top of page

Giữ bình tĩnh khi con "ăn vạ".

Trong sách và các bài viết về nuôi dạy con thường có những quy trình đại loại như thế này:


"Khi con ăn vạ, khóc lóc, nổi giận, hãy ôm con, gọi tên cảm xúc, chấp nhận cảm xúc và giảng giải khi con bình tĩnh."


Nhưng bạn có thấy rằng không phải lúc nào quy trình này cũng hiệu quả không? Bạn phải làm gì khi càng ôm con càng giãy, càng giải thích con càng hét to hơn lời bạn nói? Con bạn có phải trường hợp đặc biệt khó dạy không? Quan trọng nhất, làm sao để bình tĩnh khi con khóc? Nếu bước đầu đã không hiệu quả thì làm sao đến được bước "con bình tĩnh"?



"Hãy thật lòng đối đãi với trẻ con vì chúng nhạy cảm và tinh tế hơn người lớn nhiều".

Khi bạn định làm bất kỳ điều gì, hãy chắc chắn rằng bạn làm thế vì tình yêu và sự cảm thông với đứa trẻ, không vì bất kỳ mục đích nào khác, ngay cả mục đích nghe-có-vẻ-hợp-lý là hi vọng chúng ngừng khóc.


Đừng ôm con chỉ vì bạn nghĩ làm như vậy chúng sẽ hết khóc. Đừng chấp nhận cảm xúc vì sách bảo thế, trong khi thật lòng bạn không hiểu vì sao cảm xúc này đáng được chấp nhận. Đừng giảng giải vì kỳ vọng chúng sẽ không còn tái phạm. Nếu chúng không hết khóc thì sao? Nếu chúng vẫn tái phạm thì sao? Thì bạn sẽ không giữ nổi bình tĩnh và không biết làm gì tiếp theo.


Trẻ con tinh tế tới mức có thể cảm nhận được đâu là cái ôm đồng cảm và đâu là cái ôm khiên cưỡng (để chúng dừng khóc). Chúng cũng phân biệt được khi nào sự công nhận đến từ thấu hiểu và khi nào sự công nhận đó sắp được dùng làm tiền đề cho sự thao túng tiếp theo. Giống như bạn có thể phân biệt được đâu là lời xin lỗi thật lòng và đâu là: "OK, xin lỗi, được chưa!" vậy.

Tâm trí quyết định hành động. Ngay cả khi hành động của bạn không thay đổi, nhưng tâm trí thay đổi thì kết quả của hành động cũng thay đổi. Bạn hãy thử nghĩ lại xem, có đúng là khi bạn hoàn toàn đồng cảm với điều khó chịu mà đứa trẻ đang trải qua, chấp nhận chúng có quyền khóc bao lâu thì khóc, so với khi bạn máy móc làm theo sách vở để chúng nhanh chóng dừng lại; ngữ điệu nói, ánh mắt, giọng nói của bạn khi nói câu: "Con ra đây mẹ ôm con nào", có khác nhau không?


Lần tới, khi con khóc, hãy dừng lại một chút và quan sát xem đã có chuyện gì xảy ra, chuyện gì làm con khó chịu và bùng nổ đến như vậy. Bạn có thể thông cảm cho một đứa trẻ thân trí chưa hoàn thiện, khi chúng không thể kiểm soát cảm xúc và hành động của mình không? Nếu bạn là con, bạn mong muốn được đối xử thế nào? Nếu bạn rơi vào cảm xúc tương tự trước mặt bạn đời, bạn muốn họ làm gì cho bạn? Bạn muốn nghe những lời như: "Thôi được rồi, nín đi!" hay "Có cái gì đâu mà phải làm quá lên thế nhỉ!", hay muốn được người đó ôm vào lòng và bạn được khóc bao lâu tuỳ thích?


Khi bạn cảm thấy bản thân sắp không thể chịu nổi nữa, hãy cố gắng tự nhắc: “Mình chỉ ngồi nghe con khóc đã khó chịu thế này, chắc hẳn con còn khó chịu hơn mình nhiều lắm.”


Câu chuyện bên lề:

Sáng nay, mình đưa con đi làm test Covid do trường yêu cầu. Con đã rất cố gắng và hợp tác khi bị chọc cái que lấy mẫu vào họng, vào mũi, tự an ủi rằng mình được chú phát cho cái chai màu tím - màu con rất thích. Xong xuôi, đến khi cái chai màu tím đựng dung dịch lấy mẫu đó bị thu đi, con bàng hoàng và khóc như mưa. Con nghĩ sau tất cả những khó chịu khi lấy mẫu, mình sẽ được thưởng cái chai màu tím mà hoá ra không phải. Niềm an ủi cuối cùng cũng bị lấy đi rồi. Tại sao mẹ giải thích tất cả các quy trình mà lại không giải thích khúc này? Con thất vọng, tức giận và buồn bã.


Mình chỉ nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy tay con, xoa xoa bàn tay bé nhỏ rồi nói: “Cái chai bị lấy đi rồi, chắc là con buồn lắm". Con cứ khóc, mình cứ ngồi cạnh và cầm tay, không nói thêm gì cả. Một lúc sau, tự con trấn tĩnh lại. Trên đường về, con nói với mình: “Mẹ ơi, con yêu mẹ".


Các phương pháp khiến trẻ nghe lời chỉ là phần ngọn. Nếu cái gốc là chính bạn không được chăm bón thì việc chăm chăm đi hái quả là điều vô ích. Biết về các phương pháp giao tiếp với trẻ là điều tốt, nhưng quan trọng hơn, hãy học cách thông cảm cho người khác, ngay cả khi đó chỉ là một đứa trẻ.

Alicia Vu (Quỳnh)

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page