top of page

Hãy để con được nghe mẹ nói


Cách đây không lâu con mình thi học kỳ I. Nó gặp khó khăn với môn viết. Bình thường mình không can thiệp chuyện học hành thi thố của con, nhưng trong lúc cuống quýt, mình vẫn không thể kìm được mà gắt lên giục nó phải xử lý nhanh không hết giờ. Kết quả là con bé hốt hoảng bật khóc, bản thân mình cũng bật khóc. Mình không đa cảm đến mức khóc chỉ vì ân hận do đã trót lớn tiếng với con đâu, mà thực chất đó là tiếng khóc sau một thời gian dài tích tụ rất nhiều nỗi niềm. Mình đã hứa với nó rằng: “Mẹ sẽ cố gắng không nói to làm con sợ nữa!” nhưng sau nhiều nỗ lực, mình vẫn mắc sai lầm.


Rồi mình ôm con trong lòng, cả hai cứ khóc lóc ngon lành như thế một lúc lâu. Khi đã nguôi ngoai, chị chàng đột nhiên tỉnh rụi hỏi: “Mẹ, mẹ cũng khóc à? Người lớn cũng khóc à?”

  • Ừ, người lớn cũng khóc chứ.

  • Sao người lớn lại khóc?

  • Vì nhiều lý do lắm. Hôm nay mẹ khóc vì mẹ thương em không được đến trường học tử tế để cô giáo có thể giúp em nhiều hơn; mẹ khóc vì mẹ lại to tiếng với em, mẹ hối hận vì đã không thể ngừng nặng lời với em như mẹ hứa. Mẹ khóc vì mẹ cảm thấy mệt lắm, có nhiều lúc mẹ muốn nghỉ ngơi mà không thể.

  • (Lại tiếp tục mếu máo) Hồi xưa (hẳn là hồi xưa), mẹ bảo với con là mẹ sẽ không nói to nữa mà giờ lại mẹ lại nói to. Mẹ bảo mẹ sẽ thay đổi mà.

  • Đúng rồi, mẹ đã nói như thế mà mẹ chưa thực hiện được. Mẹ cũng đã cố gắng, nhưng có lẽ mẹ cần nhiều thời gian hơn.

  • Mẹ thay đổi chậm lắm. Sao mẹ lại thay đổi chậm thế? (Vẫn nức nở)

  • Ừ, mẹ xin lỗi vì đã thay đổi chậm. Mẹ cũng buồn vì chuyện đó lắm.

  • Ơ thế hóa ra là người lớn cũng khóc à, hê hê. (Tự dưng nhớ ra và “quay xe” ngay được)


Từ đó về sau, cứ thi thoảng nó lại hỏi: “Vì sao người lớn cũng khóc?”. Qua đó mình phát hiện ra việc chia sẻ chân thành với con những khúc mắc trong lòng và bộc lộ cảm xúc một cách chân thật cũng có chút lợi ích.


Rút ngắn khoảng cách giữa hai thế giới Trẻ em & Người lớn

Khi được chia sẻ về những cảm xúc của cha mẹ, con sẽ hiểu rằng người lớn cũng giống chúng chứ không phải một “loài sinh vật hoàn toàn xa lạ”. Người lớn cũng có sai lầm, thường xuyên phạm sai lầm, họ cũng cần cả thời gian lẫn cơ hội để sửa sai và để tiếp tục phấn đấu mỗi ngày. Thế giới của người lớn không phải là nơi chốn bí ẩn đằng sau cánh cửa cao vợi luôn đóng chặt với trẻ con, thế giới của người lớn cũng có đầy đủ hỉ - nộ - ái - ố, có nụ cười và nước mắt. Thứ khác biệt duy nhất có lẽ là người lớn đã có đủ lý trí để kiểm soát hành vi, để che giấu cảm xúc thật của mình mà thôi.


Làm cha mẹ, chúng ta thường cố gắng đặt chân vào thế giới của trẻ con với mong muốn hiểu chúng; chúng ta đọc thật nhiều để học cách lắng nghe tâm tư của con cái mà đôi khi quên mất rằng trẻ con cũng cần lắng nghe, thấu hiểu cha mẹ mình. Con người thường e dè và hoang mang trước thứ mà họ không rõ. Bởi vậy, nếu con có cơ hội hiểu được nỗi lòng, suy nghĩ của cha mẹ, “bức tường” ngăn cách giữa hai thế giới sẽ mỏng dần, thậm chí là biến mất. Con sẽ thêm thấu cảm, bao dung với người lớn.


Trong tương lai, con trẻ có thể sẽ áp dụng bài học yêu thương này với các mối quan hệ khác, trao đi yêu thương và cũng nhận lại rất nhiều yêu thương. Con đã hiểu được rằng ai cũng có lúc khó khăn, mọi người đều cần được cảm thông và giúp đỡ, để rồi khi chính con phải đối diện với thử thách, con cũng không cô đơn.


Con cảm thấy vai trò của mình quan trọng đối với gia đình

Khi cha mẹ đối thoại với con cái như những người ngang hàng, trẻ có thể cảm nhận được sự nâng tầm vai trò của mình trong đời sống gia đình. "Ồ, mẹ tin tưởng mình đấy, mẹ tâm sự với mình cơ mà." Con không còn thấy mình chỉ là đứa trẻ nhỏ bé và yếu đuối, phải phụ thuộc vào người lớn trong tất cả mọi khía cạnh, mà con thực sự là một thành viên quan trọng của cả nhà. Con cảm nhận được trách nhiệm cùng cha mẹ vun vén hạnh phúc, vượt qua khó khăn và kiến tạo bầu không khí yêu thương.


Khóc không phải là xấu!

Mình hay đọc cho con nghe cuốn sách “Khóc không phải là xấu!” và giải thích một cách đơn giản nước mắt giúp chúng ta đỡ buồn như thế nào. Nhưng tất cả chỉ dừng ở “lý thuyết” cho đến khi tận mắt chứng kiến một người lớn cũng khóc nức nở, nó mới hoàn toàn “yên tâm” rằng việc khóc khi buồn là điều bình thường; và ai cũng có quyền được khóc, dù là bạn trai hay bạn gái, người lớn hay trẻ con.


Người lớn cũng cần được chữa lành


Khi trút bầu tâm sự với con, bản thân mình cũng thấy dễ chịu hơn nhiều. Thực ra đây không phải lần đầu tiên chúng mình tâm sự kiểu này. Mình vẫn nói chuyện với nó như một người bạn thật sự chứ không chỉ dừng ở tâm thế “cố gắng làm bạn với con”. Trước đây, mình thường tìm đến bạn bè để thổ lộ như một kiểu “xưng tội” khi mắc lỗi. Còn bây giờ mình nghĩ: “Tại sao không đối diện với con và trực tiếp nói lời xin lỗi nó, giải thích, giãi bày mọi thứ cùng nó nhỉ?”

  • Mẹ xin lỗi vì hôm nay mẹ không đủ thời gian để nấu ăn tươm tất. Con ăn tạm bánh mì nhé.

  • Mẹ xin lỗi vì đã nói tuần này sẽ cho con đi ra khu vui chơi nhưng mẹ lại bị tiền đình nên chóng mặt và đau đầu quá, mẹ cần ngủ. Mẹ xin lỗi vì làm con thất vọng. Mình sẽ đi chơi bù lần tới nhé.

  • Mẹ xin lỗi vì đã thiếu kiên nhẫn khi chỉ bài cho con. Lẽ ra mẹ không nên nói to làm con sợ.


Người mẹ đoảng là mình vẫn “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”, nhưng lời đã nói ra thì tự cảm thấy phải có trách nhiệm hơn, có động lực để buộc bản thân phải thay đổi nhanh hơn.


Và mình cũng phát hiện ra, nếu con chủ động lắng nghe người lớn, nó sẽ nhớ rất lâu. Ngay lúc đó có thể nó không phản ứng gì, mình đoán là nó còn dành thời gian để ngẫm nghĩ về lời mẹ nói. Trong cái đầu bé nhỏ ấy chắc hẳn đang xảy ra một quá trình tò mò, xem xét, đánh giá gắt gao lắm đây. Cứ lâu lâu nó lại hỏi một câu gì đó kiểu như: “Tại sao người lớn lại cần nhiều thời gian để thay đổi thế? Sao lúc khóc mắt mình lại đỏ nhỉ?” v.v…


Mình chắn chắc các bạn đều là những ông bố bà mẹ yêu con chẳng kém gì mình. Nhưng các bố mẹ ơi, xin đừng quên con cái cũng luôn yêu chúng ta vô điều kiện. Và con cũng muốn được lắng nghe, được thấu hiểu, được cảm thông với cha mẹ mình lắm đó. Vì vậy mà đừng ngại tâm sự với con thật chân thành, bạn nhé!


Như thường lệ, mình vẫn chỉ viết về những trải nghiệm riêng để chia sẻ với mọi người và không hề có ý khái niệm hóa kinh nghiệm cá nhân. Mình hy vọng bạn cảm thấy tích cực sau khi đọc xong những dòng này.


Cảm ơn bạn rất nhiều!


23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page