Gia đình không trọn vẹn thì làm sao?
Bố mẹ con không ở với nhau thì gọi là “ly dị” ạ?
Cũng không hẳn con ạ. Nhưng về bản chất thì cũng giống ly dị, tức là họ không ở bên nhau nữa.
Xã hội hiện đại ngày nay không thiếu những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khiếm khuyết: thiếu bố, thiếu mẹ, hoặc thiếu cả hai. Tất nhiên như vậy là thiệt thòi, nhưng KHÔNG có nghĩa đứa bé đó không thể lớn lên một cách lành mạnh, không thông minh hay không thể thành đạt trong tương lai. Chúng hoàn toàn có cơ hội trưởng thành toàn diện, vui vẻ và hạnh phúc.

Về mặt duy tâm, các bậc giác ngộ cho rằng mỗi đứa trẻ xuất hiện trên đời này đều là sự sắp đặt mang ý nghĩa nào đó mà tạo hoá dành cho loài người. Chúng có sứ mệnh riêng và liên quan đến sứ mệnh của những người nuôi dưỡng, không có sự sống nào thừa thãi hay là sai lầm trong cuộc đời này cả. Tất cả nằm ở một chữ “duyên”. Bởi vậy, trẻ con không nợ chúng ta cái gì, mà chính người lớn nợ chúng. Họ nợ chúng tình yêu, sự tôn trọng, sự đồng cảm… Và đôi lúc, còn nợ cả sự trung thực.
Khi đứa bé hỏi: Tại sao con không có bố/mẹ? Ông bà của con là ai? Tại sao bố/mẹ không bao giờ đến thăm con? Bố/mẹ con có yêu con không?… Thay vì một câu trả lời thành thật, người lớn bịa ra đủ mọi lý do cho sự mất mát của nó:
Bố/mẹ con đi công tác chưa về được.
Tuy bố/mẹ con ít gặp con nhưng họ rất yêu con đó.
Và rất nhiều lời nói dối tương tự như thế nữa. Họ tưởng nói dối có thể giúp đứa bé được an ủi, bớt tủi thân, hoặc phần nào bù đắp được tình cảm thiếu hụt. Nhưng rất tiếc, dối trá có thể giúp họ xoa dịu con trẻ lúc ấy chứ không có lợi về lâu dài, thậm chí còn huỷ hoại đứa trẻ bằng nỗi thất vọng bởi vì chẳng có sự thật nào nằm yên trong bóng tối mãi mãi. Sẽ ra sao nếu trẻ biết rằng bố/mẹ không phải đi công tác, mà thực chất là họ đã bỏ rơi chúng? Sẽ ra sao nếu trẻ phát hiện ra bố/mẹ không yêu thương chúng nhiều như chúng tưởng?
Con trẻ rốt cuộc đều sẽ lớn lên, trưởng thành và đủ nhận thức để cảm nhận. Xin đừng quên, trẻ con là những cá thể thông minh và nhạy cảm, là điều mà Maria Montessori trân trọng gọi là “bí ẩn kỳ diệu của đấng siêu nhiên”. Chúng không phải một trí tuệ tầm thường để người lớn tha hồ lèo lái theo ý muốn của họ. Người trưởng thành có ai muốn nhận được lừa dối và giả tạo không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao họ lại muốn trao điều đó cho đứa trẻ?
Có một sợi dây vô hình và bền vững liên kết bố mẹ và con cái. Không cần nói dối, không cần giả tạo, tình cảm vẫn sẽ trường tồn nếu giữa hai phía, yêu thương thực sự tồn tại. Chúng ta không cần phải làm gì một cách khiên cưỡng để giữ chặt sợi dây ấy ngoài một tấm lòng chân thành dành cho nhau. Tình cảm không phải tương tác một chiều, chỉ một bên hời hợt, tất cả sẽ thành vô nghĩa cho dù có tốn cả nghìn lời nói hay hành động giả tạo để lấp liếm.
Trong seri truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc có tên ‘Hospital Playlist’ có đoạn bác sỹ Seok Hyeong nói thế này:”Khi mẹ tôi bảo sẽ ly hôn với bố, hai người họ cuối cùng cũng ly hôn, làm tôi thấy… sướng rơn.” Mình hoàn toàn hiểu tâm trạng này, bởi vì đó cũng là tâm trạng mình từng có. Không có gì mệt mỏi và khiến ta kiệt quệ bằng việc sống mãi trong vỏ bọc giả dối. Sau tất cả, ai cũng sẽ tìm về và đối mặt với sự thật, chấp nhận nó, tìm cách “chung sống hạnh phúc” với nó thôi. Mọi sự khiên cưỡng hoặc giả tạo đều chỉ mang lại mệt mỏi.
Gia đình không trọn vẹn thì làm sao? Việc gì phải né tránh? Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được tôn trọng. Xin đừng hủy hoại chúng bằng nỗi thất vọng xuất phát từ sự thiếu trung thực của người lớn. Dù đó là ý định tốt, nhưng dối trá mãi mãi là tiêu cực, sự tiêu cực thì không thể mang lại điều tốt đẹp. Nói sự thật và giúp trẻ chấp nhận sự thật, trao cho chúng những gì bạn có, nói với chúng những thứ bạn biết thay vì khiến chúng sống trong ảo tưởng dễ tan biến như bong bóng xà phòng. Bạn chỉ cần thực tâm yêu trẻ, bạn không cần phải cố gắng để thay thế vị trí của ai trong chúng hết.
Nếu bạn là một ông bố hay bà mẹ đơn thân, hoặc là người chăm sóc một đứa trẻ vắng bố mẹ, đừng ngại chia sẻ với con rằng: “Bố/mẹ con có những nỗi niềm hoặc lý do riêng khiến họ không thể gặp con. Chúng ta không thể biết được tâm tư người khác trừ khi họ nói cho ta biết. Nhưng ta chắc chắn một điều, rằng (chúng) ta - những người ở bên con, chăm sóc, lo lắng cho con - yêu con rất rất nhiều. Hạnh phúc của con là điều chúng ta cầu nguyện, nụ cười của con là phần thưởng của chúng ta, và được ở bên mỗi ngày là điều chúng ta mãn nguyện nhất. Con hãy luôn nhớ, con sở hữu rất nhiều tình yêu, con không bao giờ đơn độc...”