vì vậy, kết quả các công trình nghiên cứu luôn có tính chính xác cao hơn.


Những đứa trẻ có tuổi thơ êm đẹp đều trưởng thành rất khác. Chúng có một thứ mà những đứa trẻ tổn thương không bao giờ có. Đó là một tâm hồn lành lặn và bản năng tự nhiên để tiếp tục gieo những hạt giống tốt ở đời sau mà không phải chật vật hay bế tắc. Những đứa trẻ đó lớn lên cũng dễ dàng bao dung, thông cảm và yêu thương người khác, biết ơn cuộc sống, y như cách mà chúng đã được lớn lên.


Điều quan trọng nhất để dẫn cha mẹ có lối đi đúng là phải luôn nhớ rằng: Con là một cá thể độc lập, con không thuộc quyền sở hữu của chúng ta, không phải chịu ơn chúng ta, không sống thay những ước mơ và mong muốn mà chúng ta không đạt được.


Đừng cho rằng mình có thể can thiệp vào cuộc đời con hay uốn nắn con thành phiên bản mình muốn. Đặc biệt, chúng ta không có quyền làm tổn thương trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta hãy nhớ mình chỉ là người đồng hành và giúp đỡ của con thôi.

Hãy nhìn tình yêu của những đứa trẻ và học theo chúng bởi đó chính là tình yêu thuần khiết nhất. Tình yêu thuần khiết của trẻ con không có bất kỳ điều kiện nào, cũng không có tiêu chuẩn. Yêu một người đơn giản vì chính bản thân người đó thôi.
14 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page