Hai tầng não bộ và xung đột với con tuổi dậy thì
Bài đăng của thành viên Mai Lê trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.
Cha mẹ nào có con tuổi dậy thì chắc có lẽ trải qua ít nhất một lần những cuộc đối đầu, xung đột giữa các thành viên với nhau. Những cuộc bùng nổ lên đến đỉnh điểm với cái nhìn đầy thách thức, vẻ mặt “câng” lên hoặc trơ trơ của con.
Nhà mình cũng chẳng hơn gì, khi mà cậu con tuổi dậy thì lại còn có tính khí mạnh nữa. Đôi khi dù đã sai bét nhè nhưng con vẫn luôn cho rằng ba mẹ chỉ làm quá lên thôi. Mình đã nghĩ dường như trong sự đối đầu này lúc nào con cũng là người nắm phần thắng. Nếu ba mẹ không dịu lại, không hạ giọng thì con vẫn xù lông nhím lên để tự bảo vệ mình. Và cứ thế xung đột kéo dài.
Đến khi mình đọc được nghiên cứu trong bộ sách Phương pháp dạy con không đòn roi, tiến sĩ Daniel J.Siegel và Tina Payne Bryson đã giải thích về hành động chọc “con thằn lằn” của đa phần bố mẹ có con tuổi dậy thì. Và mình hiểu hơn nguyên nhân thường dẫn đến sự đối đầu này.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực phát triển não bộ và tâm lý trẻ em, cấu tạo bộ não của con người nói chung gồm có hai tầng.
Tầng dưới với các chức năng nguyên thủy của con người, mang tính phản xạ và phản ứng theo cách của loài bò sát – bằng sự phòng ngự hay tấn công.
Tầng trên là nơi chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ tinh vi và phức tạp hơn. Tuy nhiên tầng trên lại chưa hoàn thiện khi sinh ra. Chỉ bắt đầu phát triển trong suốt thời thơ ấu và hoàn chỉnh ở tuổi trưởng thành.
Khi chúng ta, những ông bố bà mẹ la hét, hung dữ thì lúc ấy ta đang kích hoạt mạch phòng ngự của bộ não tầng dưới, hay còn gọi hành động đó là chọc “con thằn lằn”. Điều này sẽ kích động cảm xúc và bộ não tầng dưới của cả bố mẹ và con hoạt động. “Con thằn lằn” này sẽ làm cho tất cả mọi người đều ham muốn chiến thắng. Đó sẽ là trận chiến kịch liệt, tạo ra một vòng xoáy xung đột mà kết thúc sẽ là sự thua cuộc của cả hai bên.
Sau khi khám phá điều này, mình đã thay đổi thái độ mỗi khi bắt đầu có mâu thuẫn. Hạ giọng lại, giãn nhẹ nét mặt, hỏi han, trò chuyện cùng con, thay vì la hét, giận dữ.. Khi cảm thấy không điều khiển được cảm xúc nữa thì mình dừng lại, thông báo mẹ không nói chuyện với con bây giờ được. Đây là khoảng lặng cần thiết cho cả hai đình chiến, hạn chế việc kích hoạt não bộ tầng dưới.
Đôi khi chỉ cần hỏi cảm nhận, cảm xúc con bằng giọng bình tĩnh thì con sẽ nói lên ấm ức của mình, thay vì xù lông nhím, sẵn sàng trong tư thế tấn công. Khi con đang ở trạng thái bị kích hoạt về cảm xúc thì sẽ không thể nói chuyện với con hay tiếp cận não bộ có ý thức. Có thể tạm để mâu thuẫn qua một bên và quay lại giải quyết sau, thay vì cứ lao vào nhau như trước kia.