MỘT SỐ VIỆC BẠN CÓ THỂ LÀM ĐỂ GIÚP TRẺ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN
Bài đăng của thành viên Nghia Nguyen trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
1) Mỗi ngày hãy nói cho con biết và thể hiện cho con thấy rằng bạn yêu con và rất vui và biết ơn vì sự có mặt của con trên đời này.
Điều này sẽ giúp con hiểu rằng bản thân con có giá trị chỉ bằng việc con đang sống và tồn tại ở đây mà không cần phải cố gắng chứng tỏ bản thân hay gồng lên để thể hiện mình đủ tốt, đủ ngoan, đủ giỏi. Bạn yêu con vì con là con chứ không phải vì con nhanh hơn, giỏi hơn hay vượt trội hơn ai.
Để con thấy và tin vào điều đó, ta cần thể hiện cho con thấy bằng hành động. Ta không thể nghĩ trong đầu mình yêu con hay nói rằng mình yêu con mà ta còn chẳng có thời gian dành cho con, thể hiện tình cảm với con hay áp đặt và buộc con phải làm theo ý mình.
Ta nói gì, làm gì, thái độ thế nào mỗi sáng khi con thức dậy và nhìn thấy ta, trước khi con tới trường, đi vào lớp, đi học về, trước khi đi ngủ, mỗi lần con cần giúp việc gì đó, khi con khoe với ta một bức tranh vừa vẽ, kể một câu chuyện vui trên lớp, kể về một phát hiện mới của mình,... Những việc tưởng chừng nhỏ nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào. Mình luôn luôn cảm nhận được mong muốn được quan tâm và kết nối của con trong những lần đó.
Nếu bạn dành phần năng lượng này để kết nối, thể hiện tình cảm đủ với con, bạn không còn cần phải mất đi phần năng lượng để xử lý các vấn đề về hành vi mà mục đích đằng sau đó không có gì khác là tìm kiếm sự quan tâm và chú ý của bố mẹ, dù đó là sự quan tâm và chú ý theo nghĩa tiêu cực.
2) Dạy cho con biết cách tự chăm sóc và lo cho các nhu cầu của bản thân.
Đứa trẻ học từ dễ tới khó, từ đơn giản tới phức tạp, từ cá nhân rồi tới tương tác với người khác. Chẳng hạn như ban đầu là học cách tự chịu trách nhiệm với việc ăn, học chọn lựa những món ăn cơ thể mình cần, tự xúc ăn sau đó là học cách tự dọn bàn, sau đó nữa có thể là học chuẩn bị một bữa ăn nhỏ cho mình và dọn dẹp, rửa bát đũa sau khi ăn xong. Chỉ khi tự lo được cho mình, con mới có khả năng đóng góp sức mình cùng với người khác vào bữa ăn của gia đình và từ đó cảm nhận được giá trị của bản thân qua việc biết rằng mình là người có ích, mình có thể làm việc để giúp đỡ người khác.
Một người biết chăm sóc mình, tự lo được các công việc cá nhân trước hết là một người có trách nhiệm với bản thân. Đây là tiền đề để con biết nhận trách nhiệm cho các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, cho các quyết định của mình. Một người biết nhận trách nhiệm với thân sẽ biết nhận trách nhiệm với tâm.
Ngược lại một đứa trẻ luôn oán trách cái bàn vì làm mình đau chân, đổ lỗi cho người khác trong khi bản thân mình cũng có trách nhiệm, luôn chờ đợi người khác phục vụ, lo cho mình mọi thứ rất có thể lớn lên sẽ oán trách người khác vì những vấn đề của chính mình, luôn chờ đợi, kỳ vọng người khác đáp ứng mình.
Một người sẽ không biết tự nhìn lại mình hay chủ động giải quyết việc gì liên quan tới bản thân nếu như với họ mọi thứ đều do người khác, thuộc trách nhiệm của người khác. Đó chính là lý do cho sự bất lực và bế tắc và từ đó sinh ra cảm giác mình không thể làm được gì, không có giá trị gì.
3) Hướng dẫn con làm việc nhà.
Làm việc nhà cũng là lao động. Học để biết nhận trách nhiệm với bản thân, làm cho mình, làm cho gia đình trước hết là vì sự trưởng thành của mình, sau đó là vì những người khác nữa.
Hãy nhìn vẻ mặt hài lòng và vui sướng của đứa trẻ khi tự mình làm được một việc mà người lớn làm hay giúp được ai việc gì đó. Đứa trẻ mãn nguyện với bản thân và đó chính là cách để con xây dựng niềm tin vào chính mình. Nếu đứa trẻ gặp khó khăn hay làm sai một chút, hãy kiên nhẫn hướng dẫn lại và đừng quên nói với trẻ rằng: Không sao đâu, con còn đang học và làm sai là bình thường.
Đừng khen trẻ giỏi hay tán thưởng trẻ về những việc trẻ làm. Bạn chỉ cần nói: Mẹ cảm ơn con đã giúp, mẹ thấy rất vui. Như vậy là đủ để ghi nhận và khuyến khích trẻ rồi.
4) Làm gương và giúp con hiểu về cảm xúc, biết cách xử lý cảm xúc cho mình một cách lành mạnh.
Có ai trong số chúng ta mà chưa từng gặp những cảm xúc mạnh và khó, phản ứng thông thường là lơ chúng đi để cảm thấy ổn hơn. Chúng ta đi gặp bạn bè, đi ra ngoài uống cà phê, đi mua sắm, ngồi lướt màn hình, đọc này đọc kia để giải trí cho quên đi. Những cách này có thể có tác dụng ngay lúc đó nhưng về lâu về dài thì để lại gánh nặng cho nội tâm và dồn nén vấn đề dẫn tới cảm giác bế tắc và bất lực như đã nói ở trên.
Hiểu và nhận trách nhiệm cho cảm xúc của mình là bước đầu tiên của việc học để hiểu mình. Hiểu mình mới lo được cho mình, hiểu mình mới biết đáp ứng các nhu cầu tinh thần của bản thân. Khi tự lo được cho mình rồi thì người ta mới biết nhìn sang người khác để giúp đỡ.
--
Tất nhiên còn có rất nhiều điều khác nữa bạn có thể làm để giúp con nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân, đó là hành trình mỗi người làm cha mẹ cần học và tự bổ sung trước hết là cho chính mình. Tại vì chẳng có gì trên đời quan trọng bằng việc biết sự ra đời của mình là có ý nghĩa, bản thân được quý trọng và sự tồn tại của mình có thể giúp được cho người này, người kia.
Một điều quan trọng nữa là cứ thong thả và đều đặn học, hành cùng nhau. Những việc trên không phải cứ hứng lên thì làm, nhớ ra mới làm hay lo quá thì bắt tay vào làm, hết lo thì bỏ mặc. Đúng là càng việc gì cốt lõi lại càng phải duy trì hàng ngày, bất kể tâm trạng có ra sao.