top of page

Giao tiếp với con bằng "Lời hay ý đẹp"


Năm ngoái khi đăng bài về cách khen ngợi trẻ theo lý thuyết tư duy phát triển, mình đã nhận được phản hồi rằng đó là một kiểu giao tiếp theo “ngôn ngữ điện ảnh”. Mình rất ấn tượng và có dành thời gian suy ngẫm về bình luận đó, rồi kết luận: “Công nhận, nhà mình nói năng từ trước tới giờ “điện ảnh” thật!” Mẹ “điện ảnh” nên con cũng tự nhiên “điện ảnh” theo. Mà thôi, mình xin chuyển sang gọi là “lời hay ý đẹp” cho văn vẻ hơn ạ!


- Con không tu ti nứa. Con cảm ơn mẹ ạ!

- Mẹ ơi, con muốn ôm mẹ. Con thấy ôm mẹ là thoải mái nhất.

- Mẹ ơi, con buồn ngủ rồi nhưng mà màn hình của mẹ hơi sáng quá. Mẹ chịu khó bật màn hình tối hơn một chút chút chút nhé.

- Mẹ có thể giúp con mở cái bánh này ra không, con nghĩ là nó hơi khó với một bé 6 tuổi.

- Con nhớ bố, nhớ bà quá. Gia đình mà ở bên nhau đầy đủ thì sẽ hạnh phúc hơn.

- Con muốn có em bé, nhưng chị thì không. Chị không thích em bé mẹ ạ. Con nghĩ là do chị sợ mọi người sẽ yêu em bé hơn chị, nhưng sự thật thì không phải thế đúng không?

- Hôm nay con cảm thấy rất là tức. Dù con đã nói rằng con không muốn rất nhiều lần, nhưng chị vẫn tiếp tục trêu con, chị hét vào mặt con.


Dù mục đích là nhờ vả, bày tỏ suy nghĩ hay giải tỏa cảm xúc, nó luôn nói năng chỉn chu như thế. Phải thú thật là mình rất thích nghe con nói. Mình cảm thấy dễ chịu với diễn đạt của nó, qua đó cũng dễ dàng hiểu hơn về nhu cầu cũng như cảm xúc để hỗ trợ con kịp thời, nhờ đó mà việc giao tiếp cũng giúp gỡ rối nhiều khó khăn trong quá trình “hợp tác” của mẹ con mình.


“Lời hay ý đẹp” có ý nghĩa thế nào đối với con trẻ?

Trước hết, nó là một trong những yếu tố góp phần tạo ra một em bé lịch thiệp, tự tin. Bạn chắc chắn sẽ đồng ý với mình rằng sự lịch thiệp giúp người ta dễ dàng kết nối và chiếm được cảm tình từ người khác. Em bé lịch sự sẽ biết cách dùng lời nói để thể hiện nhu cầu của bản thân và đề nghị giúp đỡ bằng lời nói lọt tai đánh thức thiện cảm của người đối diện. Điều đó có thể còn mang lại cho em bé nhiều lợi ích khác vượt trên cả mong đợi.


Thành công trong mỗi lần giao tiếp sẽ đặt những viên gạch vững chắc nhất cho sự tự tin nội tại - hình thái tự tin bền vững, chân thực có khả năng đi theo em bé suốt đời. Làm cha mẹ, chẳng phải bạn rất mong con mình luôn tự tin và vững vàng hay sao.

Muốn nói ra “lời hay ý đẹp”, chắc chắn trẻ cần phải dành thời gian để suy nghĩ. Cái này đúng như ông bà xưa đã dạy “uốn lưỡi bảy lần hẵng nói” nè! Quá trình cân nhắc để lựa chọn câu từ cũng chính là quá trình rèn luyện tư duy, cải thiện khả năng dùng từ ngữ.

Riêng với con mình, mình thấy trong tình huống nóng giận, quãng thời gian chậm lại để ngẫm nghĩ xem cần phải nói thế nào còn giúp bé thêm bình tĩnh, “hạ hỏa” nữa.


Bản thân mình trước giờ không dùng những từ thô tục nên nói chuyện với con cũng vậy. Ban đầu là vì thói quen và quan điểm riêng, nhưng đến khi con bắt đầu có tiếp xúc xã hội khác ngoài gia đình, mình mới thấy lợi ích của việc này. Ví dụ như hồi đầu con học online, có những buổi học cô giáo phải nhắc nhở tới ba lần vì các bạn cứ “xin phép cô con đi đ.á.i/ỉ.a” Phải sau vài tuần các bé mới hoàn toàn đổi sang cách nói “đi vệ sinh”.


Dạy con tránh dùng những từ thô tục từ nhỏ sẽ giúp cha mẹ hay giáo viên không mất thời gian cải thiện thói quen phát ngôn của bé về sau. Bắt đầu bằng việc hướng dẫn con dùng từ “đi vệ sinh, đi pee/đi poo, đi nặng/đi nhẹ”, nói “xì hơi” chứ không dùng “đánh r.ắ.m”, “phân” thay cho “c.ứ.t” v.v…


“Biết là thế nhưng nhiều lúc tôi chẳng kịp nghĩ xem cần phải nói thế nào cho đúng nữa!”

Có mẹ thắc mắc rằng trong những tình huống cấp bách thì làm sao có đủ thời gian để cân nhắc lựa chọn cũng như suy xét xem nên nói năng như thế nào với con. Đúng vậy! Mình hoàn toàn đồng cảm và thấu hiểu cái khó này. Nhưng xin đừng lo lắng, chỉ cần bạn thực sự bắt tay vào rèn luyện, theo thời gian bạn sẽ biết chính xác mình cần làm gì, nói gì.


(1) Mẹ nghĩ là thời tiết hôm nay hơi lạnh, cái váy pony ngắn tay này không phù hợp vì nó không đủ ấm. Con thấy sao nếu mình mặc bộ đồ màu hồng và để dành váy chờ ngày nắng ấm hơn?

(2) Trời lạnh thế này mặc váy rồi lại ốm à con! Không nói nhiều nữa, hôm nay mặc quần áo dài tay. Nhanh lên không muộn học mất rồi!


Cả hai câu trên đều là những phát ngôn của mình. Chắc các mẹ cũng thấy câu nào hiệu quả hơn rồi. Vâng, cách nói số (1) tuy không phải lúc nào cũng giúp mọi sự suôn sẻ, nhưng thường có kết quả tích cực. Khi nói câu (1), mình đã phải nghĩ, phải cân nhắc, phải động não; còn câu (2) chỉ là câu nói bột phát theo cảm xúc và suy nghĩ nhất thời thôi. Cách nói này làm cho cả hai mẹ con mình phải trải qua một buổi sáng mệt mỏi và bực bội.


Mình cũng như bạn, không ai trong chúng ta có thể làm cha mẹ tốt ngay từ đầu. Bạn sẽ phản ứng chưa hợp lý vài lần hoặc nhiều lần, nhưng bạn luôn có thể điều chỉnh – quan sát – tiếp tục sửa chữa cho đến khi cả bạn và con đều cảm thấy hài lòng với cách giải quyết đó. Hãy dành vài phút khi đi ngủ, hoặc bất kỳ lúc nào yên tĩnh trong ngày để nhớ lại những lúc giao tiếp với con, xem thông điệp con nhận được từ lời nói của cha mẹ là gì, nếu có sự việc tương tự xảy ra thì bạn sẽ nói như thế nào để mọi chuyện tốt đẹp hơn? v.v… Dần dần, chắc chắn việc giao tiếp của bạn sẽ trở nên hiệu quả.


Dạy con “lời hay ý đẹp” có sợ con sẽ “thảo mai” không?

Tuy có sự tương đồng đâu đó, nhưng ngôn ngữ đẹp không bao giờ đồng nghĩa với sự hoa mỹ, chỉ bóng bẩy bên ngoài mà sáo rỗng bên trong. Việc lựa chọn nói ra những từ ngữ dễ nghe, hợp tình hợp lý phải xuất phát từ cái tâm chân thành bên trong mới mong chạm đến người nghe. Thêm nữa, tâm trí đứa trẻ trong trẻo, tinh tươm. Chúng không biết thực dụng, không biết giả tạo. Chúng chỉ biết tiếp nhận và xử lý ngôn ngữ như tài nguyên của bản thân chúng mà thôi. Ngôn ngữ đầu vào tốt, ngôn ngữ đầu ra tự nhiên sẽ tốt. Đừng lo con mình “thảo mai” mẹ ạ!


Lời kết

Ngôn ngữ được ví là sản phẩm kỳ diệu của văn minh nhân loại, là phương tiện của trí tuệ, công cụ giao tiếp cực kỳ hữu ích. Ngôn ngữ cũng thể hiện trình văn hóa và đạo đức. “Thương hiệu cá nhân” của một con người phụ thuộc khá nhiều vào lời ăn tiếng nói của họ. Bởi vậy, giúp con tạo dựng một nền tảng ngôn ngữ đẹp đẽ, tích cực chính là trao cho con cơ hội có một tương lai rộng mở, xán lạn hơn.

Thêm nữa, chúng ta đều thích những lời nói dễ chịu, một đứa trẻ luôn cần được yêu thương lại càng muốn được nghe câu từ lọt tai. Lựa chọn lời nói cẩn thận giúp quá trình nuôi dạy con của cha mẹ suôn sẻ, dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu ngôn ngữ “điện ảnh” – lời hay ý đẹp có lợi đến thế, tại sao chúng ta không thử, nhỉ?







23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page