top of page

Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu - Review sách cho em bé 2 - 5 tuổi

Lạc ơi, đến giờ về rồi. Mẹ nghe thấy các bạn cây ở nhà đang khóc.(Giả giọng tội nghiệp của cái cây) Huhu, chúng mình khát nước quá. Lạc ở đâu về cho chúng mình uống nước. Cây làm gì biết nói hả mẹ, cây làm gì biết khát!

Đó là những gì bé con 4 tuổi của mình đã nói lúc đang chơi ở sân trường sau giờ học, trước khi đọc cuốn Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu của tác giả Christie Matheson.


Đến nay, cuốn sách giản dị với những gam màu dịu dàng nhưng tươi sáng này đã trở thành một trong những cuốn yêu thích nhất của hai bạn nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi ở nhà mình. Ngày nào các bạn cũng nhắc mẹ đọc và mỗi lần đọc xong là y như rằng lại xin mẹ đọc thêm lần nữa, rồi lần nữa.


Chẳng có gì sặc sỡ hay nhiều tình tiết gay cấn, đó chỉ là câu chuyện dịu dàng và êm ả về một cái cây. Ban đầu, trước mắt các bạn nhỏ chỉ là một thân cây màu nâu trơ trụi. Nhưng những lời dẫn vào câu chuyện cũng đủ làm trái tim chúng thổn thức: “Luôn có một phép màu trong một thân cây nâu trần trơ trụi lá”. Và qua từng trang sách, phép màu ấy lần lượt hiện ra qua những tương tác đầy sáng tạo.


Nếu như với những cuốn sách khác, hai em bé chỉ ngồi yên nghe mẹ đọc, thì với Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu, con được tham gia tích cực vào diễn biến của câu chuyện và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những phép màu. Gõ nhẹ một lần vào thân cây, lật sang trang và... “Oa, có một cái lá mọc ra này mẹ ơi!” Gõ thêm lần nữa, cây mọc thêm bao nhiêu là lá non!


Cứ thế, hai em bé hào hứng thực hiện những điều mà cuốn sách mách bảo: xoa thân cây cho ấm lên, lắc lư, rung cây, thổi vào cây một nụ hôn, đếm từ một đến mười để chờ đợi,... Và để đáp lại tấm chân tình của các bạn nhỏ, cái cây cứ thể đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái, rụng lá, ngủ đông rồi bừng sáng trở lại vào mùa xuân.


Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu

Xuyên suốt câu chuyện, các bạn nhỏ hiểu hơn về chu kỳ sinh trưởng của cây trong bốn mùa xuân – hạ - thu – đông. Điều các con thu nhận được không chỉ là kiến thức sinh vật học đơn thuần mà còn là niềm tin rằng cây cối cũng là những sinh linh cần được yêu thương, chăm sóc như con người vậy.


Không những thế, hai em bé còn cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi những công sức của mình đã thực sự phát huy tác dụng. Chúng rối rít chăm sóc cho cái cây theo chỉ dẫn của cuốn sách, cảm thấy mình thật quan trọng. Chúng vô cùng hài lòng khi một trang mới được mở ra, để chiêm ngưỡng “thành quả lao động” của mình qua những biến đổi của cái cây kỳ diệu.


Càng đọc nhiều lần, ba mẹ con lại “sáng tạo” thêm nhiều cách tương tác hay ho. Chẳng hạn như khi những quả táo chín đỏ mọng trên cây rụng xuống, chị sẽ vờ nhặt một quả và đưa cho em. Em bé hai tuổi xin chị và vờ cắn phập một cái, nhai nhồm nhoàm ngon lành như thật vậy. Hay khi em phát hiện ra một bạn Sóc vẫn đang ăn dở quả táo dưới gốc cây, chị bảo: “Bạn sóc ơi, mùa đông sắp đến rồi đấy, ăn nhanh rồi về hang trú ẩn thôi” còn em thì chỉ dùng vốn từ vựng ít ỏi của mình để đế theo: “Sóc về thôi!”


Chỉ cần mình đủ chú tâm, giờ đọc sách bỗng trở thành những giờ học địa lý, sinh vật hay ngôn ngữ đầy ngẫu hứng. khi giở tới những trang sách mùa đông, mình sẽ nói cho hai em bé biết ở xứ lạnh thì tuyết sẽ rơi, hay chim mẹ thường tha cành cây về đan vào nhau thành chiếc tổ. Mỗi yêu cầu mà sách đưa ra là một lần hai em bé luyện dùng những động từ. Đôi khi, mẹ có thể chuyển qua tự sáng tác lại lời sách bằng tiếng Anh đơn giản và 15 phút tiếp theo trở thành một bài học tiếng Anh thú vị.


Gõ nhẹ vào thân cây kỳ diệu đã một lần nữa khẳng định với mình rằng những chuyến đi chơi xa hay những món quà đắt tiền không phải là điều thiết yếu để mang lại niềm vui cho các bạn nhỏ. Tất cả những gì mình cần là một cuốn sách tranh dễ thương và một sự chú tâm trọn vẹn. Và một cuốn sách tương tác để con được kết nối với thiên nhiên kỳ diệu thì thật chẳng còn gì vừa vặn hơn!


Thu Thủy,

1 lượt xem0 bình luận
bottom of page