top of page

Hành trình làm mẹ và bí mật của chữ S (Phần I)

Bài đăng của thành viên Chi Linh Bui trên nhóm An nhiên làm cha mẹ - Ươm hạt mầm yêu thương.


Thời gian gần đây mình đọc được khá nhiều bài viết của các thành viên về việc “tổn thương đứa trẻ bên trong”, và một điều mình nhận ra được rằng, khi mình có con cũng chính là lúc mình nhận ra những khó khăn trong chính cuộc sống nội tâm của mình.


Bài viết hôm nay mình xin chia sẻ về quá trình làm mẹ ngắn ngủi mới vỏn vẹn được 3 năm, một hành trình đầy những khó khăn, vất vả nhưng cũng mang đầy những thiêng liêng, an lạc!


Hành trình làm mẹ và bí mật của chữ S (Phần I)

“Anh ơi, em vừa thấy chút máu mầu hồng nhạt, mình đi đẻ đi”


Khoảng 4 giờ sáng, như thói quen của một bà bầu, mình tỉnh dậy mò mẫm vào nhà vệ sinh, ai dè lại phải chuẩn bị đi đẻ luôn. Anh này đúng hẹn giống mẹ nó ghê, hẹn ra là ra.


Nhưng đời không như mơ đâu mẹ ạ. Sau 12 tiếng đồng hồ vật lộn trong phòng sinh, mẹ được đẩy vào phòng cấp cứu do nhịp tim của con giảm nhanh. Trong bầu không gian với khoảng hơn chục bác sĩ và y tá, tiếng nói, tiếng ồn ào của máy móc… tai mình bắt đầu ù đi trong mớ âm thanh hỗn độn đó. Điều duy nhất mình muốn được nghe thấy là nhịp tim của con.


10:16 pm, trong cơn u mê chập chờn, tiếng khóc chào đời của con đã phá vỡ sự hỗn độn đó. Mình chợt bừng tỉnh.

Chào con!


1. Shadow is the Start – Bóng tối là sự khởi đầu!

Cũng như bao bà mẹ khác, mình đã từng có một cuộc sống tự do, tự tại, yêu đời, làm đủ những gì mình cho là cuộc sống dành cho tuổi trẻ để làm. Cứ thế mình chạy ra thế giới bên ngoài để cống hiến, để thể hiện, để chứng tỏ bản thân. Những ngày tháng đó không ít những hoan ca, những hờn tủi, những hào quang và cả những đau đớn… Mình đã từng nghĩ mình có một cuộc sống đủ hãnh diện trước khi bước sang đóng vai một nhân vật khác: Mẹ.


Nhưng càng đi xa hơn trên con đường này mình nhận ra một điều mình đang mò mẫm trong bóng tối, không chỉ từ khi bắt đầu làm mẹ, mà trong suốt 30 năm trường “thanh xuân tự tại”. Mình chìm trong bóng tối của phù phiếm bên ngoài, và tiếng khóc của con là “tiếng chuông” đầu tiên đánh thức mình dậy trong hành trình làm mẹ.


Bóng tối vẫn còn đó, nhưng nó ở phía sau, giờ đây mắt mình có thể chưa thấy rõ, nhưng đã có âm thanh để dẫn lối để mình có thể bước tiếp về phía trước, tuy có thể thật chậm.


2. Sleepless – Sorrow. Mất ngủ và nỗi đau về thể xác

Sau hành trình ngủ vùi, tiếng khóc chào đời có thể là một âm thanh tuyệt vời nhất trong cuộc đời của một người mẹ. Trong giây phút thiêng liêng đó, không có gì có thể so sánh với tiếng khóc của con. Nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu.

Đã có những lúc mình cầu xin được quay trở lại giấc ngủ mộng mị kia.


Những ngày đầu, mình bắt đầu rơi vào tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ. Làm gì có thời gian để ngủ khi sinh linh bé nhỏ kia liên tục cần đến sự hiện diện của mình. Giây phút nhỏ nhoi khi nghĩ mình có thể được nghỉ ngơi, thì đâu đó trong tâm trí “thấp thỏm” kia, hàng ngàn lo âu về con lại xuất hiện.


Rồi lại giật mình tình giấc với những nỗi đau – Sorrow – Nỗi đau thật sự về thể xác!

Đó là những vết khâu trên bụng còn đang rỉ máu với những bông gạc. Đến giờ mình đã có thể cảm nhận được vết dao cứa trên bụng khi con sinh ra.

Đó là sự đau đớn khi sữa chưa về, nửa đêm kiệt quệ ngồi khóc trên ghế một mình.

Đó là những cơn đau thắt thấu tận lưng, chân khuỵu xuống chỉ vì quá yếu.

Đó là những lần tắc sữa, đau như bị kim chích vào da thịt.

Và đó mới chỉ là sự bắt đầu!


3. Suffer – Sự chịu đựng - Nỗi đau về tinh thần.

Những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, có khả năng chúng ta sẽ giải quyết được, nhưng có những điều đến ngay cả bản thân mình cũng không nhận biết. Đó là sự chịu đựng!

Đã có những lúc mình cảm thấy không ai có thể hiểu được mình, họ nhìn, họ soi xét, đánh giá, bỉ bôi. Họ dành sự yêu thương vô bờ bến cho sinh linh bé bỏng kia, còn mình, chỉ là một “công cụ”.

Dường như lúc đó một mình mình đang phải chống lại cả thế giới.

Ngay cả đứa con mình vừa sinh ra cũng tìm cách chống lại mình. Con gào khóc, con không ăn, con không ngủ.

Mình ghét cả đứa bé đó. Trời ơi, sao mình lại ghét con? Mình không được làm thế – Sự chịu đựng bắt đầu


Tại sao mình lại một bà mẹ như thế? Mình không đủ tốt. Sao mình có thể ghét con được. Sao mình lại muốn từ bỏ tất cả, tại sao, tại sao…? “Cứ làm như cả thế giới có mình mình làm mẹ”. Ước gì mình không phải làm mẹ, ước gì chưa bao giờ sinh ra đứa trẻ kia, ước gì mình được biến mất. Dường như sự tồn tại của mình chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống này”.

Mình đã từng có những suy nghĩ còn tồi tệ hơn! Có những lúc sự cảm thông từ người khác khiến mình có cảm giác họ đang thương hại mình.

"Chưa bao giờ có một ai đó HIỂU. Chẳng có một ai!"

Mình sợ hãi, nghẹn ngùng, xấu hổ, tủi nhục… Những thứ này từ đâu ra, sao không ai nhìn thấy, sao nó lại khủng khiếp đến vậy?


4. Shout outside- Scream inside – Quát mắng bên ngoài – Gào thét bên trong.

Đây có lẽ là giai đoạn mà rất nhiều những bà mẹ đã, đang và sẽ phải trải qua.

Khi con lớn dần lên, có những việc bắt đầu thoát ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Mình trở nên tức giận, bất giác thành một con người cáu bẳn bất kì lúc nào. Mình muốn hét lên với bất kì ai, bất kì việc gì khiến mình cảm thấy quá tải. “Tôi chịu đựng đủ rồi, tôi là một bà mẹ không phải một bà thánh”. Họ đang chuẩn bị tấn công, mình phải xù lông lên để bảo vệ mình.

Có đôi khi cái suy nghĩ muốn kia bị kìm lại, mình cố chôn nó xuống vì mình hiểu nếu làm vậy, tổn thương sẽ chồng chất thêm, không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình.


Đây cũng là lúc mình bắt đầu: Gào thét bên trong (scream inside).

Sau những lần giận dữ, bản thân mình chẳng còn chút năng lượng nào. Nỗi sợ hãi lại bắt đầu trỗi dậy. Mình hờn trách bản thân vì những việc “đúng sai”. Có những lúc thay vì ghét cả thế giới, mình bắt đầu quay sang “ghét chính bản thân” mình.

Tồi tệ làm sao khi không cảm nhận được tình yêu thương từ mọi người xung quanh, nhưng không gì có thể so sánh được với sự căm ghét đến chính từ sâu bên trong con người mình. Đó là một hình phạt rất nặng nề mà chính bản thân các bà mẹ luôn vô thức làm với chính mình.


Những tiếng gào thét đó thật sự rất nguy hiểm, vì chẳng có ai có thể nghe thấy, nhưng nó lại như những tiếng rền vang trong tai của mình. Nó dồn lên bộ não còn chưa được tỉnh táo của những bà mẹ vừa chợt tỉnh giấc sau cơn mơ. Các bà mẹ ạ, chúng mình đều như nhau, đôi khi chẳng biết tại sao khi mọi việc tồi tệ thì chính mình là những tồi tệ đó.

Trầ.m cả.m bắt đầu …

Rất nhiều phụ nữ như chúng ta luôn có những cảm giác bất lực, thất bại, ê chề, đau thương… tất cả những cảm xúc “bị coi” là xấu cùng một lúc ập đến như cơn cuồng phong trong thân thể yếu đuối. Chúng ta lớn lên cố gắng mạnh mẽ, tỏ ra kiên cường rút cuộc cũng chỉ để che đi nỗi sợ hãi, sự yếu đuối trong bản thể cố hữu của chúng ta.

Mỗi người có một nỗi đau riêng, có những tổn thương không người khác nào có thể thấu hiểu. Hành trình chữa lành nó càng khó nếu chúng ta không hiểu rõ nó là gì. Nhưng hiểu rõ không có nghĩa là phải đưa mình quay trở về với quá khứ và khiến nỗi đau đó trỗi dậy thêm lần nữa.

Bài viết sau mình sẽ đề cập nhiều hơn đến hành trình mình đang tự tìm kiếm, dù còn rất nhiều chông gai, rất nhiều những lẫn lộn cảm xúc lên xuống, nhưng một điều mình nhận ra đã có những giây phút mình an yên, thì không có bất kì cơn cuồng nộ nào có thể khiến mình lay chuyển.

Điều đó là có thể, nhưng làm sao chúng mình có thể duy trì được lại là vấn đề của từng cá nhân.


Hành trình ấy dài và cứ kéo dài mãi , có hoa hồng, có gai và chưa kết thúc!

21 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page