top of page

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON NHANH BIẾT NÓI?

Bài đăng của thành viên Thu Trang Vũ trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Đợt dịch Covid vừa qua mình thấy tình trạng các em bé bị chậm nói khá nhiều, nhiều bé thậm chí phải đi học các lớp can thiệp dành cho trẻ chậm nói. Ngoại trừ những trường hợp các bé có vấn đề về bệnh lý bẩm sinh thì thông thường trẻ chậm nói là do các yếu tố chủ quan bên ngoài, mà cụ thể là từ chính gia đình. Có thể do việc ở nhà quá lâu vì nghỉ dịch khiến các bé không có môi trường để thực hành giao tiếp, cha mẹ bận làm online không có thời gian tương tác nhiều với con, để con tiếp xúc với các thiết bị điện tử thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến việc học nói của trẻ.


Hai bạn nhà mình trộm vía đều biết nói khá sớm. Mình nhớ là vào khoảng 22 tháng khi bạn Sóc đi học mình đã nói với cô giáo là con có thể giao tiếp với người lớn bằng những câu hoàn chỉnh và hiểu những điều người khác nói. Còn hiện tại, với bạn Sunny, vừa tròn 2 tuổi, con nói khá nhiều và hoàn toàn có thể giao tiếp câu hoàn chỉnh với người lớn.


Để 2 bạn có thể nói được sớm, mình xin chia sẻ 1 số bí quyết như sau:

TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐỂ TRẺ TIẾP XÚC SỚM VỚI CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không nên cho trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2-4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có lợi ích nào được biết đến trong việc cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi sử dụng các thiết bị điện tử. Các cha mẹ chắc hẳn cũng biết đến nhiều tác hại của việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Không chỉ khiến thị giác của trẻ bị ảnh hưởng về lâu dài, mà việc xem tv, ipad… còn khiến não trẻ bị tiếp thu một cách thụ động, một chiều, trong khi việc giao tiếp cần có quá trình trao đổi hai chiều. Đây là nguyên nhân chính của việc nhiều trẻ hiện nay bị chậm nói.

Quan điểm của gia đình mình là cố gắng không cho con tiếp xúc với màn hình điện tử lâu nhất có thể, và hạn chế thời gian khi cho con tiếp xúc với các thiết bị sau này. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích mà việc xem các video bổ ích trên youtube mang lại cho trẻ nhỏ nhưng dù sao môi trường để học nói cũng là giao tiếp hai chiều (giữa người với người) chứ không phải giao tiếp thụ động một chiều (người với máy) nên quan điểm của mình là sẽ không để con xem các video trên youtube trước khi con có thể nói thành thạo.


DÀNH THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG CHO CON

Mình biết nhiều bố mẹ công việc bận rộn, không có nhiều thời gian tự tay chăm sóc con mà phải nhờ đến ông bà hay giúp việc. Vì thế, thay vì phải dành toàn bộ thời gian cho con, việc dành thời gian CHẤT LƯỢNG cho con quan trọng hơn nhiều. Bố mẹ chỉ cần dành thời gian buổi tối trước khi đi ngủ để tương tác, trò chuyện với con, hát cho con nghe những bài hát thiếu nhi hay những bài đồng dao (có tác dụng rất tốt trong việc giúp trẻ học nói)… Khoảng thời gian ít nhưng chất lượng có giá trị hơn nhiều so với việc bố mẹ dành thời gian ở cạnh con nhưng lại suốt ngày lúi húi vào điện thoại.

Không biết có phải do trước khi đi ngủ mình thường xuyên hát các bài thiếu nhi và đọc đồng dao cho Sunny không mà hiện bé biết nói sớm và thường xuyên bi bô tự hát một mình các bài hát được mẹ dạy (dù đôi lúc không rõ lời và quên lời)


ĐỌC SÁCH CHO CON

Chắc hẳn các bố mẹ đã biết rõ những lợi ích to lớn của việc đọc sách đối với trẻ nhỏ rồi. Không chỉ giúp trẻ ghi nhớ tốt, rèn luyện khả năng tập trung mà việc đọc sách còn giúp trẻ học nói nhanh hơn. Bố mẹ đừng nghỉ trẻ còn nhỏ chưa hiểu gì. Chính những câu chuyện được bố mẹ kể đi kể lại sẽ được trẻ ghi nhớ vào não bộ và dần dần sắp xếp để hình thành khả năng ngôn ngữ. Đặc biệt bố mẹ nên chọn đọc những quyển Ehon cho bé vì ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, hình ảnh đẹp và gần gũi với các bé… Bạn Sunny nhà mình hiện đã thuộc một số quyển ehon, khi mẹ đọc là có thể đọc theo và thậm chí đọc trước cả mẹ dù chẳng biết chữ gì


TẠO MÔI TRƯỜNG GIAO TIẾP CHO CON

Trẻ con học nói cần có môi trường giao tiếp, vì vậy những gia đình neo người hoặc người chăm sóc trẻ ít nói thường cũng khiến trẻ chậm nói. Nếu bố mẹ ở chung cư có thể đưa con xuống dưới sảnh để giao lưu với các em bé khác để tạo môi trường giao tiếp. Nếu ở nhà đất thì có thể ra nhà văn hoá… Tuy nhiên, môi trường tốt nhất để học nói vẫn là trường lớp vì có nhiều bạn, các cô giáo cũng có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ chuẩn. Vì vậy, nếu trẻ khỏe mạnh và không có vấn đề gì về sức khỏe, bố mẹ nên để con đi lớp sớm (ngoài 1 tuổi) để trẻ có được môi trường giao tiếp sớm nhất. Bạn Sunny nhà mình bắt đầu đi học từ lúc 18 tháng tuổi và mình nghĩ đây là quyết định đúng đắn nhất của mình. Hiện Sunny rất hoạt bát, nhanh nhẹn và nói nhiều

Trên đây là một số bí quyết của gia đình mình để giúp hai bạn Sóc và Sunny đều biết nói sớm. Nếu các bố mẹ có thêm bí quyết gì có thể comment dưới bài viết nhé! Cảm ơn các bố mẹ đã dành thời gian đọc đến đây. Yêu thương thật nhiều.


24 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page